Chính thức ra mắt phong trào trẻ em DFC
(Dân trí) - Ngày 26/5/2018, phong trào trẻ em Design For Change (gọi tắt là DFC) đã có buổi họp báo ra mắt chính thức tại Tp. Hồ Chí Minh.
Bạn có đủ tin tưởng và dám trao quyền cho con?
Đã qua rồi cái thời “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, học hành là ngoan”, cuộc sống hiện đại khiến thế hệ trẻ em có nhiều suy nghĩ mới. Vỏ bọc che chở của phụ huynh có thể khiến con mình thiếu tự tin, thụ động, không phát huy được “siêu năng lực” và tài năng của mình.
Với mục tiêu lan toả tinh thần “CON CÓ THỂ” ở mỗi đứa trẻ, nhà giáo dục Kiran Bir Sethi (người được Global Teacher Prize bình chọn là một trong 10 nhà giáo hàng đầu thế giới vào năm 2015) đã sáng lập ra Design For Change (DFC).
Có mặt tại 65 quốc gia, tác động đến hơn 2,2 triệu trẻ em và 65.000 giáo viên trên toàn cầu. DFC khiến xã hội nhìn nhận về vai trò trẻ em chủ động hơn, rằng trẻ em không phải là vô dụng. Bên trong mỗi trẻ em đều tiềm ẩn những giá trị tốt đẹp như sự hướng thiện, lòng yêu thương, khả năng sáng tạo và tưởng tượng vô tận. Đó là những "siêu năng lực" mà trẻ em là người sở hữu dồi dào hơn ai hết.
Hãy tin và trao quyền cho con của bạn! Con bạn có thể trở thành hạt giống tích cực đóng góp cho cộng đồng.
Tư duy kiến tạo - Giúp bạn trở thành người luôn lắng nghe, hiểu rõ và là người hùng của con
Khi thực hiện dự án, để giúp các em có năng lực làm được điều này, DFC sử dụng một phương pháp giáo dục có tên là "Design Thinking"/ "Tư duy kiến tạo", một phương pháp tư duy gồm 4 bước giúp các em biết cách giải quyết vấn đề một cách sáng tạo gồm: Feel – Imagine – Do -Share (Đồng cảm – Hình dung – Thực hiện – Chia sẻ), gọi tắt là FIDS.
Với công cụ này, hàng triệu trẻ em DFC trên toàn cầu đã thiết kế các giải pháp chạm đến những vấn đề diễn ra hàng ngày trong cộng đồng cho đến những thách thức lớn nhất của thế giới như bảo vệ môi trường, giúp đỡ những cộng đồng yếu thế (người già, người khuyết tật, người nhập cư), nạn tảo hôn, mù chữ… Chính quá trình thực hiện dự án giúp các em thực hành tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, trở thành những công dân tự tin, trách nhiệm.
Cùng DFC, đưa tiếng nói trẻ em Việt Nam ra thế giới
Phát biểu mở đầu buổi họp báo ra mắt DFC tại Việt Nam, Đại diện của DFC tại Việt Nam – cô Nguyễn Thuý Uyên Phương đã kể lại những khó khăn khi mang DFC đến Việt Nam. Cô chia sẻ, với dự án dành cho trẻ các nước, thời gian thực hiện là 10 tuần/dự án, thì với trẻ em Việt 10 tuần cô chỉ thực hiện được bước 1 trong “Tư duy kiến tạo” đó là Feel.
Khi đặt những câu hỏi: “Con cảm thấy như thế nào về…?”, trẻ em Việt Nam thường nhút nhát, sợ nói sai, và từ chối “Con không biết!”, điều này đã khiến dự án gặp nhiều khó khăn hơn khi phải đánh thức lại những cảm nhận của trẻ và giúp trẻ tự tin, mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ.
Cô Phương cũng nói lời cảm ơn khi được sự hỗ trợ hết sức từ tập đoàn Unilever - nhãn hàng OMO, một thương hiệu luôn tham gia đóng góp vào các hoạt động cộng đồng ý nghĩa và đặc biệt là những hoạt động dành cho trẻ em.
Buổi họp báo còn có phần toạ đàm đầy cảm hứng với sự góp mặt của: Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung – Viện trưởng Viện phát triển Giáo dục IRED, nữ doanh nhân trở thành giám đốc năm 19 tuổi -Tống Khánh Linh (Helly Tống) và Mai Ngọc Nhân – Thủ lĩnh thanh niên 9X, Huy chương vàng giải Vật lý Đông Nam Á. Mai Ngọc Nhân cũng là đại diện nhãn hàng OMO trong buổi gặp gỡ, làm việc cùng cô Nguyễn Thuý Uyên Phương về tài trợ, đồng hành cùng DFC tại Việt Nam. Anh đã đồng ý chỉ sau 30 phút lắng nghe cô Phương nói về DFC với lời hứa “Em sẽ cố gắng hết sức để mang lại những điều tốt đẹp cho các em nhỏ Việt Nam”.
Kế hoạch năm 2018, DFC sẽ: Phát hành sách tuyên truyền về DFC và Tư duy kiến tạo dành cho trẻ em và phụ huynh. Mở quỹ giày cho trẻ em vùng khó với nghĩa cử “Giving- Cho đi”. Với dự án này, DFC sẽ mở một trang web, trẻ em khắp nơi sẽ được viết một tấm thiệp. Đôi giày sẽ đựợc gửi đến một bạn nhỏ khác ở vùng nghèo khó cùng tấm thiệp đó. Cũng trong năm nay, với sự đồng hành của OMO, DFC sẽ mang tiếng nói trẻ em ra thế giới. Theo đó, các bạn nhỏ sẽ có chuyến đi đến Đài Loan và trình bày những dự án, cảm nhận, suy nghĩ của mình trước bạn bè quốc tế.