Cậu bé ba tuổi là thành viên của Hội những người có IQ cao nhất thế giới

(Dân trí) - Một cậu bé 3 tuổi gốc Malaysia, sống ở Durham (Anh) đã trở thành thành viên trẻ nhất của Mensa UK, một tổ chức dành cho những người có điểm số IQ cao hơn 98% người dân toàn thế giới.

Cậu bé ba tuổi là thành viên của Hội những người có IQ cao nhất thế giới - 1

Haryz, ba tuổi, hiện đã là thành viên chính thức của Mensa tại Anh (Ảnh: Dailymail)

Đây là thành viên ít tuổi nhất từng tham gia Mensa Anh, tổ chức gồm những người có IQ cao nhất và lâu đời nhất trên thế giới đang sống tại Anh.

Cậu bé Muhammad Haryz Nadzim đã đạt được điểm số 142 trong bài kiểm tra IQ. Cha mẹ của em, Anira và Mohd, là người gốc Malaysia, nhưng sinh sống và làm kỹ sư ở Durham, Anh.

Ban đầu, gia đình đều nhận thấy cậu bé rất sáng dạ, nhưng không biết em sẽ là một trong những người thông minh nhất thế giới trước cả khi bắt đầu đi học.

Bảy tháng tuổi đã nói được từ đầu tiên, hai tuổi có thể tự đọc truyện trước khi đi ngủ và thậm chí có thể học thuộc lòng.

Mẹ của em, chị Anira chia sẻ với báo chí rằng thiên tài nhỏ bé của họ rất khiêm tốn, "cậu bé cũng giống như bao đứa trẻ ba tuổi khác. Con thực sự thích vẽ tranh và đọc sách, bất cứ thứ gì nghệ thuật và thủ công. Haryz thích chơi Legos và Play-Doh. Giống như những đứa trẻ khác, con cũng thích chơi và được lớn lên theo cách tự nhiên nhất”.

Bố mẹ Nadzim tự tin đánh giá thêm: "Chúng tôi biết con trai mình sẽ cống hiến được rất nhiều cho xã hội trong tương lai".

John Stevenage, giám đốc điều hành của Mensa Anh đã gửi lời chúc mừng tới gia đình và nói rằng: “Cậu bé thực sự là một thanh niên rất sáng dạ và chúng tôi rất vui mừng được chào đón em tham gia Mensa".

Cậu bé ba tuổi là thành viên của Hội những người có IQ cao nhất thế giới - 2
Thư chúc mừng từ Mensa dành cho gia đình của Nadzim. (Ảnh: Dailymail)

Haryz Nadzim đã phải trải qua bài kiểm tra không hề dễ dàng gì để có thể gia nhập nhóm những người có IQ cao nhất trên thế giới, và tất nhiên em đã vượt qua bài đánh giá của mình với kết quả xuất sắc.

Thông thường các thành viên Mensa, được gọi là "Mensans" phải hoàn thành bài kiểm tra IQ của tổ chức này. Tuy nhiên, các ứng cử viên dưới 10 tuổi sẽ thực hiện một bài đánh giá phù hợp hơn có tên gọi Stanford-Binet.

Bài kiểm tra Stanford-Binet được phát triển bởi một nhà tâm lý học của Đại học Stanford, kết hợp toán học, đọc, kiểm tra trí nhớ, câu hỏi tư duy phản biện, và dĩ nhiên được tổ chức Mensa thẩm định và xác nhận.

Thái Hằng

(Theo Dailymail)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm