Câu chuyện giáo dục: Những lá thư mạo danh

(Dân trí) - Cậu học trò khấp khởi rồi chảy nước mắt khi đọc lá thư của mẹ. Em nói, lần đầu tiên thấy rõ chữ viết của mẹ, lâu quá rồi mới nghe mẹ nói những lời yêu thương, động viên…

Từ lâu, cậu học trò 14 tuổi thuộc thành phần “bất trị” trong mắt bố mẹ và thầy cô. Cậu mê game, nhiều lần bỏ học, làm đủ trò trên mạng xã hội và hay tụ tập với nhóm bạn đã bỏ học nhậu nhẹt như dân nghiện. Bố mẹ bất lực, gửi con đến trung tâm kỹ năng sống, chọn chương trình dài ngày đắt tiền nhất với hy vọng con sẽ thay đổi.

Trong chương trình này, có nội dung kết nối với cha mẹ. Theo đó, cha mẹ và con cái sẽ viết thư chia sẻ, trao đổi tình hình trong quãng thời gian con xa nhà theo lớp học.

Con trẻ ghi lại cảm xúc về gia đình trong một chương trình kỹ năng sống (Ảnh: Hoài Nam)
Con trẻ ghi lại cảm xúc về gia đình trong một chương trình kỹ năng sống (Ảnh: Hoài Nam)

Sau khi viết thư gửi về cho bố mẹ, khoe những “thành tích” không ngờ của mình như biết tự nấu ăn, trồng cây, bơi qua sông… vài hôm sau cậu nhận được thư của mẹ. Cũng như nhiều bạn theo học chương trình, cậu vừa đọc thư vừa bật khóc.

Em nói với giáo viên dạy chương trình, đây là lần đầu tiên em nhìn rõ nét chữ của mẹ và lâu quá rồi mới nghe mẹ nói những lời yêu thương, động viên… Hóa ra bố mẹ yêu thương và tin tưởng cậu nhiều chứ không như những điều cậu vẫn nghe bố mẹ mắng hàng ngày “mày là đồ bỏ đi”.

Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn trên má cậu học trò cho thấy em không hề chai lỳ, vô cảm và "hết thuốc chữa" như điều bố mẹ em nói khi đến gửi con. Cô giáo phụ trách chương trình… càng chạnh lòng, day dứt. Khi cô trao đổi với bố mẹ em về hoạt động kết nối, viết thư cho con trong khóa học đã bị từ chối. Người mẹ bảo, suốt ngày mẹ con cãi nhau, không quen nói những lời hoa mỹ, hơn nữa chị không có thời gian.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, cô giáo đành làm liều, viết một bức thư “mạo danh” bà mẹ rồi gửi cho cậu. Và rồi cô được chứng kiến những giọt nước mắt vỡ òa của cậu học trò. Cô cũng sao chép gửi lá thư này cho người mẹ, để bà biết… mình đã viết gì cho con và giữ bí mật về lá thư này. Bởi nếu biết những yêu thương mình nhận chỉ là giả tạo - không phải từ mẹ - sự tổn thương của cậu học trò e rằng chẳng thể nào cứu vãn được.

Phụ huynh cùng con tham gia vào một chương trình ngoại khóa (Ảnh: Hoài Nam)
Phụ huynh cùng con tham gia vào một chương trình ngoại khóa (Ảnh: Hoài Nam)

Cũng có những trường hợp, phụ huynh đề nghị… cô viết giúp tôi luôn. Bức thư có thể viết thay nhưng tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ dành con con trẻ - điều đứa trẻ cần nhất – một số phụ huynh cũng muốn người khác… làm hộ.

Anh Phan Thành Hổ (Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam) kể, có những em theo học chương trình nhận được thư của bố mẹ bằng bản… đánh máy. Thôi thì, thời công nghệ số, viết thư bằng máy tính cũng cần thông cảm. Nhưng khi nhận thư, chua chát thay có những em có em nói luôn rằng: “Bố mẹ con nhờ người đánh máy đó thầy ơi, không phải ông bà… gõ đâu”.

Có em nhìn chữ ký ông bố dưới bức thư, buồn rười rượi rồi cười phá lên: “Chữ ký của cô thư ký ba con nè”.

Phụ huynh đã có thể đổ hàng chục triệu để con theo học các chương trình với mong muốn con nên người nhưng lại chẳng thể cho con vài lời yêu thương, vài dòng chia sẻ. Bố mẹ nào cũng thương con nhưng cách “hết lòng” vì con của nhiều phụ huynh bây giờ con trẻ lại không cảm nhận được. Các em được cung phụng, bồi đắp về vật chất nhưng dường như lại đang cạn kiệt tình yêu thương, sự quan tâm từ chính bố mẹ.

Mà mọi vấn đề của con trẻ ngày nay: game, bạo lực, sống buông thả, thiếu lý tưởng… theo các chuyên gia tâm lý đều xuất phát từ gốc rễ các em thiếu thốn tình yêu thương.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)