Cậu bé thành Vinh và học bổng 49.250 USD

(Dân trí) - Gặp Trung Tuấn Dũng tại Hà Nội, nếu không được bác em cho biết trước, tôi thật khó tưởng tượng một thanh niên da ngăm ngăm với bộ quần áo “bụi phủi” kia lại là chủ nhân suất học bổng trị giá 49.250 USD của trường ĐH Yale, Mỹ.

Sinh năm 1985 tại thành phố Vinh, Nghệ An trong một gia đình nề nếp và gia giáo, cậu bé Trung Tuấn Dũng lớn lên với niềm say mê môn Toán học. Niềm say mê đó đã giúp Dũng đạt học bổng ASEAN cho khóa học THPT tại Singapore.

 

3 năm học ở Singapore, Dũng luôn là học sinh xuất sắc. Ở cả hai môn Toán và Tin học, em đã đạt được nhiều giải thưởng cấp quốc gia của Singapore, khu vực và quốc tế như: 1 trong 3 dự án xuất sắc nhất của Chương trình nghiên cứu quốc gia Singapore; huy chương vàng cá nhân giải Singapore Science Engineering Fair; huy chương bạc giải Singapore Mathematics Olympiad và Singapore Informatics Olympiad (giải Olympic Singapore Toán Tin); giải đồng đội National Software Competition; Giải Toán toàn Úc, Giải Toán Hoa Kỳ và nhiều giải hoạt động ngoại khoá khác. Tiền thưởng từ những cuộc thi, Dũng để dành mua... sách.

 

Được học tập dưới hai nền giáo dục của Việt Nam và Singapore, Dũng có thấy sự khác biệt?

 

Theo em có 3 điểm khác nhau cơ bản là giáo trình, hoạt động ngoại khóa và chương trình học. Giáo trình giảng dạy của Singapore được soạn theo mẫu hiện đại, buộc học sinh phải tư duy nhanh nhạy, tự học là chính. Chương trình học gồm 8 môn và học sinh phải học đồng đều (không có phân ban), khi thi thì chọn 6 môn. Đặc biệt là những hoạt động ngoại khoá luôn được các trường khuyến khích nhằm tạo điều kiện cho học sinh phát huy hết mặt mạnh của mình.

 

Nhìn chung, hệ thống trường THPT tại Singapore là những trường tốt nhất trên thế giới. Phương pháp giảng dạy ở đây cũng hiện đại. Giáo viên dạy rất tận tâm. Giờ học được bố trí khoa học nên nhu cầu học thêm là không cần thiết.

 

Dũng thường tham gia những hoạt động ngoại khoá nào ở trường và đã học được những gì từ các hoạt động đó?

 

Cả ba hoạt động tham gia ở trường, em đều nằm trong Ban tổ chức đó là: Ban Khoa học (Science and Mathematics Council), Câu lạc bộ Tin học Spectra (Computer Arts Club) và Câu lạc bộ Khiêu vũ (Dance Society).

 

Em đã học được tính kỷ luật cao, cách đối xử với bạn bè, cách làm việc và học tập có tổ chức.

 

Cảm giác của Dũng khi được nhận học bổng Đại học Yale?

 

Em còn nhớ rõ, đó là ngày 18/12/2005. Theo thông lệ thì các trường sẽ có quyết định từ 15/12. Trong ba ngày đó em rất hồi hộp, bồn chồn và liên tục vào mạng kiểm tra thông tin. Cả đêm em không ngủ được. Đến 5 giờ sáng ngày 18, khi bật máy vi tính, vào trang web của trường, thấy tên mình, em rất sung sướng.

 

Mặc dù em đã chuẩn bị tinh thần và biết rằng mình sẽ có cơ hội khi so sánh tương quan với nhiều anh chị khóa trên nhưng lúc đó vẫn thấy bồng bềnh như đang ở trên mây. Bố mẹ em còn mừng hơn nữa.

 

Sinh ngày 24/8/1985 tại TP Vinh. Là học sinh trường Năng khiếu của tỉnh Nghệ An từ lớp 1- 9. Bố là kiến trúc sư, mẹ là giáo viên tiểu học. Cả hai anh em Dũng đều say mê môn Toán, Tin học. Em trai Dũng đang học tại Vương quốc Anh.

 

Năm 2000, Dũng được nhận học bổng ASEAN và sang Singapore hoàn thành bậc THPT.

 

Năm 2005, nhận học bổng Financial Aid Package của Đại học Yale (Mỹ).

Bút phê của thầy hiệu trưởng trường Đại học Yale trong Thư mời nhập học có đoạn: “Tôi rất ấn tượng với những thành tích em đã đạt được và đặc biệt là những bài luận của em”. Dũng có thể “bật mí” bí quyết viết bài luận của mình?

 

Em đã hoàn thành ba bài luận. Một bài về cái tên Trung Tuấn Dũng của em. Một bài có nội dung miêu tả cảm xúc của em cùng bạn tham dự cuộc thi khiêu vũ. Một bài nữa viết về niềm say mê và quá trình đến với môn Tin học.

 

Để viết được những bài luận này em đã vào mạng internet tìm hiểu rất nhiều thông tin về trường, cách viết bài luận hay, cách diễn đạt bản thân tốt nhất trong hồ sơ. Ngoài ra, trong bài luận, em còn tổng kết những việc mình đã làm được những năm trước bởi các trường nước ngoài rất thích những học sinh có năng khiếu hoạt động ngoại khóa, có mối quan hệ cộng đồng tốt và  khả năng đóng góp cho hoạt động của trường.

 

Dũng có thể chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng với những học sinh “đi sau”?

 

Trước tiên, các bạn nên nộp hồ sơ sớm. Nếu dự định nộp hồ sơ vào tháng 10, 11 thì cần chuẩn bị cách đó vài tháng. Thứ hai, lời giới thiệu của các giáo viên rất quan trọng, do vậy trong quá trình học phải xây dựng tốt mối quan hệ với các giáo viên bằng cách chứng tỏ mình luôn là học sinh xuất sắc.

 

Giáo viên của em nhận xét: “Đây là một trong những học sinh xuất sắc nhất trong 21 năm dạy học của tôi”. Còn bạn bè thì nói: “Dũng là một người bạn thông minh và tốt bụng”. Vậy đã bao giờ Dũng thử tự “vẽ” chân dung của mình?

 

Em là người thích hoạt động, càng hoạt động nhiều càng tốt. Bởi em muốn tăng khả năng chịu đựng của mình đến tận cùng giới hạn. Em tự nhận mình không phải là người chăm học nhưng khi cần thì cũng có thể học quên ăn quên ngủ. Em học chuyên Toán nhưng không phải là người khô khan. Em là người tham lam và cầu toàn... (cười)

 

Dự tính của Dũng trong tương lai?

 

Em yêu thích và dự định học ngành Toán Tin. Nhưng khi tốt nghiệp thì em lại muốn trở về Việt Nam làm một doanh nhân giỏi để có thể góp phần nhỏ bé vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.

 

Xin cảm ơn Dũng và chúc em thành công!

Trí Kiên
(Thực hiện)