Chấm bài kiểu "hội đồng gia đình": Chuyện không lạ!
Nửa ngày, có khi chị H. cô giáo dạy môn Sinh chấm được cả 5 tập. Lỗi chính tả, ngữ pháp, câu cú... đã có cô giáo dạy Văn chỉnh hộ. Nhiều hôm vội quá, chị H. phải nhờ cả chồng, là thầy giáo dạy thể dục, <a href="http://www.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/1/97500.vip">chấm và vào điểm </a>bài 15 phút hộ.
...Vừa ấn chiếc mũ bảo hiểm sùm sụp xuống đầu, Thành vừa quay lại dúi vào tay tôi mẩu vỏ bao thuốc lá nhằng nhịt chữ: "Thế nhé, tớ đi đám cưới hết giờ mới về được. Vừa dạy, vừa trông lớp hộ tớ nhé. Đề kiểm tra đây".
Thầy bận, làm bài kiểm tra
Chiều hôm đó, vẫn phải lên lớp nên, tranh thủ năm phút nghỉ giải lao, tôi "lùa" HS lớp Thành vào phòng đề chép đề kiểm tra. Vừa thấy tôi ló mặt vào, lũ HS đã la oai oái: "Lại bài kiểm tra hả cô?", rồi: "Bọn em mới làm bài kiểm tra Sử tiết trước"; "Thầy Thành còn 4 bài kiểm tra chưa trả mà cô?". Tôi vờ quay xuống nạt nộ, là bài trước cả lớp làm kém quá, thầy muốn kiểm tra lại tạo điều kiện lấy điểm cao. Lũ học trò đã quá quen với lời giải thích này, thôi mè nheo, sột soạt hỏi mượn giấy để làm bài kiểm tra.
Với HS cấp ba, thông thường những môn hệ số 2 như Văn, Toán, yêu cầu 3 bài kiểm tra 1 tiết và 2 bài kiềm tra 15 phút/học kỳ. Các môn còn lại, ít hơn. Theo đúng phân phối chương trình thì mỗi tháng, HS sẽ phải làm bài kiểm tra một lần.
Nhưng bài học vỡ lòng mà tôi được truyền thụ lại ngay buổi nhận lớp đầu tiên, đó là, phải biết để dành tiết kiểm tra cho những ngày nóng. Hàng tháng, ai mà chẳng có những công việc đột xuất nằm ngoài kế hoạch. Ma chay, hiếu hỉ, đi dự giờ, đặc biệt vào mùa thi, giáo viên giỏi phải ở nhà "luyện võ"...
Lớp mà ngoan thì thầy cô chỉ cần "lên dây cót tư tưởng" rồi giao cho cán bộ lớp "tự quản". HS được tự do làm bài kiểm tra không có thầy cô giám sát thì ủng hộ liền. Nhưng lớp "có vấn đề" thì anh chị em giáo viên trong trường nhờ vả nhau, ai trống tiết trông hộ hoặc dạy lớp bên cạnh tranh thủ quản luôn. Dĩ nhiên, phải giấu nhẹm để Ban giám hiệu nhà trường không biết. Và nếu như, thầy hiệu trưởng, cô hiệu phó chẳng may có đi kiểm tra ngang qua thì lớp trưởng cứ ngoan ngoãn báo cáo "thầy/cô vừa chạy ra ngoài thôi ạ"…
Đến chuyện chấm hội đồng
Mỗi học kỳ, giáo viên còn phải miệt mài ghi chép cho sạch đẹp rất nhiều loại sổ sách khác nhau. Thời gian chép sổ tương đương thời gian soạn giáo án. Bài kiểm tra của HS thường dồn lại đến cuối kỳ, chấm không xuể. Hơn nữa, thầy cô không mấy khi có mặt để trông coi nên lớp có 4, 5 HS giỏi thì 40 bài kiểm tra trong lớp cũng chia theo 4, 5 trường phái để...chép.
Có lần, HS lớp tôi chủ nhiệm đến nhà phân bua: "Thầy dạy Văn chẳng bao giờ chấm hết bài của cả lớp đâu cô ạ. Thầy chỉ chọn bài của bạn V, bạn H... để sửa thôi. Còn đâu, toàn điểm 5 với 6. Lời phê thi bài nào cũng: Diễn đạt vụng, viết lan man, xa đề... Hay cô góp ý với thầy đi".
Sở đã có quy chế, bài kiểm tra nào mà 40% điểm dưới trung bình thì HS phải làm lại. Vậy nên, thầy cô chỉ nhóm lấy HS "top đầu" để chỉnh, sửa, cho điểm. Bài nào sơ sài, cầu thả thì thẳng tay cho điểm yếu, kém (không quá 40%0). Còn lại, phân phối ở mức trung bình.
Chị H dạy Sinh cho biết: "Đề kiểm tra đã ra sao cho không giống sách giáo khoa để HS không quay cóp được. Nhưng khi chấm thì nhiều bài giống nhau đến lạ". Hồi đầu, chị H còn đầu tư thời gian chấm bài, sửa lỗi cho HS, có khi mất nửa ngày. Nhưng về sau, không hiệu quả, chị cũng chấm "phiên phiến" cho xong. Nửa ngày, có khi chị H chấm được cả 5 tập.
Theo Vân Trang
Vietnamnet