“Cậu bé không ngón tay” học giỏi, mê vẽ

(Dân trí)-Lâu nay, ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng), nhiều người biết đến Trí Thức không phải chỉ vì em học giỏi mà vì em là một chú bé rất đặc biệt, sinh ra phải chịu sự thiệt thòi lớn, hai cánh tay em không có bàn tay tròn vẹn, cũng không có đầy đủ các ngón tay.

Thế nhưng, nghị lực và tấm gương của em khiến nhiều người nể phục.

 

Được thầy Lý Tuấn - phó hiệu trưởng Trường THCS Kế Sách, thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) giới thiệu và dẫn đường, tôi đến thăm em Trần Trí Thức, học sinh lớp 6A1 của trường.
 
Em Trần Trí Thức (
Em Trần Trí Thức (ngồi bàn đầu, bên trái) học lớp 6A1, Trường THCS Kế Sách, thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).

 

“Ai cũng có ngón tay, sao con không có vậy cha?”

 

Tôi đến nhà Trí Thức ở ấp An Ninh 2, thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách) vào một buổi chiều đầu tháng ba khi em không có giờ học ở lớp. Trước mắt tôi là một cậu bé có dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt mở to, vầng trán cao, miệng tươi cười đang mải mê chăm chú nhìn vào màn hình máy vi tính, lúc thì tay nhấp chuột, lúc thì bấm máy tính bỏ túi, thỉnh thoảng lại có lúc đăm chiêu suy nghĩ. Tôi hỏi anh Trần Ngọc Trí - ba của Thức thì biết em đang học toán, chuẩn bị tham gia cuộc thi giải toán trên mạng Internet do ngành giáo dục tổ chức. Thấy cậu bé mải mê với việc học, tôi không lên tiếng mà lặng lẽ tiến vào, lấy máy ảnh chụp liên tiếp hình ảnh khó quên ấy. Lúc đó Thức mới biết tôi vào, quay sang khoanh tay lễ phép chào rồi tiếp tục học bài.

 
Trí Thức đang làm bài tập toán
 
Trí Thức đang làm bài tập toán
Trí Thức đang làm bài tập toán.
 

Trò chuyện với tôi, anh Trần Ngọc Trí cho biết năm 2001, vợ anh chuyển dạ sinh đứa con đầu lòng khi cả hai người đã bước qua tuổi ngoài 30. Niềm vui của người lần đầu tiên được làm cha khiến anh bồi hồi… Nhưng, khi vợ sinh con, anh không thể tin được vào mắt mình khi con trai anh ngay từ khi ra đời không có một ngón tay nào. Tay trái của cháu chỉ có khoảng 1/2 bàn tay, ngón tay cái là rõ hình, còn các ngón khác hầu như không có, chỉ để lại dấu vết chứng tỏ đó là ngón tay bằng những cục thịt to bằng hạt đậu xanh. Còn cánh tay phải gần như không có bàn tay, có đủ hình thù 5 ngón tay nhưng cũng giống như những ngón tay bàn tay phải, đó là những cục thịt to bằng hạt đậu xanh. Anh Trí kể, việc con trai anh ra đời với một thân hình trọn vẹn nhưng không có ngón tay được mọi người xem là một sự kiện gây xôn xao ở địa phương lúc bấy giờ.

 

Ngày đó, rất nhiều người tìm đến nhà anh Trí, có người đến để chia sẻ, động viên vợ chồng anh, cũng có người đến vì sự hiếu kỳ, muốn tận mắt nhìn chú bé không ngón tay này. Thậm chí, có người kêu trời, hốt hoảng khi nhìn thấy đôi tay không có ngón tay của Trí Thức.

Thầy Lý Tuấn nói với tôi: Cuộc sống của gia đình anh Trí khá vất vả. Vợ dạy ở Trường mầm non xã An Mỹ (huyện Kế Sách), còn anh kiếm sống bằng việc chạy xe ôm. Cuộc sống dù khó khăn nhưng vợ chồng anh vẫn cố gắng vượt lên, không để cho cậu con trai của mình biết nỗi buồn của cha mẹ. Bao nhiêu tình yêu thương anh chị dành cho con tất cả. Sau khi Trí Thức ra đời, thấy con như vậy, anh chị quyết định không sinh thêm con để chăm sóc Thức cho trọn vẹn.

