Cha mẹ bao bọc con quá kỹ, hậu quả lâu dài

(Dân trí) - Nhiều năm sau này, tôi vẫn tự đặt câu hỏi: "Phải chăng, sự kỳ vọng và quan tâm quá mức mà bố mẹ dành cho tôi suốt thời gian dài đã đẩy tôi thành kẻ bị động trước cuộc sống, luôn lo lắng thái quá trước bất kỳ khó khăn nào?".

Bài viết “Khi cha mẹ không để con trưởng thành!” của tác giả Nguyễn Thị Thu Huyền khiến tôi liên tưởng đến chính bản thân mình. Ở cùng một vạch xuất phát, nhưng thái độ quan tâm đến 2 cô con gái của bố mẹ tôi rất khác nhau đã tạo ra 2 sản phẩm cũng hoàn toàn khác biệt.

Tôi học giỏi từ nhỏ nhưng sức khỏe hơi kém nên bố mẹ dành hết việc nhà, quan điểm của mẹ tôi rõ ràng: tôi chỉ cần tập trung toàn bộ sức lực vào việc học hành, mẹ tôi “cơm bưng nước rót” lúc tôi miệt mài ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi, quần áo của con gái một tay mẹ sắm sửa, giặt giũ. Lúc tôi đạt thành tích cao, mẹ vô cùng mãn nguyện và tự hào.

Khi ra thành phố học cấp ba, tôi ngơ ngác trong việc bếp núc, chăm sóc bản thân, từ việc ăn mặc đến cách nói chuyện đều nhút nhát rụt rè so với bạn bè. Thế rồi tôi co mình vào vỏ ốc mặc cảm khi thấy mình sao thua bạn quá trời, từ hình thức đến học hành, bao nhiêu tự tin lúc ở quê nhà bay biến sạch. Tôi trở về quê học năm lớp 12, rồi thi trượt đại học 2 năm, đến lúc ấy tôi thấy mình nhụt chí quá mức, và chấp nhận đi học trung cấp nghề như một cách nghĩ an toàn. Nhớ 2 lần đi thi đại học- cao đẳng, bố mẹ đều gửi gắm mấy anh chị nhà bác đưa đi đón về, quan tâm sát sao mà trượt vẫn hoàn trượt...

Em gái tôi khác tôi hoàn toàn. Em học lực khá giỏi ở lớp, suốt thời đi học em chưa có giải thưởng nào. Em thường ghen tỵ với tôi khi tôi được mọi người quan tâm khen ngợi. Em phải làm việc nhà từ bé, cấy hái, chăn nuôi nên em khỏe mạnh, xốc vác. Em thi trượt đại học năm đầu, mẹ tôi khóc lóc oán trách em. Tôi lúc ấy ra trường, thất nghiệp, đi làm thêm ở nhà họ hàng. Từ kinh nghiệm chính mình, tôi khuyên em nên tập trung ôn thi một năm nữa cho thỏa chí học hành. Em tôi không đi học thêm gì ở trường vì mẹ xót tiền, em tự ôn luyện lại từ sách vở cũ, tài liệu ôn thi mùa trước cho nhuần nhuyễn. Năm thứ hai thi đại học, em tự bắt xe ra điểm thi, tự tìm nhà dân gần trường thuê trọ. Kết quả đúng như mong ước, em tôi thi đỗ Học viện Tài chính. Khỏi phải nói, bố mẹ tôi mừng ra sao. Trong suốt 4 năm học, em biết dành tiền đi học thêm chứng chỉ, đầu tư mua sách vở, quần áo ăn mặc giản dị để bố mẹ đỡ tốn kém. Em tốt nghiệp, rồi tự mình làm hồ sơ thi tuyển vào một tập đoàn viễn thông. Em tôi đã tự mình kiếm việc mà không mất một xu nào của bố mẹ.

Nhiều năm sau này, tôi vẫn tự đặt câu hỏi: "Phải chăng, sự kỳ vọng và quan tâm quá mức mà bố mẹ dành cho tôi suốt thời gian dài đã đẩy tôi thành kẻ bị động trước cuộc sống, luôn lo lắng thái quá trước bất kỳ khó khăn nào?". Em tôi được bố mẹ thả lỏng, bắt làm việc nhà từ nhỏ, không đầu tư hết mình như tôi thì em lại thành đạt hơn, sống vững vàng hơn chị. Kinh nghiệm sống của em cũng dày dặn, phong phú hơn tôi, vốn chỉ tư duy lý thuyết là chính. 

Bài học từ gia đình đã khiến tôi thức tỉnh trong phương pháp giáo dục con cái. Hiện tại, con lớn 8 tuổi tôi đã giao tiền cho cháu tự đi mua ăn sáng cho cả nhà, cháu cũng có thể tự đi học lúc bố mẹ không kịp đưa đón tới trường, biết giúp mẹ vài việc vặt. Tôi thấy con ra ngoài nhanh nhẹn và tự tin hơn các bạn suốt ngày được bố mẹ nâng niu, chăm bẵm. Thế mới biết, thương con sao cho đúng cách cũng không hề dễ dàng, để con tự rèn luyện bản thân cũng cần sự dũng cảm và kiên trì từ chính bố mẹ. 

Mỹ Đức

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm