Bình Định:

Chênh vênh vượt núi đến trường

(Dân trí) - Không có cầu, hàng ngày các em phải đi bộ hơn 5 km từ lội suối đến vượt qua một ngọn núi hiểm trở để đến trường. Đó là tình cảnh hiện nay của các em HS từ lớp 6 đến lớp 9 ở thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, Bình Định.

Thôn Hải Giảng nằm trên bán đảo Phương Mai cách thành phố Quy Nhơn khoảng 2 hải lý theo đường biển, còn đường bộ cách khoảng 10 km. Thôn Hải Giang được bao quanh ba bên là núi, phía trước là biển. Người dân nơi đây sống chủ yếu với nghề biển là chính, để đi sang TP Quy Nhơn có 2 con đường. Một là theo đường thủy đi mất tầm 30 phút, hai là men theo đường núi mới mở, đá lởm chởm, hiểm trở, người không vững tay lái khó mà đi được. Có đoạn con dốc dựng đứng tưởng như bánh xe không còn bám vào mặt đường, ì ạch mãi cũng hơn cả hơn tiếng đồng hồ mới tới TP Quy Nhơn. 

Theo chân 4 em học sinh (HS) lớp 8 Trường THCS Nhơn Hải, chúng tôi lội qua những con suối, mệt nhất là trèo qua một đỉnh núi theo những con đường mòn quanh co, đá lởm chởm gập gềnh, những bụi gai đâm quất vào mặt, mồ hôi nhễ nhại. Nhưng những đôi bàn chân nhỏ vẫn thoăn thoát bước đi lòng đầy nhiệt huyết. Có đi cùng mới hiểu được khổ cực của những HS nơi đây trong hành trình vượt núi chênh vênh để đến trường.

Chênh vênh vượt núi đến trường - 1
 
Chênh vênh vượt núi đến trường - 2
Đường đến trường của các em học sinh Trường THCS Nhơn Hải, thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, Bình Định.
 
Chênh vênh vượt núi đến trường - 3
Mệt nhưng vẫn tươi cười.

Quệt những giọt mồ hôi đầm đìa đang lăn trên khuôn mặt, em Nguyễn Thị Anh Thư - HS lớp 8A1 Trường THCS Nhơn Hải chia sẻ: “Biết vất vả nhưng chúng cháu cũng phải cố gắng thôi chứ biết làm sao chú! Không đi học thì ở nhà làm được gì cho bố mẹ. Cực lắm. Có nhiều lần đang đi về thì gặp mưa lớn nước chảy mạnh lở đất, nhiều bạn bị trượt ngã ướt hết người chân tay xây xước, may mà không nguy hiểm đến tính mạng”.

Chênh vênh vượt núi đến trường - 4
Toát cả mồ hôi.

Được biết, những HS cấp 2 ở thôn Hải Giang muốn đi học ở Trường THCS Nhơn Hải, nếu đi bằng đường biển mất 30 phút còn leo núi cũng gần 2 tiếng. Tuy nhiên để đi học bằng đường biển rất khó, bởi sóng biển lớn, nhất là về mùa mưa bão các em lại không có một phương tiện cứu hộ như áo phao, nếu đi bằng thuyền nhỏ thô sơ sẽ rất nguy hiểm. Nếu muốn đi đường biển, các em chỉ có cách theo những tàu đánh cá lớn của ngư dân. Nhưng những chuyến tàu này rất ít, chủ yếu phục vụ công việc đánh bắt, chứ không ai đứng ra dùng con tàu cả trăm triệu đồng vào việc đưa đón HS.

Cho nên, để đến trường, các em phải đi bộ một quãng đường dài hơn 5 km, từ lội suối, đến trèo đèo mất cả gần 2 tiếng đồng hồ. Thường nếu học buổi sáng, các em phải dậy từ 4 giờ chuẩn bị tư trang để 4h15 bắt đầu đi mới kịp để 7 giờ vào học. Còn những em học buổi chiều, tầm 10 giờ sáng phải bắt đầu đi, đến nơi ăn uống rồi 1 giờ học là vừa.

Chênh vênh vượt núi đến trường - 5
Khi đi học thì trời nắng nhưng khi tan học thì các em phải đi về trong cảnh trời tối.

