Chấm bài tự luận Kỳ thi THPT 2015: “Hỏi gà, trả lời... vịt”
Câu chữ ngô nghê, bài thi để giấy trắng, phải “nhặt” ý đến từng 0,25 điểm và cộng điểm một cách cơ học… đó là những khó khăn mà các giáo viên chấm bài tự luận văn, sử, địa gặp phải trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Văn, sử nhiều điểm 0 nhất
Đề thi các môn tự luận năm nay được nhiều giáo viên đánh giá là tương đối dễ với cả 2 mức độ, xét tuyển vào ĐH, CĐ và xét công nhận tốt nghiệp. Tuy vậy, nhiều cán bộ chấm thi phải dở khóc dở cười với những bài văn, sử, địa như… từ trên trời rơi xuống.
Cô N.T.P – cán bộ chấm thi môn văn tại cụm thi Hải Phòng kể: Câu 2 phần làm văn có yêu cầu “Cảm nhận về nhân vật người đàn bà làng chài trong đoạn trích truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, từ đó bình luận về cách nhìn nhận của tác giả Nguyễn Minh Châu”, có em chỉ chép hết đoạn trích, sau đó dùng trí tưởng tượng miêu tả người phụ nữ rồi quay sang so sánh với… chị Dậu. “Với phần nghị luận về hiện tượng có người chỉ lo túi tiền rỗng nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn khô héo, có em lại viết về cách làm sao để túi tiền không rỗng, sau đó dẫn chứng là phải biết tiết kiệm, dành tiền để… bỏ lợn” – cô P cười.
Trong khi đó, với môn lịch sử, thầy L.X.S - cán bộ chấm thi tại Hà Nội cho biết có một số bài thi viết kín 1 trang giấy nhưng không thể “vớt” được điểm nào vì thí sinh… chép nguyên đề bài rồi để đấy. “Có câu hỏi 3 điểm rất dễ yêu cầu tóm tắt sự phát triển kinh tế Nhật Bản từ năm 1952 – 1973, có em lại nêu ra “đặc điểm nhận dạng” của nước Nhật Bản thông qua… hoa anh đào, kimono, trà đạo và sushi” – thầy S nói.
Cũng theo thông tin của nhiều hội đồng chấm thi, môn văn, sử là 2 môn bị nhiều điểm 0 nhất, chủ yếu là do thí sinh không hiểu đề bài, viết linh tinh vào bài thi với hy vọng “có chữ có điểm”.Tuy vậy theo các giáo viên, với cách chấm thi như năm nay (đếm ý đến 0,25 điểm) thì không có ý là không có điểm nào. Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) cũng cho biết, kỳ thi THPT quốc gia lấy điểm cho cả việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ vì vậy barem điểm phải chi tiết, vì chỉ cần hơn nhau 0,25 điểm cũng có em trượt – đỗ ĐH nên cán bộ chấm thi không thể… vớt điểm.
Vừa chấm thi vừa lo ngay ngáy
Không chỉ có nội dung, việc chấm thi theo thang điểm quá chi tiết, qua nhiều vòng khớp điểm của các bài tự luận cũng làm cán bộ chấm thi phải “đau đầu”, các cụm thi thì phải đầu tư nhiều công sức và nhân lực.
Một cán bộ chấm thi môn văn tại TP.Hồ Chí Minh phàn nàn, việc chấm và ráp điểm các môn tự luận quá mệt mỏi. “Mỗi bài thi có 2 giám khảo, trung bình mỗi giám khảo phải 25 lần ghi điểm bằng số thập phân vào bài của thí sinh hoặc vào phiếu cho điểm, sau đó là cộng điểm số thập phân. Chấm văn mà cứ như làm toán, chỉ lo ngay ngáy sai số” – vị này cho biết. Cũng theo cán bộ này, mỗi người chấm nhanh mỗi ngày cũng chỉ được gần 100 bài, chấm chậm chỉ được 40 bài, nhiều người phải mang theo máy tính để cộng điểm như làm toán.
Ông Nguyễn Ngọc Trung - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho biết: Đại học Sư phạm là cụm có thí sinh dự thi đông nhất tại TP.HCM với 27.000 em nên trường đã huy động 450 giáo viên chấm thi. Riêng môn văn, trường dành một ngày để thảo luận và chấm thử. Môn sử cũng phải “nâng lên đặt xuống”.
Tương tự, tại cụm thi do Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo trường cho biết: 220 giáo viên phải làm việc cật lực cả thứ 7, Chủ nhật để chấm 56.000 bài thi tự luận. Đối với các môn tự luận việc chấm sẽ gồm 2 vòng độc lập và trải qua 10 bước khác nhau mới ra được kết quả cuối cùng. Đáng chú ý, tất cả các môn tự luận ở cụm thi này đều đã có bài bị điểm liệt.
Ngày 20.7 là hạn cuối cùng các cụm thi hoàn thành công tác chấm thi và báo cáo kết quả về Bộ. 25.7 các Sở GDĐT phải hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp; 27.7 thí sinh sẽ nhận được giấy chứng nhận tốt nghiệp từ các trường THPT |