Cậu học trò người dân tộc Jrai được điểm 10 môn Giáo dục công dân

(Dân trí) - Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, em Nay Phú (người dân tộc Jrai, học sinh lớp 12A6, Trường THPT Trường Chinh (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) đạt 10 điểm môn Giáo dục công dân, là một trong 7 thí sinh đạt điểm môn GDCD cao nhất tỉnh Đắk Lắk.

Điểm tổ hợp KHXH của em là 24,25 điểm, trong đó môn Địa: 8,0; môn Sử: 6,25. 

Cậu học trò người dân tộc Jrai được điểm 10 môn Giáo dục công dân - 1

Em Nay Phú (người dân tộc Jrai, học sinh lớp 12A6, Trường THPT Trường Chinh (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) đạt 10 điểm môn Giáo dục công dân.

Em Nay Phú sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 anh em, thuộc hộ nghèo ở Buôn Chăm, xã Esol, huyện Ea H’leo. Nhà em cách trường 25 km, những năm học cấp hai, em phải đạp xe hafng ngày tới lớp. Năm cấp ba, Phú ở trọ, mặc dù vậy, mỗi tuần em chỉ được gia đình cho từ 50 -100 nghìn đồng để ăn uống. Bữa ăn chủ yếu là cơm ăn với lá mì xào, cả tuần không hề biết đến thịt cá. Cuộc sống ở vùng sâu vùng xa rất vất vả. Nhà chỉ có 5 sào rẫy, bố mẹ của Phú phải làm đầu tắt mặt tối quanh năm mới đủ ăn. Em vừa học vừa phụ giúp gia đình và luôn là học sinh gương mẫu, được thầy cô đánh giá cao, bạn bè mến phục.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ksơr Ty - bố em Nay Phú, cho biết: “Điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn, tôi quanh năm ở nương rẫy. Để có kết quả cao, em Phú phải thường xuyên tự học, bố mẹ không có thời gian để quan tâm chăm sóc nhiều, hơn nữa mẹ của em mới phải phẫu thuật cổ tử cung, gia đình kinh tế rất chật vật”.

Chia sẻ bí quyết làm bài đạt điểm 10 môn GDCD, Nay Phú chia sẻ: “Với thời lượng 50 phút 40 câu, bình quân mỗi câu chỉ được làm trong 1 phút, 10 phút còn lại để tô đáp án, kiểm tra sai sót. Do đó, nếu dừng lại quá lâu ở một câu sẽ không có thời gian làm các câu khác. Để làm bài thi được điểm 5 không quá khó nhưng để đạt điểm 10 cần nỗ lực rất nhiều, không chỉ nắm vững kiến thức, hiểu, vận dụng linh hoạt, em còn phải biết phân bố thời gian làm bài và xử lí các câu hỏi một cách hợp lí nhất để dành được số điểm tối đa”. 

Thầy Trần Kiên - Phó Hiệu trưởng trường THPT Trường Chinh, cho biết: “Em Nay Phú là học sinh vùng đặc biệt khó khăn, nhà có đông anh em, nhưng Phú đã nỗ lực vươn lên, là tấm gương học sinh dân tộc thiểu số có thành tích học tập tốt”.

Được biết, nguyện vọng của em đăng ký vào ngành Giáo dục chính trị, Trường Đại học Tây Nguyên, tin rằng ước mơ của em sớm trở thành hiện thực.

TS Đoàn Tiến Dũng

(Trường THPT Thực hành Cao Nguyên - Trường Đại học Tây Nguyên)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm