Câu hỏi muôn thuở “học như thế nào” vào đề thi của ĐH FPT
(Dân trí) - Là một trong những trường đại học tổ chức sớm kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào năm 2019, ĐH FPT sử dụng cấu trúc và nội dung đề thi khác lạ so với kì thi THPT Quốc gia.
Sáng 12/5, kì sơ tuyển đầu tiên của ĐH FPT trong năm 2019 đã được tổ chức tại các campus của trường. Mọi thí sinh tham dự kì thi đều phải trải qua 2 bài thi với tổng thời gian 180 phút. Bài thi thứ nhất kiểm tra tư duy logic, phân tích thông tin và kiến thức tổng quát. Bài thi thứ hai đưa ra một chủ đề thông dụng, gần gũi và yêu cầu thí sinh thể hiện năng lực nghị luận về vấn đề đó thông qua bài luận trong thời gian 60 phút.
Năm nay, đề luận của ĐH FPT đưa ra tình huống 2 học sinh bàn luận về cách học tiếng Anh. Nếu như học sinh A cho rằng “học ngoại ngữ phải thuộc nhiều từ vựng, nắm vững cấu trúc câu, biết nhiều thành ngữ… Phải học rất nhiều năm mới sử dụng được” thì học sinh B lại phản biện nên “học ngoại ngữ trong ngữ cảnh, bắt chước và áp dụng”. Kết quả của 2 cách học hoàn toàn khác nhau: một học sinh thì điểm cao nhưng không thể sử dụng ngoại ngữ trong các tình huống thực tế, học sinh còn lại thì điểm chỉ đạt trung bình nhưng thực hành lại thành thạo và thuần thục.
Từ tình huống đó, đề đặt ra câu hỏi: “Bạn đồng tình với ý kiến nào trên đây? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn”.
Tuy nội dung đề thi khá lạ nhưng không gây bất ngờ quá lớn với những thí sinh đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Thí sinh Phạm Minh Thu, tham dự kì sơ tuyển vào ĐH FPT tại cơ sở Hà Nội đánh giá: “Đề luận ra sát với thực trạng xã hội hiện nay. Em nghĩ kiểu ra đề này hay hơn các đề thi phân tích tình huống giả định và xa lạ với học sinh”.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thành, Hiệu trưởng ĐH FPT nhìn nhận: “Đề thi của Trường ĐH FPT tập trung vào đánh giá tư duy phân tích và giải quyết vấn đề, cũng như kiến thức nền tảng của thí sinh. Do đó, các câu hỏi ở phần thi trắc nghiệm logic không thiên về việc kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức. Còn chủ đề ở bài thi luận thì đưa ra các tình huống gần gũi, dung dị để các em học sinh có thể hiểu và có cơ sở thể hiện quan điểm cũng như trình bày lập luận của mình.”
Ông Thành cũng cho biết, trường đánh giá cao sự khác biệt trong cách bàn luận vấn đề của thí sinh, “không yêu cầu trả lời theo khuôn mẫu, nên các em hoàn toàn tự do thể hiện quan điểm và khả năng lập luận của mình”.
Với đề luận của ĐH FPT, nhờ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ trước nên nhiều thí sinh đã hoàn thành bài thi với tâm trạng khá thoải mái và lạc quan. Nguyễn Văn Tuấn (Thái Thụy, Thái Bình) chia sẻ: “Em không bất ngờ lắm với kiểu đề thi của ĐH FPT do đã tìm hiểu và chuẩn bị kĩ. Em thấy kiểu đề thi này khá là hay và khác lạ so với đề thi của các trường khác cũng như của kì thi THPT Quốc gia. Em nghĩ mình làm đúng ít nhất 60 – 70%”.
Được biết, cấu trúc và nội dung đề thi trắc nghiệm của ĐH FPT được xây dựng theo các dạng đề GMAT, GRE và LSAT của Mỹ. Hằng năm, trên 90% các ĐH trên toàn nước Mỹ sử dụng kết quả từ các bài thi này để phục vụ công tác tuyển sinh. Còn ĐH FPT cũng duy trì hình thức thi tuyển này từ năm đầu tiên tuyển sinh (2007) cho đến nay.
Tổng điểm cao nhất của 2 bài thi là 105 điểm (90 điểm cho bài thi thứ nhất và 15 điểm cho bài thi thứ hai). Thí sinh đạt điểm cao có cơ hội nhận các mức học bổng từ 10 đến 100% trong suốt 4 năm học tập tại trường.
Tuấn Đào