Cậu bé khiếm thính lắm tài
(Dân trí) - Bảnh trai và nhanh nhẹn, nhìn ngoài không ai biết cậu bé Chu Ngọc Hải không nghe và không nói được một lời nào. Ai gặp Hải, cũng tiếc cho em. Bản thân Hải cũng thế, ít nhiều tự ti nhưng em vẫn đang nỗ lực hết mình…
Số phận không may mắn
Năm 1992, cậu bé Hải ra đời tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Người thân của em gánh nỗi đau khi cậu con trai bụ bẫm nhưng cậu không thể nói và không nghe được. Tuổi thơ của Hải lớn lên quanh quẩn trong nhà, trong sự yêu thương đùm bọc của mẹ và bà ngoại. Hải có một em trai, sau cậu ba tuổi, hoàn toàn bình thường.
Bố Hải làm ăn xa, rồi bỏ đi theo một người phụ nữ khác để lại mấy mẹ con Hải nuôi nhau. Đã thiệt thòi vì khiếm thính bẩm sinh, Hải lại thiếu thốn tình cảm của người cha. Từ nhỏ, Hải đã biết thương mẹ nhưng em không dễ dàng thể hiện cho mẹ biết. Hải cố gắng tự chăm sóc bản thân, làm thêm việc nhà như quét nhá, nấu cơm, rửa bát… để đỡ đần mẹ.
Nhiều thành tích, lắm tài lẻ
Lên 6 tuổi, như các bạn cùng trang lứa, Hải cũng được cắp sách đến trường. Nhưng là trường học dành cho học sinh khuyết tật - trường Chuyên biệt Bình Minh Đông Anh. Được học tập, giao lưu với bạn bè, được học viết, học tính, Hải bắt đầu phát huy những khả năng của mình.
Trong lớp, Hải bị khiếm thính nặng nhất nhưng luôn dẫn đầu lớp về kết quả học tập. Do bệnh nặng, Hải đuối môn Văn nhưng môn Toán, Hải tính cực nhanh. Em luôn đưa ra kết quả sớm và đúng nhất khi cô giáo ra bài tập.
Tại trường học của em cứ hai năm một lớp, hiện giờ Hải đang là học sinh lớp 5. Trong mười năm đi học, Hải luôn đạt học lực loại giỏi. Không chỉ thế, em còn là thành viên tích cực trong đội cờ đỏ của trường.
Ngoài học tập, Hải rất thích luyện tập thể thao. Em luôn góp phần cho buổi học thể dục của lớp sôi động hơn hẳn. Hải có thể chơi nhiều môn thể thao và giỏi các môn bóng chuyền hơi, bóng rỗ, chạy và nhảy xa.
Năm ngoái, Hải đạt giải ba chạy cự ly 100m trong cuộc thi Hội khoẻ Phù đổng huyện Đông Anh. Trong Hội khoẻ Phù đổng TP Hà Nội năm 2007 - 2008 vừa diễn ra Hải “rinh” luôn về cho trường giải Nhì.
Hải còn rất khéo tay nữa. Em vẽ đẹp, biết phối các tông màu với nhau. Ở trường, học sinh được học làm tranh tre, Hải luôn là người có những sản phẩm đẹp nhất. Vẫn chưa hết, Hải còn múa dẻo hơn nhiều bạn gái. Lần nào, trong trường diễn văn nghệ Hải luôn là người đầu tiên được chọn trong đội múa phụ hoạ. Tại liên hoan nghệ thuật trẻ em thiệt thòi Hà Nội lần thứ 8 vừa tổ chức, tiết mục Hải múa minh hoạ đã giành được giải A.
Đặc biệt hơn, chàng “nghệ sĩ” này còn rất thích mày mò sửa máy tính. Ở trường có môn tin học, khi nào có máy bị hỏng hóc, thầy cô lại gọi “anh Hải” - thợ sửa máy tính lên kiểm tra. Lỗi nào Hải cũng tìm cách sửa bằng được mới thôi.
Hải đánh máy tính mười ngón một cách thành thạo nên nhiều thầy cô trong trường nhờ Hải dạy. Tìm trong máy của trường không có phần mềm học đánh chữ, về nhà Hải sang nhà hàng xóm, tìm phần mềm học đánh chữ xin cóp để đưa đến “dạy” thây cô và các bạn đánh máy.
Cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp Hải cho biết Hải là học sinh nhanh nhẹn nhất của lớp, luôn xông xáo giúp đỡ bạn bè, thầy cô. “Hải rất kiên nhẫn, không chịu bỏ cuộc bao giờ. Có những việc chưa làm được là về nhà em nghĩ cách để làm bằng được mới thôi. Hải là học trò “cưng” của tất cả thầy cô trong trường” - cô Hằng nói.
Ước mơ
Phải nhờ cô giáo diễn đạt để trả lời khi được hỏi, hoặc em ghi từng chữ ra giấy nhưng Hải vẫn viết cố ra hết các ước mơ của mình.
Có lẽ hiếm một học sinh bị khiếm thính nào có nhiều ước mơ như Hải. Hải muốn trở thành một vận động viên thể thao để sau này được đi thi đấu giành huy chương. Một cầu thủ bóng chuyền là ước mơ lớn nhất của Hải.
Em cũng mong ước trở thành kỹ sư máy tính để làm việc ở một công ty máy tính hoặc mở một cửa hàng sửa chữa máy tính.
Khi được hỏi, em có thích thành hoạ sĩ không, Hải viết ra một chữ “có” rất lớn. Thế rồi Hải ngồi chăm chú vẽ bằng bút bi hình một người phụ nữ. Hải đang vẽ mẹ. Em thích vẽ mẹ nhất và mong muốn sau này sẽ có một bức tranh vẽ về người mẹ của mình thật đẹp để tặng bà.
Hải rất vui vì những việc mình đã làm được và luôn chuẩn bị tinh thần cho những dự định kế tiếp của mình bằng cách cố gắng học thật giỏi.
Dù vậy, Hải cũng cũng chia sẻ điểm yếu nhất của mình là em hay ngại khi tiếp xúc với những người bạn cùng lứa bình thường. Cũng không muốn người khác nhìn mình khi đeo chiếc máy trợ thính, nên Hải không thích đeo nó. Đó cũng là điều dễ hiểu ở một cậu bé 16 tuổi - em đang bước vào tuổi lớn.
Hoài Nam