Cậu học trò lớp 12 tự chăn nuôi kiếm tiền đi học
(Dân trí) - Từ khi sinh ra, Dũng không biết mặt bố, mẹ em vì cuộc sống khó khăn nên tha hương làm thuê. Thiếu cha mẹ, cậu học trò này ở nhà một mình tự chăn nuôi, kiếm tiền trang trải cuộc sống và việc học tập.
Nhân vật chúng tôi nhắc đến đó là em Trần Trọng Dũng (SN 2002), ở thôn 9 Thiên Chính, xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Hiện Dũng đang học lớp 12, Trường THPT Triệu Sơn 1, huyện Triệu Sơn.
Từ khi sinh ra, Dũng không được biết mặt bố mình. Em sống cùng mẹ đến năm lớp 2 thì mẹ gửi con cho bà ngoại rồi vào miền Nam làm ăn từ đó đến nay, thi thoảng mới về thăm con một lần. Thậm chí, nhiều năm ngày Tết đến, mẹ Dũng cũng không về được.
Từ ngày bà ngoại đi Hà Nội làm thuê, trong căn nhà cấp 4 nhỏ nhắn, đã xuống cấp chỉ một mình Dũng lủi thủi sống qua ngày.
Để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống và học hành, Dũng đã tận dụng không gian xung quanh nhà để làm chuồng trại chăn nuôi. Dũng nuôi nào là thỏ, chim bồ câu, chó…
Không những chăn nuôi giỏi, ngày nghỉ, Dũng còn tranh thủ đi làm thêm như dựng, tháo rạp đám hiếu, hỉ... Nếu không đi làm thêm thì Dũng ở nhà dọn dẹp chuồng trại, cho các con vật ăn.
“Em sinh ra không có bố, mẹ vì cuộc sống khó khăn mà gửi em cho bà ngoại để đi làm ăn xa. Từ năm học lớp 5, lớp 6 là em đã phải tự mình lo cho cuộc sống và học tập, thi thoảng mẹ cũng gửi thêm cho ít tiền để trang trải cuộc sống”, Dũng chia sẻ.
Ngước mắt nhìn lên mái nhà như muốn ngăn dòng nước mắt chực rơi ra, giọng nghẹn lại, Dũng tâm sự: “Thời gian gần đây, công việc bận và khó khăn nên em muốn nghỉ học để đi làm kiếm tiền”.
Ngồi bên cạnh, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Dung cho biết, từ đầu học kỳ 2 đến giờ, đã hai lần Dũng xin cô giáo nghỉ học. Tuy nhiên, thương học trò của mình, cô giáo chủ nhiệm đã động viên Dũng tiếp tục học tập.
Ngoài việc chăn nuôi, Dũng còn làm ruộng để có gạo ăn hàng ngày. Trong quá trình chăn nuôi, đặc biệt là nuôi thỏ cũng có lúc thất bại, nhưng không vì thế mà Dũng bỏ cuộc.
Vừa đi học, vừa phải làm lụng để kiếm tiền, nhưng với cậu học trò này dường như: “Vất vả từ nhỏ nên em cũng quen rồi anh ạ”.
Vì hoàn cảnh gia đình nên Dũng dự định chỉ học hết lớp 12 rồi sẽ ở nhà làm nông nghiệp. Nếu có cơ hội được đi học lên, Dũng cũng mong muốn được theo học ngành nông nghiệp để sau này ra trường phục vụ cho ước mơ làm “nhà nông” của mình.
Cuộc sống một thân, một mình, vừa đi học, vừa phải lao động để kiếm sống, cũng đã có những lúc vì không có tiền mà Dũng đã phải nhịn ăn, nhịn mặc.
Thời gian qua, vì muốn mở rộng mô hình, để có thêm ít vốn trước mắt, Dũng nghĩ ra cách nuôi chó. Tuy nhiên, mới đây, hơn chục con chó của em bất ngờ lăn đùng ra chết nghi bị kẻ gian đánh thuốc. Khó khăn chồng chất khó khăn khiến cho mong ước mở rộng sản xuất của Dũng chưa thể thực hiện được.
Cô Dung chia sẻ: “Không chỉ mình tôi mà rất nhiều thầy cô khi gặp em ấy đều rất ấn tượng về sự nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ và hòa đồng với thầy cô, bạn bè. Nếu không được bạn bè và những người xung quanh nói về hoàn cảnh của em thì ít ai biết được, vì trông em rất điển trai, đáng yêu. Không ai nhìn thấy ở em sự tự ti, thu mình hay ít giao tiếp cả”.
Theo cô giáo chủ nhiệm, Dũng là học sinh tiên tiến, rất chăm chỉ học tập, trong giờ không nói chuyện, không làm phiền lòng thầy cô bao giờ; không vi phạm kỉ luật, nội quy của nhà trường. Em là học sinh có đạo đức tốt, rất ít nghỉ học vì lí do cá nhân.
Mặc dù rất bận với công việc gia đình, nhưng với các hoạt động của lớp, của trường, Dũng luôn tham gia nhiệt tình, sôi nổi, không từ chối nhiệm vụ của đoàn thể. Dũng còn là ủy viên Ban chấp hành Đoàn thanh niên Chi đoàn lớp nhiều năm liền; hát hay và có năng khiếu dẫn chương trình; là thành viên đội thanh niên xung kích nhà trường.
“Bản thân sống tự lập từ rất sớm, tự mình lo cơm nước, nuôi gà, vịt, làm thuê như dựng, dỡ rạp đám cưới, đám hiếu, làm thuê cho trang trại thỏ. Ngoài giờ học là em Dũng về lo việc nhà, được gia đình, bạn bè và hàng xóm đánh giá rất tốt”, cô Dung nhận xét thêm.
Sau khi bài viết được đăng tải trên báo điện tử Dân trí, nhiều bạn đọc muốn liên hệ để hỗ trợ em Trần Trọng Dũng. Quý bạn đọc có thể chia sẻ đến em Dũng qua số điện thoại: 0375 007 819 . Trân trọng!
Duy Tuyên