Đa số các HS ở đây đi học về trong ngày nên việc đi đến trường cũng lắm gian nan. Thường các em đi học phải mang theo cơm để ăn, em nhà nào có điều kiện hơn thì được bố mẹ cho tiền đến trường rồi ra quán ăn. Các em HS cho biết đi học buổi sáng, chỉ cực đi học khi trời còn đang tối phải dùng đèn pin mới thấy đường, đến lúc về lại thuận lợi hơn nhưng lại nắng. Còn buổi chiều lúc đi đỡ học đỡ hơn nhưng khi về là thì trời lại tối, nhất là những khi trời mưa lại càng khổ.

Tâm sự về những khó khăn khi đi học, em Bùi Thị Đào (lớp 8A1) cho biết: “Tuy đi học rất vất vả nhưng em sẽ cố học thật giỏi để sau này em trở thành cô giáo về làng dạy các em nhỏ quê em”.

Nhiều em lại có ước mơ sau này trưởng thành làm thật nhiều tiền để làm đường bê tông, xây cầu cho các em đến trường bớt gian nan.

Nói về sự học của HS nơi đây, thầy Nguyễn Hữu Hạnh, hiệu trưởng Trường THCS Nhơn Hải (Bình Định), chia sẻ: “Thấy các em đi học phải trèo đèo, lội suối tội lắm, nhất là về mùa mưa việc đến trường lại càng khó khăn. Nhà trường phải nhắc các em cùng đợi nhau về không được đi lẻ tẻ để lỡ có bạn nào gặp nạn thì còn giúp đỡ. Cũng vì đường xá xa xôi, nhiều HS nghỉ học nên các thầy cô phải đến tận gia đình động viên bố mẹ, các em cố gắng đi học”.

Ông Huỳnh Văn Anh ở thôn Hải Giang cho biết: “Chuyện lội suối, trèo đèo đối với HS đã quen rồi nhưng nguy hiểm nhất là về mùa mưa lũ nước chảy xiết nhưng các cháu phải qua cây cầu tạm do người dân làm bằng gỗ. Nhiều lần chúng tôi đề nghệ lên HĐND để xin làm cho các cháu cây cầu bê tông nhưng do dân nằm trong khu vực giải tỏa nên đến nay các cháu vẫn qua cây cầu tạm này”.

Còn chị Nguyễn Thị Dân kể lại: “Có lần em Trần Hữu Tấn, lúc đó đang học lớp 9 đi học về ngang qua cây cầu do nước lũ xuống ngập cầu chảy xiết. Tấn bị trượt chân xuống cầu khi đó may mà bám kịp vào chiếc cọc rồi sau đó cả đám HS nắm tay nhau tao thành chiếc dây vững chắc kéo Tấn lên…”.

Chênh vênh vượt núi đến trường - 6
Cây cầu gỗ tạm nơi hơn 1 năm trước học sinh Trần Hữu Tấn chút nữa là bị nước lũ cuốn nếu không được các bạn cứu kịp thời.

Ông Phạm Văn Hùng, chủ tịch xã Nhơn Hải, cho biết: “Đúng là việc đi học của các em ở đây khó khăn. Mùa khô biển êm có thể đi học bằng thuyền nên xã đã chỉ đạo cho công an, chính quyền thôn cử ra một người chuyên đưa đón các em. Nhưng về mùa mưa bão sóng lớn, biển dữ dội, xã kiến quyết không cho các em đi học bằng thuyền vì sẽ rất nguy hiểm. Về phía nhà trường nếu trời mưa to phải cho các em nghỉ học. Còn việc người dân kiến nghị lên xã xin kinh phí xây cầu qua con suối nhỏ nên xã có kiến nghị lên UBND huyện để xin kinh phí. Nhưng do thôn Hải Giang nằm trong dự án quy hoạch di dời, nếu xây cầu kiên cố sẽ rất lãng phí. Tạm thời chúng tôi sẽ kiểm tra, cho người gia cố lại cầu để các em đi cho an toàn hơn”.

Có nhìn cảnh các em HS nơi đây lội suối, trèo đèo để đến trường mới thấu hiểu được bao vất vả đang đè lên đôi chân nhỏ bé của các em trong hành trình nuôi con chữ. Không có cầu vững chắc, con đường đến trường của HS thôn Hải Giang vẫn còn lắm nỗi gian truân và mối hiểm nguy rình rập.

Bài và ảnh: Doãn Công