Anh Trí bồi hồi nhớ lại: Thấy con mình không được trọn vẹn như những đứa trẻ khác, đôi lúc anh và vợ cũng không khỏi buồn lòng. Buồn cho mình thì út, thương con nhiều hơn vạn lần. Đặc biệt, khi lên ba tuổi, vừa nói được bập bẹ vài câu, Trí Thức đã hỏi cha: “Ai cũng có ngón tay, sao con không có vậy cha?”. Nghe con hỏi, anh Trí đã khóc vì thương con, chỉ biết ôm con trai vào ngực để giấu đi những giọt nước mắt của mình. Còn vợ anh, nghe con hỏi chồng đã lẳng lặng bỏ ra sau nhà ngồi khóc một mình…

 

Được cái, ông trời dù không cho Trí Thức những ngón tay như những đứa trẻ khác nhưng lại cho cậu bé này sức khỏe và nghị lực, ý chí hơn người. Anh Trí khoe: “Cháu hiếu động và tò mò lắm anh ạ. Thấy từ cây bút có thể vẽ ra những đường nét ngộ nghĩnh, cậu đâm mê vẽ, mê viết nguệch ngoạc. Thấy con mê nên vợ chồng tôi quyết định dạy cháu học vẽ, học viết chữ”.

 

Những bữa đi theo mẹ vào trường mầm non, trong khi mẹ lên lớp thì Thức với một cây viết có trong tay đã tự vẽ theo ý thích của mình. Chỉ ít hôm, Thức đã “sáng tác” được những hình ảnh khá ngộ nghĩnh theo trí tưởng tượng của cháu và theo những hình vẽ mà cháu thấy được trên sách vở của người khác.

 

Chú bé thông minh và hiếu động

 

Lên ba tuổi, Trí Thức được cha mẹ gửi vào học tại Trường Mầm non Họa Mi (thị trấn Kế Sách). Những ngày học ở đây, Thức đã khiến các cô ngạc nhiên, cảm phục bởi sự thông minh, hiếu động và tài hoa. Trong sinh hoạt hàng ngày,  Thức tự mình làm mọi việc như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân khiến nhiều cô giáo rất ngạc nhiên. Anh Trí kể: “Nhiều bữa đi đón con, tôi được các cô giáo mời ở lại để cùng xem tài viết chữ, vẽ tranh của cháu. Thật vui khi thấy con mình làm được những điều như thế”. Với các cô giáo trường, Trí Thức là một tấm gương về sự vươn lên trên nghịch cảnh. Còn với vợ chồng anh Trí, cậu con trai là niềm hạnh phúc vô tận, không gì có thể sánh được. Anh Trí bộc bạch: “Nhìn cháu làm được nhiều việc trong cuộc sống, trong sinh hoạt, chúng tôi mừng đến rơi nước mắt”. 

 

Anh Trí kể thêm: “Cách đây mấy hôm, cháu mua rau củ về thực hành môn nấu ăn. Tôi sợ con không thể cắt được nên nói với cháu nói để mẹ làm giúp nhưng cháu không cho, cứ giành lấy làm một mình và cháu làm được, làm đẹp. Nhìn thành quả lao động của cháu, vợ chồng tôi chỉ biết nhìn nhau cười mà nước mắt trào ra”. Một người hàng xóm của cháu Thức nói thêm: “Cầm dao đã khó nhưng cháu Thức vẫn cầm được, còn cầm kim xỏ chỉ mới thật là điệu nghệ, thật là hiếm gặp”.

