“Chỉ 30% sinh viên ra trường làm được việc ngay”
(Dân trí) - 70% sinh viên cần phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung vì trong trường đại học các bạn học nhiều về lí thuyết. 72% sinh viên thiếu kĩ năng thực hành, trong đó 40% sinh viên thiếu kĩ năng mềm. Đó là những con số đáng suy ngẫm mà chuyên gia tuyển dụng Nguyễn Thị Thanh Hương (ICT Navigos Search Hà Nội) đưa ra.
Ngày 13/4, nhiều sinh viên ngành công nghệ thông tin, điện tử... đã tham dự sự kiện Open Camp tại làng phần mềm FPT Hòa Lạc (Hà Nội) và Tân Thuận (TPHCM) để cùng trò chuyện, lắng nghe chuyên gia chia sẻ về định hướng nghề nghiệp và những kiến thức nền tảng, kỹ năng mềm để phục vụ cho học tập cũng như trong công việc ngành Công nghệ thông tin (CNTT).
Trong buổi trò chuyện, sinh viên được chị Nguyễn Thị Thanh Hương – Trưởng bộ phận tuyển dụng ngành ICT Navigos Search là một người có nhiều kinh nghiệm trong tuyển chọn nhân lực CNTT đầu vào cho các công ty trong và ngoài nước - chia sẻ nhiều số liệu đáng quan tâm.
Chị Hương cho biết, theo một báo cáo mới của ngành tuyển dụng, chỉ có 30% sinh viên ra trường có khả năng làm việc ngay, còn 70% cần phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung vì trong trường đại học các bạn học nhiều về lí thuyết. 72% sinh viên thiếu kĩ năng thực hành, trong đó 40% sinh viên thiếu kĩ năng mềm. Hiện nay, các nhà tuyển dụng ngành CNTT sẵn sàng loại những ứng viên không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh (hoặc một ngoại ngữ nào khác). Đó là lộ trình tuyển dụng mới.
“Quan niệm rằng kĩ sư IT chỉ giỏi chuyên môn đã lỗi thời. Nếu bạn có giỏi chuyên môn đến mấy nhưng không thể trình bày, không thể giao tiếp thì bạn không thể phát triển được. Bạn cũng phải có kĩ năng giải quyết vấn đề, có khả năng tiếp nhận và thích ứng với sự phát triển công nghệ”, chuyên gia Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết.
Chị Hương chia sẻ: “Trước đây dư luận từng bàn luận về mức lương 2.000 USD cho sinh viên vừa ra trường. Thực tế theo báo cáo thì chưa cho SV nào của Việt Nam vừa ra trường đã có mức lương 2.000 USD. Nhưng nếu bạn có bằng giỏi, đã tham gia nhiều dự án, cuộc thi, có khả năng giao tiếp và làm việc nhóm... Tôi sẽ giới thiệu cho bạn công việc có mức lương khởi điểm 2.500USD”.
Chị Hương khuyên rằng các bạn còn trẻ nên thử nhiều cơ hội, tuy nhiên đừng “đứng núi này trông núi nọ” mà phải xác định được mong muốn, mục tiêu của bản thân.
Từng làm việc ở Amazon Web Services – công ty chuyên về mảng cloud của tập đoàn Amazon (Mỹ), tiến sĩ Bùi Kiên Cường – Kiến trúc sư giải pháp của FPT Software chia sẻ với sinh viên những kiến thức công nghệ, kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn công nghệ lớn ở trong và ngoài nước…
Anh Cường cho rằng: “Điều quan trọng nhất là bạn phải luôn cố gắng học giỏi, luôn tò mò. Và trước hết bạn phải giỏi, thật là giỏi trong lĩnh vực chuyên sâu mà bạn theo đuổi. Bên cạnh đó, cần cố gắng học tập, mở rộng kiến thức sang những lĩnh vực liên quan. Ngoài ra, tiếng Anh của bạn phải tốt”.
Sinh viên Đào Trần Minh (ĐH Giao thông vận tải) đặt câu hỏi: “Em đang là sinh viên năm 3, em muốn đi theo con đường chuyên gia nghiên cứu sâu về một lĩnh vực. Sau khi tốt nghiệp xong thì em nên làm gì?”
Anh Cường: “Bạn mà tìm được nhóm làm việc cung cấp cho bạn nhóm làm việc tốt thì nên phát triển. Mình cho rằng bạn nên học qua công việc, đặt cho mình những mục tiêu, từng bước và bạn sẽ đạt được nó”.
Trong số những bạn sinh viên tham gia buổi trò chuyện, có người muốn trở thành chuyên gia, có người muốn làm quản lý, người muốn khởi nghiệp. Giải đáp khúc mắc của sinh viên khi đứng trước cánh cửa sự nghiệp, chị Phạm Trang Phương Dung – Giám đốc Uber TPHCM chia sẻ kinh nghiệm: “Trước khi làm thầy thì phải làm thợ. Ví dụ như Bill Gates đã bắt đầu làm code từ năm 12 tuổi.
Do vậy mình phải học tập trước đã, để có đủ kiến thức và tìm kiếm cơ hội. Đồng thời làm quen với môi trường để sau này có thể tự mở công ty, tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình”.
Chị Dung nói thêm: “Khi các bạn còn học ở nhà trường đừng bao giờ mặc định là mình phải theo con đường nào cả. Quan trọng là thích gì thì làm và theo đuổi đam mê. Nếu bạn đam mê việc gì, thì bạn chỉ cần nỗ lực cho việc bạn thích thôi chứ không cần phải cố gắng thích nó. Khi ấy bạn đưa ra quyết định rất dễ dàng”.
Mai Châm