Chi Pu vào đề Văn: Đừng nghĩ đề Văn phải mở “toang hoang” mới là “tiên phong”
(Dân trí) - “Có những đề mang tiếng là “đóng” thì lại rất mở và đề mang tiếng là “mở” thì thực ra không chỉ đóng mà còn đóng chặt, chả cho người ta lớn lên được, mở mang được gì” - TS. Lê Thị Thanh Tâm (TS Văn học ĐH Quốc gia Hà Nội, kiêm nhiệm PGS ĐH Ngoại ngữ Tokyo) nêu quan điểm.
Đưa câu chuyện đề xuất cải tiến bảng chữ cái "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt"; câu chuyện tranh cãi về giọng hát của Chi Pu hay đề cập đến hiện tượng ca sỹ Sơn Tùng... vào đề thi Ngữ Văn - thực trạng ra đề mở tại các trường phổ thông đang được dư luận quan tâm. Không ít người lo ngại về tính giáo dục, chuẩn mực ra đề “mở”.
Dân trí giới thiệu quan điểm của TS Văn học Lê Thị Thanh Tâm (người có hơn 10 năm dạy chuyên Văn và kinh nghiệm ra đề mở) xoay quanh vấn đề này:
Thực ra bản thân khái niệm “đề mở” đã là vấn đề rồi. Mở tức là có đóng. Đóng là gì? Sao lại đóng? Vậy mở hay đóng là vấn đề có nguồn gốc sâu xa từ quan niệm về các giá trị trong xã hội và đặc biệt trong giáo dục. Bao giờ không còn phân biệt đề mở hay đóng thì mới thực sự là “mở” trong ý nghĩa toàn diện của nó.
Mở là gì? Nó là khai phóng thôi. Muốn khai phóng, đâu phải câu chuyện ngày một, ngày hai.
Không phải ngược lại với đóng là mở đâu. Muốn có “đề mở” trong ý nghĩa như tôi nói thì phải có sự chuẩn bị rất kĩ lưỡng từ phía giáo viên, chuẩn bị trong nội lực để nhìn ra những vấn đề nào cần hỏi, học sinh trả lời xong thì được gì? (được gì về nhận thức và cảm xúc), nghĩa là giáo viên phải tự “khai phóng” mình trước đã, rồi mới lan toả được cái khai phóng đó cho học trò.
Về logic thì đề mở là không giới hạn. Nhưng giáo viên cũng cần chú ý, cách chọn vấn đề để hỏi cũng là một bài học cho học sinh. Các em nhìn cách thầy cô hỏi thì biết thầy cô quan tâm cái gì, hoặc thầy cô cần gì, hoặc thầy cô đang… ở đâu, ở tầm nào? Đề thi, ở góc nhìn khai phóng, cũng là cách để học sinh đánh giá lại giáo viên. Cho nên, trong “cuộc” này, giáo viên cũng phải “sòng phẳng” trong đáp án, cho phép học sinh phản biện ngược lại cái đề. Đó mới thực sự là mở.
Thế nên, giáo viên khi ra đề mở, thì không nhất thiết cho rằng nó ngược với đề “đóng”, đừng tự nhiên “mặc cảm” là đề mở thì phải mở “toang hoang” mới là “tiên phong”. Có những cái đề mang tiếng là “đóng” thì lại rất mở và đề mang tiếng là “mở” thì thực ra không chỉ đóng mà còn đóng chặt, chả cho người ta lớn lên được, mở mang được gì.
Tôi quan tâm đến ý nghĩa của câu chuyện mà một đề thi gợi ra (đề mở theo cách nói “phổ thông” hiện nay). Bất luận là nói về ai, về chuyện gì, miễn là có ý nghĩa. Ý nghĩa đó không phải là ý nghĩa có được từ sự sắp xếp ngôn từ hoặc gia tăng khả năng “nói chuyện vặt vãnh”, mà là ý nghĩa giúp học sinh đạt tới một nhận thức tự chủ và cũng biết cách chọn lọc ý nghĩa trong đời sống.
Rèn luyện cách chọn lọc, biết cách chọn lọc và quyết đoán với sự chọn lọc các giá trị sống cần thiết, đó là những tiêu chuẩn rất trọng tâm của “đề mở”.
TS Văn học. Lê Thị Thanh Tâm