Cậu học trò nghèo giành huy chương Vàng Olympic Toán học

(Dân trí) -Em Đặng Xuân Tú được nhiều người biết đến từ khi giành huy chương Vàng cá nhân trong cuộc thi Olympic Toán tuổi thơ toàn quốc vừa qua. Sống xa cha mẹ, hiện em Tú được vợ chồng thầy giáo Phan Trọng Đông (Trường Tiểu học Kỳ Khang 2, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nuôi dưỡng.

Em Tú với tấm HCV cá nhân vừa dành được trong cuộc thi Olympic toán tuổi thơ toàn quốc năm 2014
Em Đặng Xuân Tú với tấm HCV cá nhân vừa giành được trong cuộc thi Olympic toán tuổi thơ toàn quốc năm 2014.
 
Trong lần gặp đầu tiên, em Đặng Xuân Tú đã để lại trong lòng chúng tôi thật nhiều ấn tượng. Em rất ngoan, lễ phép, khôi ngô, tuấn tú. Càng ấn tượng hơn bởi em có một thành tích "dày cộp" về học tập. 5 năm liền là học sinh xuất sắc của trường, em Tú luôn đứng đầu trong các cuộc thi của huyện Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh, thành tích mới nhất là huy chương vàng Olympic Toán học toàn quốc năm 2014. Thế nhưng ẩn sau những thành tích đó của Tú là những nỗi buồn riêng...
 
Bố mẹ ly thân khi em bước vào học lớp 2, Tú về sống cùng với mẹ, còn người anh trai về chung sống với bố. Thương con, người mẹ tần tảo làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm để kiếm tiền nuôi em ăn học nhưng cuộc sống của hai mẹ con Tú vẫn hết sức khó khăn.
 
Mong muốn có cuộc sống tốt hơn, chị Nguyễn Thị Thùy (mẹ em Tú) đã quyết định gửi đứa con cho bố mẹ già để đi xuất khẩu lao động ở Trung Quốc. Ông bà ngoại là chỗ dựa duy nhất của em, nhưng thật trớ trêu, đến đầu năm 2013 lần lượt ông, bà ngoại đều ra đi vì bệnh tật.

Sau khi bài viết được đăng trên báo điện tử Dân trí, đông đảo bạn đọc gửi bình luận ngỏ ý muốn động viên em Đặng Xuân Tú. Bạn đọc có thể chia sẻ với em Tú qua số điện thoại của thầy Phan Trọng Đông (giáo viên Trường Tiểu học Kỳ Khang 2, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh): 0972 687 760

Cảnh chia ly tan vỡ và những mất mát của gia đình đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của em. Tú trở nên ít nói, có đôi phần nhút nhát, tự ti. Thương em, biết rõ hoàn cảnh của gia đình nên sau khi trao đổi với chị Thùy, vợ chồng thầy Phan Trọng Đông đã nhận nuôi Tú. Nhờ tình yêu thương, che chở của vợ chồng thầy Đông, em Tú cũng dần cảm nhận được hơi ấm của mái ấm gia đình. Tú dần dần hòa đồng với mọi người hơn.

Sau một thời gian ngắn tiếp xúc với em Tú, vợ chồng thầy Đông đã sớm phát hiện ra tố chất thông minh, nhanh nhạy trong Tú. Ngoài thời gian học trên lớp, về nhà, thầy Đông tiếp tục kèm cặp thêm cho Tú. Nhờ vậy mà tố chất thông minh, nhanh nhạy nhanh chóng được bộc lộ, đặc biệt trong môn Toán học. Từ một học sinh xếp tốp giữa của trường, Tú vươn lên vị trí nhất trường rồi nhất cụm, huyện, tỉnh.

Thầy Đông kể lại những ngày em mới về sống cùng gia đình với nhiều kỷ niệm buồn vui
Thầy Đông kể lại những ngày em Tú mới về sống cùng gia đình.

