Khổ học thành tài:

Cậu bé rửa bát thuê trở thành... ông chủ

(Dân trí) - Bố ốm nặng, các em nhỏ dại, gia đình lâm vào túng quẫn, cậu bé Duyến từ biệt gia đình, "khăn gói" lên đường ra thủ đô tìm việc làm. Không nề hà bất cứ việc gì, cậu bé xin vào rửa bát thuê ở một quán ăn số 22 phố Đội Cấn (Hà Nội)…

Đó là hình ảnh “thuở trước” của anh Nguyễn Văn Duyến. Và với câu chuyện vượt khó vươn lên của anh cũng đã khiến rất nhiều người khâm phục.

 

Năm 1986, khi mới 16 tuổi, vừa học xong THCS, Nguyễn Văn Duyến cùng hai em theo gia đình đi khai hoang ở vùng kinh tế mới ở xã Dân Chủ, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hoà Bình) với hy vọng tạo lập cuộc sống khá giả hơn. Nhưng, tai hoạ đã ập xuống gia đình khi mẹ bị cảm và mất đột ngột. Từ đó, bố mang bệnh nặng, 3 anh em không biết trông cậy vào đâu. Mang theo món nợ 8 tạ thóc, 1 tạ gạo, cả nhà lại lần hồi trở về bám víu quê hương ở thôn Đình Tổ, xã Nguyễn Trãi (Thường Tín, Hà Tây). Trong mấy năm liền, năm nào gia đình Duyến cũng phải nhận sự "cứu tế" của hợp tác xã Nguyễn Trãi.

 

Bố ốm nặng, các em nhỏ dại, gia đình lâm vào túng quẫn, cậu bé Duyến từ biệt gia đình, "khăn gói"  lên đường ra thủ đô tìm việc làm. Không nề hà bất cứ việc gì, cậu bé xin vào rửa bát thuê ở một quán ăn số 22 phố Đội Cấn (Hà Nội). Công việc vất vả, đồng lương ít ỏi, nhưng vẫn không làm cậu bé Duyến nhụt chí nuôi ước mơ một ngày nào đó sẽ làm giàu bằng chính đôi tay và nghị lực của mình.

 

Mang mơ ước và nghị lực ấy làm hành trang cho mình, cậu bé lúc nào cũng ưu tư về những dự định trong tương lai. Những lúc vãn khách, hoàn thành công việc dọn rửa bát, cậu lại tản bộ trên các con phố Hà Nội. Đi qua Hàng Gai, thấy có bán hàng áo thêu, túi thêu, sẵn có nghề truyền thống của quê hương, nghĩ rằng mình có thể làm ra những mặt hàng xinh xắn như thế, cậu đánh liều xin hỏi thêu thuê. Bằng sự chân thành và ý chí quyết tâm, cậu bé Duyến đã xin được bà chủ cho cược chiếc xe đạp - tài sản có giá trị duy nhất của cậu để nhận một mảnh vải áo ki -mô-nô về thêu thử.

 

Đêm đó, về nhà, dưới ánh đèn dầu, Duyến đã thức trắng hoàn thành mẫu thêu để hôm sau nộp cho bà chủ. Hài lòng trước bàn tay tài hoa của Duyến, bà chủ đã giao thêm cho cậu 10 chiếc, rồi 20 chiếc mang về nhà. Thù lao từ tiền công thêu cao gấp nhiều lần công rửa bát nên Duyến đã quyết định xin nghỉ việc ở quán ăn và bắt đầu với công việc mới từ nghề thêu truyền thống của quê hương.

 

Dần dần, với đôi bàn tay tài hoa của người thợ làng nghề, cộng với bầu nhiệt huyết, Duyến đã tạo được niềm tin với các chủ đại lý ở Hà Nội. Khách đến đặt hàng ngày càng nhiều khiến cậu làm không xuể. Nghĩ tới những tay kim trong làng chưa được khai thác hết, Duyến đã tập hợp mọi người tới giúp đỡ. Ban đầu, mọi người còn chưa tin vào khả năng của anh em Duyến. Có người còn gièm pha: "Nhà nó ăn còn chẳng đủ, lấy tiền đâu mà trả công". Nhưng dần dần, mọi người đã bị thuyết phục trước những thành quả và tự nguyện tham gia với anh em Duyến.

 

Không bằng lòng, an phận với công việc thêu thuê, khi đã dành dụm được chút vốn liếng, Duyến đã mạnh dạn đầu tư mua vải về, tự tay thiết kế các mẫu túi thêu và kết cườm, gắn trai, gắn sừng rồi mang ký gửi ở các đại lý. Vừa làm, vừa học hỏi để sáng tạo các mẫu mới nhất trên nền các cataloge sưu tầm từ nước ngoài, sản phẩm của anh ngày càng đẹp, được thị trường nồng nhiệt đón nhận. 

 

Hiện nay, ngoài sản phẩm túi thêu xinh xắn, dễ thương, anh còn sáng tạo rất nhiều loại túi xách tay có gắn những ánh xà cừ lộng lẫy của vỏ trai, sự tinh xảo của những họa tiết từ chất liệu sừng. Chính vì thế, sản phẩm của anh chinh phục mọi đối tượng khách hàng.

 

Ngoài đơn đặt hàng trực tiếp của các công ty và đại lý trong và ngoài nước, khách hàng còn giao dịch với anh qua mạng Internet, anh bộc bạch: "Đây là phương thức giao dịch hiện đại mà tôi rất thích. Qua đó, đã bớt được rất nhiều thủ tục rườm rà và tránh những chi phí không cần thiết. Trong kế hoạch mở rộng sản xuất sắp tới, tôi sẽ chú trọng đến việc kết nối mạng Internet theo hướng chuyên nghiệp…".

 

Hiên, sản phẩm của anh đã gia nhập được vào thị trường một số nước như Anh, Mỹ, Canada...

 

Mai Minh - Hồng Hạnh