Chia tay một cuộc đời thanh đạm

Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt thầy, một đời người không hề biết đến rượu bia, kể cả cà phê, thuốc lá cũng không… Vậy mà con người ấy một khi đã nhập hồn vào thơ văn thì lại quá ư lý tưởng, bay bổng, lãng mạn.

Tôi viết những dòng này khi nhận được tin thầy - PGS Trần Thanh Đạm - đã đi xa mãi mãi ở độ tuổi ngoại bát tuần. Sự ra đi của thầy đã để lại trong tôi một sự trống vắng không thể gì bù đắp. Lòng tôi xúc động, trào dâng bao kỷ niệm về thầy.


PGS Trần Thanh Đạm trong buổi họp tại Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG TP HCM (Ảnh của Trường ĐH KHXH & NV)

PGS Trần Thanh Đạm trong buổi họp tại Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG TP HCM (Ảnh của Trường ĐH KHXH & NV)

Hồi ấy, tôi vào học ở Khoa Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khóa 1969-1973, thầy làm phó trưởng khoa. Cuối năm 1971, tôi và rất nhiều bạn cùng trang lứa được lệnh lên đường nhập ngũ. Thầy đưa tiễn chúng tôi bằng tấm lòng của một người cha. Giọng thầy rưng rưng xúc động, chúc chúng tôi đi chân cứng đá mềm, thực hiện nghĩa vụ của người trai “thời loạn” và hẹn thầy trò gặp lại nhau sau ngày chiến thắng. Những năm tháng sống trong quân ngũ, kể cả những lúc bom đạn ác liệt nhất, tôi vẫn khắc ghi hình ảnh và những lời dặn dò của thầy trước lúc lên đường.

Rồi cuộc đời run rủi thế nào, chiến tranh qua đi, tôi được trở lại trường hoàn tất chương trình đào tạo. Cuối năm 1977, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được điều vào công tác tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM - nơi thầy làm hiệu trưởng. Buổi gặp đầu tiên của thầy với số anh chị em cán bộ trẻ chúng tôi thật ấm áp. Thầy hỏi thăm hoàn cảnh sống của từng người, nhắc nhở chúng tôi phải tự học, học triết học Mác - Lênin, học ngoại ngữ, bồi dưỡng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công tác giảng dạy ở một trường đại học.

Thầy luôn quan tâm và bênh vực lớp trẻ cả về vật chất và tinh thần. Còn nhớ hồi ấy, nhiều cán bộ lớn tuổi thường phê phán gay gắt bọn trẻ chúng tôi để tóc dài, mặc quần loe là biểu hiện của lối sống tư sản, không phù hợp với xu thế cách mạng hiện thời. Nhưng thầy lại làm động tác chỉ vào đầu và nói cái quan trọng là ở trong đầu người ta nghĩ gì, làm gì chứ không phải những thứ vụn vặt, hình thức bên ngoài. Chúng tôi chỉ biết cười và tự dặn lòng cố gắng trau dồi trí lực để đáp ứng sự mong mỏi của thầy, của khoa…

Sau đám tang cô Hảo (vợ thầy), cô Thanh Thanh - con gái thầy - lên gặp tôi, lúc đó là hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM. Cô Thanh Thanh bảo rằng ý nguyện của thầy là muốn chuyển số tiền mọi người phúng viếng đám tang cô Hảo cho nhà trường làm học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó trong học tập. Tôi đã nhận và chỉ đạo thực hiện đúng theo ý nguyện của thầy.

Tiếp xúc và làm việc với thầy, tôi thấy ở thầy một tấm lòng nhân hậu, thương người hiếm thấy, một trí tuệ thông minh sắc sảo và một lòng tin mãnh liệt vào lý tưởng của Đảng. Người ta nói “đọc văn thấy người”, đọc tuyển tập những bài viết về giáo dục và văn học của thầy càng thấy rõ cốt cách con người thầy.

Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn nhắc tác phong giản dị và lối sống thanh đạm của thầy. Thầy sống chan hòa với mọi người, quan tâm nhiều đến những người nghèo. Vào nhận nhiệm vụ hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM ngay sau ngày miền Nam được giải phóng, vậy mà thầy và cả gia đình vẫn chỉ ở trong một căn hộ trên lầu một chung cư do nhà nước cấp trên đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1, cho đến khi về hưu. Tôi từng đến căn hộ đó vài lần, chẳng rộng rãi và sang trọng gì. Còn sinh hoạt, ăn uống thì quả là đạm bạc. Rượu không, bia không, cà phê không, thuốc lá cũng không… Vậy mà con người ấy một khi đã nhập hồn vào thơ văn thì lại quá ư lý tưởng, bay bổng, lãng mạn.

Con người ấy giờ đây đã đi về cõi vĩnh hằng. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt thầy, một trái tim nhân hậu, một cuộc đời thanh đạm.

Phó giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Thanh Đạm qua đời lúc 8 giờ 15 phút ngày 2/11 (nhằm ngày 21 tháng 9 năm Ất Mùi), hưởng thọ 84 tuổi. Ông là thầy của nhiều thế hệ sinh viên ngữ văn khắp cả trong Nam, ngoài Bắc.

Ông sinh năm 1932, tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, từng giữ chức hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, trưởng Bộ môn Văn học nước ngoài Khoa Ngữ văn - Báo chí Trường ĐH KHXH & NV (ĐHQG TP HCM), ủy viên Hội đồng Lý luận Phê bình Nghệ thuật trung ương...; đồng thời là tác giả của rất nhiều sách văn học, lý luận phê bình; được trao tặng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Linh cữu ông quàn tại Nhà Tang lễ TP HCM, 25 Lê Quý Đôn, quận 3; lễ viếng từ 16 giờ ngày 3/11; động quan lúc 6 giờ ngày 5/11; sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

TS Bạch Văn Hợp

(Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM)

Theo Người Lao Động