Đặc biệt, trong kỳ thi Olympic Toán tuổi thơ của tỉnh Hà Tĩnh, em đã giành giải Nhất và được tham dự kỳ thi Olympic Toán tuổi thơ toàn quốc năm 2014 tại Đắk Lắk. Sau 2 ngày tranh tài, Tú đã vượt qua 390 thí sinh của 65 đội dự thi gồm Tiểu học và THCS của 34 tỉnh thành trong cả nước để giành tấm huy chương Vàng cá nhân.

Có lẽ đó là món quà ý nghĩa mà Tú dành cho vợ chồng thầy Đông - những người đã luôn đồng hành, chở che cho em.

Điều khiến chúng tôi thật sự xúc động khi nghe vợ chồng thầy Đông chia sẻ về cuộc sống đời tư của mình. Cả hai đều là giáo viên Trường Tiểu học Kỳ Khang 2 (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Cô An (vợ thầy Đông) đang là giáo viên hợp đồng nên cuộc sống cũng hết sức vất vả. Đặc biệt, từ khi vợ chồng thầy có đứa con đầu lòng thì cuộc sống khó khăn, chật vật hơn. Dù vậy, vợ chồng thầy vẫn cố gắng dành hết tình yêu, sự quan tâm để bù đắp lại phần nào những thiệt thòi mà Tú từng gánh chịu.

Tú tươi cười hạnh phúc bên gia đình thầy Đông
Em Tú bên gia đình thầy Đông.
 
Cô An tâm sự: “Mẹ của Tú thỉnh thoảng có điện về hỏi thăm nhưng cũng không hỗ trợ được gì nhiều cho em. Chúng tôi cũng hết sức đồng cảm, chia sẻ với mẹ của Tú. Tất cả cũng vì cuộc sống mưu sinh”.
 
Còn thầy Đông thì chia sẻ: “Vợ chồng tôi còn khó khăn, vất vả, nhưng chúng tôi không để Tú phải thiệt thòi thêm. Em không đáng để phải gánh chịu những thiệt thòi, phải sống cảnh chia ly như thế. Vì thế vợ chồng tôi đón Tú về sống cùng ở khu tập thể giáo viên của nhà trường. Dẫu chật chội, thiếu thốn trăm bề, nhưng căn phòng luôn ấm áp. Chúng tôi che chở Tú, nhưng ngược lại Tú mang đến cho vợ chồng tôi niềm vui, niềm tự hào".

Chia sẻ về việc học của Tú thời gian sắp tới, thầy Đông cho biết: “Nếu được học tập trong môi trường tốt, Tú nhất định sẽ trở thành nhân tài. Tú có tố chất thông minh, sáng tạo, ham học hỏi. Để em được phát triển hết khả năng của mình thì Tú phải học trường Chuyên hay ít nhất học trường thị trấn. Nhưng điều kiện của em thì rất khó khăn, lên những trường đó học kinh phí lớn, hơn nữa điều kiện đi lại khó khăn”.

Về phần mình, Tú mơ ước trở thành một bác sỹ để giúp đỡ mẹ, giúp đỡ mọi người. “Cháu muốn được đi học tiếp. Cháu muốn sau này được giúp cho những người nghèo vùng quê cháu. Hơn nữa cháu muốn sau này thành công để phụ giúp mẹ và gia đình thầy Đông, mẹ cháu và gia đình thầy Đông đã vất vả nuôi cháu ăn học”, đôi mắt em bỗng mọng nước khi nhắc đến mẹ, đến ước mơ của mình...

Chia tay Tú ra về, vợ chồng thầy Đông tiễn chúng tôi ra tới tận đầu ngõ. Chúng tôi cũng phần nào hiểu được trong đôi mắt của đôi vợ chồng thầy đang chất chứa bao tâm tư, hy vọng. Hy vọng Tú sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn, ước mơ của em sẽ được chắp cánh...

Xuân Sinh - Anh Tấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm