Trung Quốc:

Chàng sinh viên nghèo sở hữu cả chuỗi công ty

(Dân trí) - Bước vào con đường kinh doanh với hai bàn tay trắng, chàng sinh viên nghèo Shi Weisheng ở Trùng Khánh, Trung Quốc đã tự mình gây dựng được một sự nghiệp mà nhiều bạn trẻ cùng độ tuổi phải thèm muốn với hàng loạt công ty đang ăn nên làm ra.

Chàng sinh viên nghèo sở hữu cả chuỗi công ty  - 1
Dù đang là sinh viên, Shi Weisheng đã sở hữu trong tay một loạt công ty chuyển phát nhanh. Trong ảnh:  Shi Weisheng (áo đen) và nhân viên. (Ảnh: CCTV)
 
Khởi nghiệp từ số 0

Shi Weisheng là một sinh viên ở Đại học Tam Hiệp Trùng Khánh. Bốn năm trước, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra với người cha của Shi. Tháng 7 năm 2005, vào đúng ngày Shi nhận được thư gọi nhập học của trường đại học, cha của Shi đã bị thương khi đang làm việc tại tỉnh Hà Bắc, 80% cơ thể của ông bị bỏng do hỏa hoạn. Để điều trị cho ông, gia đình Shi đã phải tiêu hết khoản tiền tiết kiệm, thêm nữa lại còn phải gánh khoản nợ hơn 80.000 nhân dân tệ (hơn 200 triệu đồng).

Đối mặt vào khoản tiền học phí lên đến hơn 5.000 NDT/năm (khoảng 13,4 triệu đồng), Shi hiểu rằng cậu không thể phụ thuộc vào khả năng tài chính của cha mẹ thêm nữa, cậu sẽ chỉ có thể đi trọn con đường học vấn của mình bằng cách làm các công việc bán thời gian.

Ngày đầu tiên ở trường đại học, Shi đã dành 30 NDT để đăng kí tìm việc làm tại trung tâm dịch vụ sinh viên ngay trong trường. Sau hai tháng, Shi vẫn chưa nhận được hồi âm. Người phụ trách ở trung tâm giải thích cho Shi rằng anh ta rất bận và có rất nhiều việc phải làm. Lúc đó, Shi nói: “Tôi có thể giúp anh. Anh chỉ cần đứng đợi để thu tiền mà thôi”.

Thế là, từ cậu bé nghèo khổ đến mức không thể đủ tiền trả một bữa ăn, Shi đã trở thành ông chủ chỉ sau một đêm.

Shi sớm nhận ra rằng trung tâm dịch vụ ở trường cậu không được biết đến rộng rãi cho lắm, vì thế Shi đã tuyển chọn một số sinh viên phụ trách việc in ấn và phân phát tờ rơi rồi phát triển việc kinh doanh này.

Chỉ trong vòng đúng một tháng, Shi không còn phải lo lắng về chi phí sinh hoạt của mình nữa.

Học để kinh doanh

Hai tháng sau, một đại diện của công ty rượu ở miền tây nam Trung Quốc đã đến trường Shi tuyển nhân viên bán hàng bán thời gian. Do trước đó Shi đã có kinh nghiệm bán rượu ở các siêu thị, đại lý và cửa hiệu cà phê nên sếp của cậu tỏ ra rất hài lòng. Ông cho phép Shi mở một số thị trường mới ở một số huyện, quận. Do đó, Shi bắt đầu đi đến các địa phương khác nhau vào ngày cuối tuần để quảng bá, giới thiệu một số loại rượu. Cậu sớm có được một số vốn nhỏ trong tay.

Vào đầu năm 2006, Shi đã đi vay tiền để thuê lại một cái quán bar không hoạt động và rủ bạn bè cùng đầu tư vào quán. Khi quán bar mở cửa, việc kinh doanh thực sự thuận lợi và “bùng nổ” vào tất cả những ngày cuối tuần. Nhưng Shi đã phải bỏ làm sau một học kì vì ngày nào cậu cũng phải ở lại đó đến nửa đêm, và không còn đủ sức để đến lớp vào ngày hôm sau.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn khi bắt tay vào con đường kinh doanh nhưng Shi tự nhắc mình phải bước tiếp mỗi lúc nghĩ đến khoản nợ 80.000 NDT của gia đình.

