Hệ thống quản lý theo kết quả (PMS):

Chìa khóa cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả khu vực công

Hệ thống quản lý theo kết quả (Performance Management System, gọi tắt là PMS) là một phương thức quản lý mới đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ công và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức công.

Quản lý theo kết quả liên quan tới nhiều khía cạnh, bao gồm việc tăng cường phân cấp cho các đơn vị và công chức thực thi công vụ; xây dựng các đầu ra (output/results) cần đạt được cho từng đơn vị/cá nhân và đánh giá kết quả hoạt động/năng lực của đơn vị/cá nhân dựa trên các kết quả/đầu ra đó. Tùy vào đặc thù hệ thống công vụ của từng nước mà PMS có thể được ưu tiên vận dụng vào các lĩnh vực quản lý công khác nhau, ví dụ quản trị nhân sự và quản lý tài chính công là những lĩnh vực lồng ghép PMS nhiều nhất trên thế giới. Ở một số quốc gia như Thụy Điển, Singapore, cách thức trả lương cho công chức giống như trong khu vực tư nhân, và PMS được sử dụng để đánh giá chính xác mức độ hoàn thành công việc của công chức, làm cơ sở cho việc tính toán mức thu nhập hàng năm của công chức.

Đối với khu vực tư nhân thì quản lý theo kết quả hay PMS không là điều mới mẻ, những phương thức như MBO (Quản trị theo mục tiêu) hay Balanced scorecard (Thẻ điểm cân bằng) chính là các hình thái khác nhau của quản lý theo kết quả.

Ngày nay, khi mà xã hội ngày càng đòi hỏi khu vực công phải nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm thâm hụt ngân sách và cải thiện chất lượng dịch vụ công, rất nhiều sáng kiến quản lý từ khu vực tư nhân được áp dụng vào khu vực công, PMS chính là một điển hình. Các quốc gia có trình độ phát triển cao như Hoa Kỳ, Anh quốc, Thụy Điển, Singapore, Úc... bắt đầu áp dụng PMS từ thập kỷ 70, 80 và cho đến nay vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh hệ thống PMS của họ. Ví dụ, Anh quốc bắt đầu tiến trình áp dụng PMS vào khu vực công bằng việc thiết lập các đơn vị cung cấp dịch vụ công có tính tự chủ cao, hoạt động dựa trên các chỉ tiêu, mục tiêu hoạt động cụ thể. Tại Phần Lan, cải cách khu vực công được tiến hành rộng rãi từ năm 1987 đến năm 1995 với một loạt sáng kiến cải cách bao gồm quản trị theo đầu ra, tăng cường phân cấp quản lý và quản trị nhân sự một cách mềm dẻo theo cơ chế thị trường. Hàng năm, các tổ chức công ở Phần Lan phải chuẩn bị báo cáo năm có các thông tin về hiệu lực, hiệu quả thực thi của tổ chức căn cứ theo chỉ tiêu kế hoạch mà các tổ chức này đã đăng ký với bộ, ngành chủ quản. Thụy

Điển áp dụng PMS từ năm 1991 với cách tiếp cận tổng thể về đánh giá và báo cáo theo kết quả thực thi, theo đó các tổ chức công phải thực hiện báo cáo kết quả thực thi hàng năm và cứ ba năm một lần thực hiện đánh giá sâu kết quả thực thi (in-depth review) như là một phần của việc đổi mới quy trình lập ngân sách. Quản lý theo kết quả ở Thụy Điển hướng tới hai mục tiêu, một là cung cấp cho quốc hội và chính phủ các thông tin cần thiết cho việc đánh giá và xác định các hoạt động cần ưu tiên, hai là nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu ngày càng thay đổi của xã hội.

Ở Việt Nam, PMS được thí điểm lần đầu tiên từ năm 2004 tại một số sở, ban ngành của TPHCM trong khuôn khổ dự án cải cách hành chính do Tổ chức liên hợp quốc UNDP tài trợ. Ngoài TPHCM, Đắk Lắk cũng là một địa phương rất tích cực thí điểm hệ thống PMS tại một số sở, ban, ngành của tỉnh với sự hỗ trợ của tổ chức DANIDA, Đan Mạch. Tiến sĩ Yeow Poon, một chuyên gia quốc tế kỳ cựu về CCHC ở Việt Nam cho rằng áp dụng PMS chính là chìa khóa cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng dịch vụ của khu vực công và các kinh nghiệm áp dụng PMS ở TP HCM và Đắk Lắk hoàn toàn có thể nhân rộng cho nhiều tỉnh thành ở Việt Nam.

Chìa khóa cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả khu vực công
TS. Yeow Poon - Giám đốc điều hành People & Organisation LTD, Anh sẽ có buổi diễn thuyết tại Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Quản lý theo kết quả cũng đang được giới thiệu rộng rãi cho cán bộ, công chức của Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là trong chương trình Thạc sĩ Quản lý công liên kết giữa ĐH Uppsala Thụy Điển và Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội. Nhiều môn học trong chương trình này như “Căn bản quản lý công”; “Quản lý tài chính công”; hay “Giám sát và Đánh giá trong khu vực công” đều lồng ghép PMS vào nội dung giảng dạy, giúp người học có một tư duy quản lý hoàn toàn mới khi trở về môi trường công việc. Nhiều học viên cho biết đã áp dụng phương thức quản lý theo kết quả vào công việc của mình sau khóa học, thể hiện rõ nhất ở việc các báo cáo công tác được cấu trúc lại, tập trung vào kết quả đầu ra thay vì chỉ liệt kê các công việc đã làm. Ngoài ra, sau khóa học, các học viên là cán bộ quản lý đều biết cách vận dụng PMS để xây dựng kế hoạch công tác hoặc đưa ra bản mô tả công việc cho nhân viên với các kết quả đầu ra, tiêu chí đánh giá cụ thể.

Quản lý theo kết quả là một quy trình diễn ra liên tục, luôn có sự điều chỉnh và hoàn thiện để thích nghi với những thay đổi của xã hội. Rào cản lớn nhất cho việc áp dụng thành công PMS vẫn là vấn đề nhận thức và thay đổi thói quen làm việc. Trong những tổ chức mà lãnh đạo và nhân viên đều nhận thức đúng đắn và cùng chia sẻ tư duy quản lý theo kết quả thì áp dụng PMS chắc chắn sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả, giảm lãng phí, cải thiện chất lượng dịch vụ công.

Vào ngày 19 tháng 5 tới đây, tại trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, Tiến sĩ Yeow Poon đến từ Anh quốc sẽ chia sẻ với các học viên mới của Chương trình Thạc sĩ Quản lý công về một số bài học rút ra trong quá trình áp dụng thí điểm PMS tại Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm