Chớ "cố đấm ăn xôi" vào đại học, kẻo lay lắt cả thanh xuân

Lệ Thu

(Dân trí) - Nếu con em mình không đủ khả năng lẫn niềm yêu thích thì gia đình đừng ép các em lãng phí thanh xuân, "cố đấm ăn xôi" lay lắt thanh xuân ở trường đại học.

Đó là lời khuyên của thầy giáo Đỗ Viết Tuấn hiện là Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp Vĩnh Phúc với các thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay. 

Nếu lực học bình thường thì đừng cố vào đại học

Thầy giáo Đỗ Viết Tuấn chia sẻ, trong quá trình gần 20 năm dạy ở trường nghề, thầy Tuấn luôn lắng nghe những tâm sự, nỗi niềm của học trò. Có không ít trò đã bỏ dở đại học để chọn học nghề vì không theo được chương trình, không tìm thấy niềm thích thú, đam mê ở giảng đường đại học.

Việc này một phần bắt nguồn từ áp lực, kỳ vọng và định hướng của gia đình muốn con vào đại học cho "bằng bạn bằng bè", "mát mặt" với dòng họ, khối xóm… Nhưng hệ quả thấy rõ, các em lãng phí một phần thanh xuân cho con đường "không dành" cho mình.

Theo thầy Đỗ Viết Tuấn, đầu vào của các trường đại học hiện nay đa dạng, có những nơi đầu vào khá dễ, chỉ cần học lực trung bình cũng có thể đậu vài trường đại học. Nhưng đầu ra lại không dễ như đầu vào, sinh viên phải đảm bảo các chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học, trong đó khó nhất là ngoại ngữ. Chỉ là giấy chứng nhận B1 tiếng Anh nội bộ mà rất nhiều sinh viên thi đến 5-6 lần vẫn không đạt.

Số lượng sinh viên nợ các học phần cả chuyên ngành lẫn đại cương cũng không hề ít. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng thời hạn không phải là 100%.

Do đó, khi con em của phụ huynh có nền tảng kiến thức tốt (được học ở trường chuyên, lớp chọn, thuộc diện học giỏi chăm ngoan) thì nên động viên thi và học ở những trường đại học hàng đầu của đất nước để khi ra trường tìm được việc tốt và không phải làm trái ngành nghề.

Nếu lực học bình thường mà cố học đại học (ở một số trường tốp sau…) cho bằng bạn bằng bè, mát mặt dòng họ với khối xóm thì khi học xong đại học mất 4 đến 5 năm, chi phí hết khoảng 200 triệu trở lên.

Đến khi ra trường đi xin việc khó khăn, đôi khi không dám trình bằng cấp vì doanh nghiệp sẽ không tuyển dụng và vào làm việc với lương khởi điểm chỉ khoảng 5 đến 7 triệu/ tháng.

Chớ cố đấm ăn xôi vào đại học, kẻo lay lắt cả thanh xuân - 1
Thầy Đỗ Viết Tuấn (giữa) và các học trò.

"Còn trong thực tế hiện nay, sinh viên các trường nghề chỉ mất thời gian 2 đến 3 năm học tập, chi phí học tập ít chỉ bằng một nửa học đại học, khi ra trường có cơ hội việc làm rất cao, thu nhập có thể tiệm cận từ 10-15 triệu/ tháng (chỉ từ 8 tháng đến 1 năm kinh nghiệm).

Bên cạnh đó, các đơn vị tuyển dụng lao động cũng ưu tiên cho các đối tượng giỏi chuyên môn, vững tay nghề và không còn quá chú trọng vào bằng cấp.

Hầu hết các doanh nghiệp đều sẵn sàng chọn các học viên nghề chỉ tốt nghiệp THCS nhưng lại thành thạo nghiệp vụ. Họ thậm chí chi trả mức lương cao và dành những cơ hội thăng tiến cho những ứng viên giỏi, có nhiều nỗ lực cố gắng trong công việc…

Vậy nên, nếu con em mình không đủ khả năng lẫn niềm yêu thích thì gia đình đừng ép các em lãng phí thanh xuân, "cố đấm ăn xôi" lay lắt ở trường đại học với hi vọng sẽ có được tấm bằng đại học. Chẳng thà để các em chuyển hướng sang học nghề sớm vừa tiết kiệm thời gian của các em lẫn tiền bạc của gia đình", thầy Tuấn tư vấn.