Năm 2007, Shi tìm được một công việc bán thời gian tại trung tâm máy tính của trường. Ở đó, Shi phụ trách việc photocopy và sớm gặp Peng Xubo, người cũng làm việc tại đó. Cả hai cùng bỏ việc và góp vốn thuê một cửa hàng cung cấp các dịch vụ photocopy. Do không có đủ tiền nên cả hai chỉ dám mua những chiếc máy photocopy và máy tính đã qua sử dụng, nhặt những tấm ván ở các bãi rác đóng thành bàn cho mình. Cửa hàng mang lại cho Shi khoản thu nhập gần 3.000 NDT mỗi tháng (khoảng 8 triệu đồng).
 
Thành lập chuỗi công ty riêng
 
Vào cuối năm 2007, Shi nghe lỏm được “ngành công nghiệp chuyển phát nhanh có thể đem lại những nguồn lợi nhuận khổng lồ”. Ngay lập tức, cậu bắt đầu tìm hiểu về những hãng chuyển phát nhanh lớn ở Vạn Châu và cuối cùng chọn công ty ZTO Express. Cậu mở một văn phòng đại diện của ZTO Express ngay bên cạnh cửa hàng photocopy của mình. Hai tháng sau, cậu mở thêm một văn phòng đại diện khác tại Trường đại học Tam Hiệp nơi cậu đang theo học.

Các văn phòng đại lý chuyển phát nhanh của Shi hầu như phụ trách tất cả dịch vụ này cho trường đại học. Vào mùa hè năm đó, Shi đã kiếm được 13.000 NDT chỉ trong vòng 2 tuần.

Thành công của hai đại lý chuyển phát nhanh này giúp Shi đưa ra quyết định phát triển công việc kinh doanh của mình trong ngành công nghiệp vận chuyển với tiềm năng thị trường rất lớn. Năm 2008, Shi thành lập công ty ZTO Youyang Express và mời bố mẹ giúp vận hành công ty. Bằng những nỗ lực của bản thân, Shi đã có thể trả khoản nợ 80.000 NDT cho bố mẹ.

Năm 2008, Shi được trao danh hiệu “Doanh nhân ngôi sao” duy nhất của Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc tại Đại học Tam Hiệp. 

Tháng 2 năm nay, Shi thành lập tiếp công ty ZTO Fuling Express Qianjiang Express.

Hiện nay, Shi kiếm được gần 20.000 NDT/tháng (54 triệu đồng) từ ba công ty riêng nhưng cậu không hề dư giả bởi cậu đã dồn tất cả vốn liếng vào việc mở rộng các công ty theo kế hoạch của mình.

Học vấn vẫn là điều quan trọng

Tháng 1 năm nay, khi đang học năm thứ 3 đại học, Shi đã muốn bỏ việc. “Lúc đó, tôi nghĩ mình có tài năng và cơ hội nên chắc chắn sẽ thành công ngay cả khi không học đại học nữa” - Shi tâm sự.

Nhưng khi đăng kí một công ty ở quận Qianjiang, Shi cần vay một khoản nhỏ là 50.000 NDT. Shi không có gì để thế chấp vì ngân hàng yêu cầu người vay phải có bằng đại học hoặc cao hơn. Shi thực sự choáng váng và đây là lần đầu tiên cậu thực sự nhận ra tầm quan trọng của việc có một tấm bằng đại học.

Bởi vậy, Shi vẫn quyết định quay trở lại trường đại học. “Tôi sẽ học tập chăm chỉ để lấy kiến thức trong thời gian này mặc dù tôi sẽ vẫn phải điều hành công việc kinh doanh của tôi. Không đủ để khởi nghiệp nếu chỉ dựa trên tài năng và những cơ hội”.

Võ Hiền
Theo CCTV