Bạn đọc viết:
“Chạy” đầu vào các cấp: Con khổ vì cuộc đua của bố mẹ
(Dân trí) - Lớp chọn, trường chuyên không phải là cách mà học sinh tìm thấy con đường học tốt nhất, muốn học giỏi và giỏi bền vững thì yếu tố tiên quyết là ý thức tự rèn luyện bản thân mình. Dù ở môi trường nào, điều cần nhất vẫn là tinh thần tự học và ý chí nỗ lực của mỗi người.
Tôi có đứa cháu họ năm nay chọn thi vào lớp 10 ở một trường tốp đầu và bị thiếu một điểm. Gia đình đã phúc khảo và cũng nhờ người quen xin cho để “vớt” nó lên nhưng vì đầu vào quá ít so với lượng thí sinh dự thi nên cháu vẫn trượt. Tuy vậy, kế hoạch của bố mẹ và cả nhà đứa cháu tôi vẫn là cho nó học một năm lớp 10 ở trường cấp dưới, đến năm sau lại xin lên học trường điểm của thành phố. Vì học ở trường điểm sẽ tốt hơn về nhiều mặt, đặc biệt là có thể hy vọng vào tương lai tốt hơn trong việc thi đại học.
Đến thời điểm này, hầu hết phụ huynh đã chọn chỗ ngồi như ý cho con sau nhiều ngày tháng lo toan, vất vả. Những học sinh học giỏi thật hoặc đi học đúng tuyến thì đã được quyết định ngay sau kỳ thi lên cấp. Trước đó, vào háng 7, sau các cuộc thi chuyển cấp, thì đầu vào của các trường lại là đề tài đầy sôi động và gay gắt trong mỗi gia đình, khu dân cư. Người ta bàn luận, so sánh những cái được và mất khi quyết định lựa chọn trường học cho con em mình. Người ở trái tuyến, muốn học ở trường điểm, học ở trường chuyên, lớp chọn thì phải chờ đợi lâu hơn, sang đến tháng 8, thậm chí có thể đến gần năm học chính thức. Ai cũng muốn cố theo đuổi cho con mình vào một trường học uy tín, chất lượng và có thương hiệu lâu năm. Việc chạy trường, chạy lớp hoàn toàn là do tham vọng lớn lao của cha mẹ, không muốn con em mình thua thiệt so với bạn bè.
Các bậc cha mẹ luôn tạo áp lực cho con, muốn con phải cố gắng thật nhiều dù biết lực học của con có hạn. Tuy nhiên một đứa trẻ gầy yếu khó có thể gánh trên vai những thứ đồ nặng hơn trọng lượng cơ thể nó. Nếu phải gắng sức, còng lưng thì sẽ bị mệt mỏi và stress kéo dài. Hậu quả là những học sinh không theo được phải xin xuống lớp dưới, xin chuyển trường hoặc vì muốn giữ thể diện mà xin nâng điểm để cố theo đuổi cho hết cấp học.
Lớp chọn, trường chuyên không phải là cách mà học sinh tìm thấy con đường học tốt nhất, muốn học giỏi và giỏi bền vững thì yếu tố tiên quyết là ý thức tự rèn luyện bản thân mình. Dù ở môi trường nào, điều cần nhất vẫn là tinh thần tự học và ý chí nỗ lực của mỗi người. Bằng chứng là kết quả trong các cuộc thi lớn, những thủ khoa, những học sinh tài năng thì có rất nhiều em ở nông thôn, có em ở trong những gia đình thuần nông, gia đình nghèo khó. Nhiều học sinh ở vùng sâu, xa, nơi còn nhiều khó khăn chỉ tự học là chính, không có học thêm, cũng không có điều kiện học chính tốt nhất nhưng vẫn vượt qua khó khăn để thành tài.
Học ở đâu không quan trọng, cần nhất là kết quả cuối cùng học sinh lĩnh hội được kiến thức và tự mình vượt qua được các kỳ thi một cách trung thực và minh bạch. Về lâu dài, người học thật và học chắc sẽ có nền tảng kiến thức tốt để áp dụng vào trong công việc và cuộc sống một cách tốt nhất.
Giáo dục ở trường học luôn có định hướng theo chuẩn mực đúng nhất, nhưng để học sinh giỏi giang và phát triển toàn diện các môn học cũng như các kỹ năng trong cuộc sống cần có sự quan tâm của gia đình và ý thức rèn luyện của bản thân. Việc tạo áp lực quá lớn cho con hoặc kỳ vọng nhiều vào con sẽ khiến cha mẹ gặp phải nhiều vướng mặc trong vấn đề dạy bảo con. Điều quan trọng nhất vẫn là phải sự hài lòng trong sự cố gắng vừa sức của con em mình. Phụ huynh cần xác định sự thành công của con em mình trong sự nghiệp tương lai là không hoàn toàn phụ thuộc vào điểm số khi ngồi trên ghế nhà trường.
Minh Minh
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .
Xin trân trọng cảm ơn!