 

Ngồi trước mặt tôi, hai tay của Thức liên tục nhấp chuột, bấm máy tính bỏ túi tính toán các phép toán.  Tôi hỏi Thức có khó khăn gì trong học tập thì Thức nói: “Ban đầu cũng khó nhưng dần dần quen nên thấy bình thường chú ạ. Trong lớp cô giảng bài, con ghi bài vẫn kịp như những bạn khác. Với con, khó nhất là các môn đòi hỏi sự khéo tay như mỹ thuật, nấu ăn. Các bạn có đầy đủ ngón tay, bàn tay làm bài rất dễ, còn con không bàn tay, không ngón tay nên học những môn này khó lắm. Những lúc cô dạy thêu, may vá, nhảy dây là con nản dữ lắm. Không có bàn tay, không có ngón tay thì không thể nào làm được, nhiều lúc thấy nản nhưng nghĩ các bạn làm được thì tại sao mình không làm được, vậy là con ráng, nhiều lần như thế rồi cũng thành công”.
 
Trí Thức di chuột, bấm máy tính thành thạo với bàn tay đặc biệt của mình
 
Trí Thức di chuột, bấm máy tính thành thạo với bàn tay đặc biệt của mình
Trí Thức di chuột, bấm máy tính thành thạo với bàn tay đặc biệt của mình.

 

Anh Trí chia sẻ thêm: “Nhiều bữa thấy cháu cầm bút, cầm kim bằng hai cùi tay, rớt lên rớt xuống, mồ hôi chảy tràn cả mặt mà thấy thương. Định nói cháu để ba mẹ làm dùm nhưng lại thôi vì biết cháu đang luyện tập và cháu thích tự lập nên cứ để cho cháu làm. Khi thấy cháu làm được mới lại lấy khăn lau mặt, ôm cháu động viên, khích lệ thôi”.

 
Trí Thức và bố
Trí Thức và bố.
 
Thầy Lý Tuấn cho biết: Trí Thức là một học sinh có ý chí, nghị lực rất lớn, học lực của em luôn đạt loại giỏi ở tất cả môn học. Điểm bình quân của em luôn đạt từ điểm 9 trở lên. Em luôn nằm trong tốp 10 học sinh giỏi nhất từ bậc tiểu học cho đến THCS. Bảng thành tích của em là học sinh giỏi sáu năm liên tiếp, từ lớp 1 đến lớp 6. “Thức ngoan, hiền và quyết liệt học tập. Thấy em bị khuyết tật, chúng tôi từng đề nghị cho em được miễn một số môn cần sự khéo tay nhưng em xin được học, không miễn. Chúng tôi tự hào về em Thức. Em Thức từng đạt giải Ba cấp huyện ở cuộc thi tiếng Anh qua Internet do ngành tổ chức và mới tham gia xong kỳ thi cấp tỉnh ở môn này, chưa có kết quả. Hiện tại, em đang chuẩn bị cho kỳ thi giải toán qua mạng Internet nữa”, thầy Lý Tuấn chia sẻ.
 
Trí Thức học giỏi, được thưởng nhiều giấy khen
Trí Thức học giỏi, được thưởng nhiều giấy khen.

 

Trò chuyện với tôi, Trí Thức nói: “Môn học mà con thích nhất là môn Toán. Ước mơ của con sau này là trở thành giáo viên dạy môn Toán. Bây giờ con sẽ cố gắng học thật tốt để ba mẹ và thầy cô vui lòng”. Nói xong, Thức tự tay mình lấy bàn xếp, lấy tập và viết ra viết bài cho tôi xem. Nhìn đôi tay tật nguyền của em đưa qua đưa lại, những nét chữ xinh xắn tròn trịa hiện lên, tôi thấy lòng mình nao nao khác lạ. Tấm gương vượt lên nghịch cảnh của Trí Thức thật đáng trân trọng biết bao.

 

Chia tay tôi, anh Trần Ngọc Trí nói: “Cháu rất thích máy vi tính nên dù còn khó khăn, vợ chồng tôi cũng chắt bóp mua cho cháu chiếm máy để bàn. Ước mơ của cháu là có chiếc máy vi tính xách tay, vợ chồng tôi cũng đang bàn nhau chịu khó tiết kiệm để mua cho con một chiếc”.

 

Bạch Dương