Cháu quyết tự chọn trường cấp 3, ông bà nằng nặc phản đối
Tự lên kế hoạch chi tiết để đi du học đại học, và quyết định thi cấp 3 nội trú để rèn giũa tính tự lập, nhưng cậu học sinh 15 tuổi Lê Nguyên bị ông bà nội nằng nặc phản đối, bắt thi trường điểm gần nhà.
Lê Nguyên (Q.Đống Đa – Hà Nội) là một trong số ít học sinh ở lứa tuổi 15 tự định hướng rõ ràng về việc du học bậc đại học sau thời gian học trung học phổ thông. Nguyên tự chuẩn bị đường đi nước bước cho mình để xin học bổng với kế hoạch chi tiết, rõ ràng.
Lớp 10 là năm khởi động, Nguyên sẽ trau dồi thành tích học tập, bởi kết quả học tập tốt là một điều kiện cần khi nộp hồ sơ du học sau này. Cậu cũng dự kiến làm đầy kinh nghiệm hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khoá trong hồ sơ của mình ở ngay năm đầu cấp. Lớp 11 là năm tập trung ôn luyện để lấy các chứng chỉ tiếng Anh, chú tâm cho điểm phẩy ở trường và tiếp tục tham gia hoạt động ngoại khóa, chẳng hạn tham gia giải đấu bóng rổ hoặc tổ chức sự kiện của trường… Lớp 12 sẽ chốt danh sách các trường định nộp đơn và đăng ký thi lại các kỳ thi TOEFL, SAT nếu vẫn chưa hài lòng với điểm số.
Một loạt việc cần làm, nhưng hoá ra điều gây khó khăn nhất cho Nguyên là “công cuộc” quyết định trường cấp 3. Bạn bè chăm chăm chọn trường điểm, trường chuyên; bố mẹ hy vọng mình vào trường danh tiếng, ông bà thì thích cháu học gần nhà; trong khi Nguyên chỉ muốn tìm trường cấp 3 nào đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu du học của mình. Sau nhiều ngày tra cứu tìm hiểu và nhờ tư vấn từ anh chị, người quen, Nguyên xác định mình sẽ học trường nội trú của FPT ở cách trung tâm 30km.
Ở nội trú vừa rèn tính tự lập để không bỡ ngỡ với cuộc sống sau này, vừa có nhiều hoạt động ngoại khoá để ghi điểm với Hội đồng xét duyệt học bổng, lại được rèn kỹ năng mềm. Đặc biệt, điểm cộng của trường FPT với Nguyên là ngoại ngữ. Nằm trong khuôn viên trường đại học với sinh viên quốc tế nhiều quốc tịch, Nguyên có thể học ngoại ngữ mà không cần vất vả “lên Bờ Hồ luyện tiếng Anh” vào cuối tuần như các bạn, lại càng không cần tối tối ngày ngày theo học các trung tâm tiếng Anh đắt tiền chỉ để có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài.
Trường THPT nội trú nằm trong khuôn viên trường Đại học với các cán bộ, sinh viên quốc tế giúp học sinh có điều kiện nâng cao kỹ năng ngoại ngữ.
Mất gần 1 tuần rào trước đón sau, bố mẹ cậu đã đồng ý. Bố Nguyên là tán đồng nhất, vì “Đi du học là con đường chông gai chứ không trải hoa hồng. Nếu đã quyết tâm thì chọn học nội trú từ cấp 3 đúng là phù hợp.”
Cả nhà đồng thuận, nhất trí là vậy nhưng quyết định của cậu cháu đích tôn lại dính phải sự phản đối kịch liệt từ ông bà nội sống cùng nhà. “Tí tuổi đầu nó biết cái gì mà tự lo, ra ngoài sống một mình làm sao mà ra hồn được” – cả ông bà Nguyên khăng khăng phản đối, nhất quyết không cho cháu trai đi học xa nhà. Không khí trong gia đình chưa bao giờ căng thẳng đến thế vì chuyện đi học nội trú của cháu đích tôn.
Nguyên tự nhủ bằng mọi cách phải thuyết phục được ông bà. Tối tối sau khi đi học về Nguyên lại sang phòng tỉ tê với ông bà. Hôm thì chuyện trường lớp, hôm khác lại là ao ước của bản thân đi du học để sau này kiếm tiền phụng dưỡng ông bà, bố mẹ. Khi thấy ông bà bắt đầu mủi lòng, Nguyên “tung đòn quyết định”. Cuối tuần cậu rủ ông bà và bố mẹ lên tham quan trường để tìm hiểu điều kiện học tập, cơ sở vật chất, lịch biểu sinh hoạt. Vì tìm hiểu rất kỹ nên Nguyên giới thiệu tường tận đâu vào đấy. Hơn 30ha của trường được cậu rành rẽ như lòng bàn tay. Những câu hỏi của ông bà Nguyên cũng được thầy cô trả lời cặn kẽ, chi tiết. Trong suốt chuyến đi, ông bà chỉ ậm ừ cho qua thế mà đến tối về gọi Nguyên vào phòng, bà dặn cháu trai: “Đi thăm trường rồi ông bà thấy cũng yên tâm hơn, nhưng vẫn sẽ rất nhớ khi con đi học nội trú. Ông bà sẽ không phản đối nữa với điều kiện con phải thi lọt tốp đầu của trường, để chắc chắn rằng mình không bị đuối sức khi học xa gia đình!”.
Dĩ nhiên là Nguyên chấp nhận “thoả thuận” ngay. “Sơ tuyển vào FPT khá đặc biệt, sẽ thi trắc nghiệm dạng toán logic và khá giống với các bài thi SAT mình đang luyện, nên năm nay chắc mẩm mình sẽ thành học sinh nội trú.”, cậu học sinh chuẩn bị chuyển cấp hớn hở khoe “thành tích” và chìa ra vài CLB mà cậu xác định sẽ tham gia khi vào trường. “Tất cả vì mục tiêu du học! Mình sẽ làm được!”, cậu khẳng định chắc nịch.
Bình Nguyên