Trường nghề cũng không dành cho ai ham chơi, lười làm

Dù học đại học hay trường nghề thì điều quan trọng nhất là các sinh viên phải nỗ lực, chăm chỉ, có trách nhiệm với bản thân mình.

"Trường nghề không phải là nơi dành cho những em học lực trung bình nhưng lười biếng, chỉ thích việc nhẹ lương cao. Học trường nghề, các em sẽ được thực hành nhiều hơn so với đại học nhưng nói như vậy không có nghĩa sẽ không phải học lý thuyết. Nếu các em không có ý thức tự học, chịu khó tìm tòi, ham chơi thì dù học trường nghề hay đại học cũng không xong", thầy Tuấn lưu ý.

Theo thầy Tuấn, hiện nay, đại học không phải là con đường duy nhất để đi đến thành công. Có rất nhiều tấm gương gặt hái được rất nhiều thành công mà không thông qua đào tạo đại học.

Chính vì thế, khi đứng trước việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai, các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh luôn trăn trở, trong tâm tưởng của hầu hết người Việt Nam, sau khi tốt nghiệp THPT, các em học sinh nên bước tiếp vào cánh cửa đại học.

Họ cho rằng, với tấm bằng cử nhân, kỹ sư trong tay thì việc lập nghiệp sẽ dễ dàng hơn, các em sẽ có một tương lai tươi sáng với công việc ổn định. Chính vì thế, nhiều người quyết chí cho con em mình học đại học và lựa chọn những ngành đang "hot" thay vì chọn ngành mà các em thích.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường thất nghiệp hay làm việc trái ngành rất cao. Bên cạnh đó, nhiều nhà tuyển dụng thường yêu cầu kỹ năng làm việc và kinh nghiệm, thâm niên trong nghề hơn là bằng cấp như trước đây.

Đây cũng là một thách thức lớn cho các bạn sinh viên bởi các trường đại học đa phần chỉ dạy lý thuyết với kiến thức tổng quát mà không có kinh nghiệm thực tiễn nên rất khó để tìm được việc như mong muốn. Điều này khiến nhiều người hoang mang, lo lắng về con đường tương lai, không biết học đại học hay học nghề sẽ tốt hơn.

Nếu như một số đại học thường dạy thiên về lý thuyết, chưa chú trọng thực hành thì đa phần các cơ sở dạy nghề lại đào tạo lý thuyết đi đôi với thực hành. Người học vừa nắm vững kiến thức vừa có thể vận dụng ngay trong những bài tập được mô phỏng dựa trên công việc thực tiễn, từ đó nhanh chóng nắm bắt những kỹ năng cần thiết.

Chớ cố đấm ăn xôi vào đại học, kẻo lay lắt cả thanh xuân - 2

Các trường nghề chú trọng thực hành, do vậy nếu học sinh lười làm, ham chơi cũng khó mà theo được (Ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, việc học nghề còn có thời gian đào tạo ngắn, chi phí thấp, cơ hội việc làm sau khi ra trường cũng khá cao. Một số trường dạy nghề còn liên kết với nhiều đơn vị hợp tác để mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho các học viên sau khi học xong.

"Đại học là con đường dẫn đến thành công nhưng không phải là con đường duy nhất, sẽ còn có những con đường khác tốt hơn nếu như bạn xác định được đam mê và tiềm năng của bản thân. Chính vì thế, học nghề hay học đại học đều tốt, quan trọng là bạn yêu thích và nỗ lực hết mình với lựa chọn đó" - Thầy Đỗ Viết Tuấn nhắn gửi đến các bậc phụ huynh, học sinh đang băn khoăn lựa chọn giữa hai con đường vào đại học và trường nghề, trong mùa tuyển sinh này.