Chàng sinh viên Kiến trúc với bảo tàng trong lòng núi đá

Một sinh viên Kiến trúc bị mê hoặc bởi những gì Steve Jobs đã từng phát biểu tại lễ trao bằng tốt nghiệp của trường ĐH Stanford và đặc biệt lời kết của ông: “Hãy luôn khao khát, hãy cứ dại khờ!”. Cuộc sống và đồ án của anh là những cuộc hành trình của trái tim.

Dân “phượt” nhiều người đã từng đặt chân đến cao nguyên đá Đồng Văn, nhiều người đã tặng quà, chia áo ấm, mang sách vở lên vùng cao nguyên này. Đặng Ngọc Anh cũng đến đó nhưng điều để lại là cả một dự án kiến trúc đồ sộ mang tên “Bảo tàng di sản cao nguyên đá Đồng Văn”. Đồ án này đoạt giải nhất giải thưởng Loa thành năm 2012.

 

Những mỏm núi đá tai mèo mê hoặc

 

Đồng Ngọc Anh là sinh viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, một trong những tuyên ngôn anh chàng này từng có khi học năm thứ nhất là: sẽ đi đến các điểm cực Bắc, cực Nam, cực Đông, cực Tây, điểm cao nhất, điểm thấp nhất của đất nước mình. Nói là làm. Chỉ cần xách ba lô lên là đi. Với Ngọc Anh: đi là để chinh phục, để tận hưởng đất nước mình, để được nhìn bốn phương với góc nhìn của một sinh viên kiến trúc, để hiểu cuộc sống này và đi là để được lớn khôn.

 

“Tôi nhìn thấy sự tương phản ở các loại địa hình. Ví dụ, khi rời Cà Mau, điều ấn tượng với tôi đó là vùng đất của địa hình sông ngòi, kiến trúc bám theo mặt sông, đời sống của người dân cũng thế; những xóm, những làng chạy dọc các con sông. Những loài cây cắm rễ sâu vào trí nhớ của tôi là cây đước, cây mắm và giọng nói miền sông nước hiền hòa. Lên Đồng Văn, Lũng Cú, những mỏm đá tai mèo dựng ngược lên trời như dao mác lại thực sự mê hoặc. Cuộc sống người dân ở đây gắn liền với địa hình đồi núi đá với những cây ngô ngàn đời thân thuộc. Kiến trúc, địa hình khác biệt con người cũng khác theo.”

 

Đặng Ngọc Anh tại cột cờ Lũng Cú
Đặng Ngọc Anh tại cột cờ Lũng Cú.

 

Khi xem bộ phim truyền hình Chuyện của Pao với những cảnh quay Hà Giang đẹp ngỡ ngàng, đã có điều gì đó thôi thúc Ngọc Anh lên đường. Vốn là dân phượt mê chụp ảnh, Ngọc Anh quyết định cùng ba người bạn của mình lên Hà Giang bằng xe máy. Chuyến đi đầu tiên mưa ướt suốt chặng đường dài, chỉ đến khi đặt chân đến Hà Giang, những ướt át khó chịu của thời tiết mới dừng lại.

 

Lạnh căm căm, Ngọc Anh cùng các bạn miệt mài đi trong quãng đường khó từ Đông văn đến Lũng Cú. Ra khỏi thị trấn được hơn 10km thì…xe hỏng, chỉ còn cách dắt xe quay lại thị trấn để sửa. Chưa bao giờ những anh chàng, cô nàng của chuyến “phượt” này lại thấy dắt xe khó nhọc đến thế, rồi mất thêm chừng nửa ngày nữa họ mới sửa xong xe. Trời vẫn lạnh căm căm nhưng chẳng có lý do gì để họ phải dừng lại. Những vòng bánh xe vẫn tiếp tục qua Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

 

Càng đi. Ngọc Anh càng thích thú với sự thay đổi của địa hình từ những đồi đất hay ruộng bậc thang mềm mại chuyển sang đồi núi đá cao vút. Đứng trên đỉnh nủi có một cảm giác đặc biệt không lẫn vào đâu được: cảm giác mình được “mở bung” ra, Ngọc Anh chia sẻ: “phải leo lên đến đây mới biết người dân khó nhọc thế nào để có được một thửa ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang ở đây rất đặc biệt, người ta xếp đá lên thành những chỏm nhỏ rồi mới đổ đất vào. Mất nhiều ngày người ta mới tạo ra được khoảnh ruộng để trồng ngô. Thứ thức ăn được dùng nhiều nhất ở đây là mèn mén, cuộc sống đấy gian khó nhưng điều lạ lùng là mình luôn thấy niềm hạnh phúc rạng ngời trong khuôn mặt họ.”

 

Và Ngọc Anh không chỉ đến Đồng Văn một lần. Những phiên chợ Đồng Văn níu bước chân chàng sinh viên kiến trúc: những người đàn ông hăm hở xách can rượu ngô, những người phụ nữ xuống chợ rộn rã sắc màu… Ý tưởng phải làm một điều gì đó cho vùng đất đặc biệt này đã lớn lên trong Ngọc Anh từ đó.

 

Bảo tàng trong lòng đá núi

 

Đồ án “Bảo tàng di sản cao nguyên đá Đồng Văn” được làm cho vùng cực Bắc của đất nước mình. Nơi đây như một bức thành đá của đất trời. Địa chất ở đây có gần 80% là đất không canh tác nông nghiệp được. Điều ấy làm cuộc sống người dân khốn khổ. Điều đó cũng giúp lưu trữ vẹn nguyên nhiều di sản về tiến hóa địa chất trái đất, di sản sinh học và di sản văn hóa bản địa. Ngọc Anh cho rằng, những di sản độc nhất này cần được bảo tồn cho hệ thống tương lai và phát triển du lịch cũng là một cách khác để giúp đỡ cuộc sống người dân nơi đây. Nhưng thiết kế một bảo tàng như thế chẳng dễ dàng gì.

 
Đặng Ngọc Anh tại cột cờ Lũng Cú
 

Thầy hướng dẫn bảo, đề tài khó nhưng thầy vẫn để cho Ngọc Anh tự lựa chọn: Nếu yêu thích bạn hãy cứ làm. Đã nhiều lần vẽ lên vẽ xuống, tính toán ngược xuôi rồi lại bỏ nhưng Ngọc Anh vẫn theo đuổi đến cùng. Và giải thưởng Loa thành là một sự ghi nhận cho sự thành công của bảo tàng cao nguyên đá này.

 

Điều đặc biệt của công trình này là một bảo tàng ẩn mình trong thiên nhiên, bước chân vào bảo tàng bạn sẽ có cảm giác đi sâu vào long núi đá. Ở đó có những di sản hóa thạch, có những lát cắt địa chất (khi đi “phượt” bạn chỉ có thể nhìn ngắm về bề mặt mà không hiểu thêm nhiều về mảnh đất nơi đây). Mỗi bước chân vào bảo tàng là một bước chân xúc cảm, điều mà Ngọc Anh hướng đến là như thế.

 

Và dẫu thế nào Ngọc Anh vẫn muốn được khát khao, dại khờ…để bước thêm những hành trình mới.

 

Bộ “sưu tập” của  Ngọc Anh:

 

- Giải Nhì thiết kế nhanh Festival sinh viên Kiến trúc toàn quốc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam với đề tài “Bảo tồn khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - Hà Nội”.

 

- Giải Nhì cuộc thi nhà ở vùng lũ lụt - khu vực ven biển miền Trung (Hội Kiến trúc sư Việt Nam).

 

-  Giải nhất cuộc thi quốc tế DatE - Thiết kế chống lại những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với đề tài “Ngôi làng tự chống đỡ thiên tai - Quezon city, Manila”.

 

-  Giải Ba giải thưởng thiết kế 2012 - CLB kiến trúc sư trẻ Việt Nam và tập đoàn Boral tổ chức với đề tài “Trung tâm phát triển trẻ em làng chài Cửa Vạn, Hạ Long”.

-  Đồ án tốt nghiệp bảo vệ điển hình khoa Kiến trúc, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội năm 2012, giải nhất giải thưởng Loa thành 2012 với đề tài “Bảo tàng đi sản vùng cao tây nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang”.

 

Theo Sinh Viên Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm