Cảnh báo từ cái chết của một nữ gia sư | Báo Dân trí

Cảnh báo từ cái chết của một nữ gia sư

Đầu tháng 9, một SV nữ ĐH Hà Nội là gia sư dạy tiếng Việt cho một thanh niên người Hàn Quốc đã bị tên này bóp cổ đến chết rồi tưới xăng đốt xác. Vụ án thương tâm này là một hồi chuông cảnh báo những cạm bẫy mà SV dễ gặp phải đến không ngờ…

Cô nữ sinh xấu số đó là Đào Thị Huệ, SV năm thứ 4, lớp 1H05 khoa Tiếng Hàn, ĐH Hà Nội. Huệ là gia sư tiếng Việt cho Kim Ki Jong (26 tuổi, ở trọ tại khu tập thể ĐH Hà Nội). Giữa 2 người có nảy sinh quan hệ tình cảm. Nhưng vì ghen tuông, Kim Ki Jong đã bóp cổ Huệ đến chết rồi cho xác vào vali, mua xăng, bắt taxi đến khu vực đường Hoàng Minh Giám chọn nơi vắng vẻ và đốt xác phi tang.

Ngay trong buổi học chính trị đầu năm, TS Nguyễn Danh Vu, Phó trưởng phòng Tổ chức Hành chính, ĐH Hà Nội đã đề cập đến câu chuyện này như một lời cảnh báo dành cho các tân SV.

TS Nguyễn Danh Vu chia sẻ: “Đúng là có không ít những nguy hiểm có thể xảy đến với SV đi làm gia sư. Rất nhiều SV trong trường đi làm thêm bằng công việc này nhưng không phải SV nào cũng báo cáo và nhà trường cũng không quản lý hết được công việc làm thêm của các em”.

ĐH Hà Nội có khoảng 6.500 SV, theo ước lượng của T.S Nguyễn Danh Vu khoảng 60% trong số này đã tham gia các công việc làm thêm trong đó nhiều hơn cả là công việc gia sư. Các bạn đều tìm việc qua các kênh khác nhau trong đó có Internet và các trung tâm giới thiệu việc làm.

Và ai có thể đảm bảo được mức độ an toàn, chính xác của những mẩu rao vặt trên mạng hay các trung tâm môi giới. Nhất là với các bạn tự đi tìm việc, tự public tên tuổi, số điện thoại của mình trên mạng. Sẽ là bất trắc xảy đến nếu những người xấu lợi dụng các em từ những thông tin và công việc này.

Cạm bẫy ở khắp nơi…

“Một người bạn của mình đã bị cưỡng bức ngay trong buổi gia sư đầu tiên. Đã nhiều năm trôi qua bạn ấy vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau này mà không thể trình báo hay kêu cứu ở bất cứ đâu.

Vì bây giờ ngoài cảm giác hãi hùng bạn ấy đâu còn biết được kẻ hãm hại đời mình đang ở đâu và tên là gì. Mọi chuyện chỉ bắt đầu bằng một cuộc gọi của một thanh niên cần gia sư tiếng Anh vào 7h tối…” - Trần Thu Trang, khoa Tiếng Anh, ĐH Hà Nội.

Kinh nghiệm

 

"Hầu như SV nào trong lớp mình cũng đã từng đi làm gia sư. Bản thân mình cũng ý thức rằng cần phải lựa chọn những đối tượng học phù hợp (do thầy cô hoặc bạn bè giới thiệu), nên chọn những không gian lớp học hoặc địa điểm thích hợp, tránh những lớp học tại nhà riêng ít người, phòng trọ vắng vẻ" - Lê Thị Lan Anh, lớp trưởng lớp 1H05, khoa Tiếng Hàn, ĐH Hà Nội.

“Bản thân mình cũng đã từng đi gia sư và đã từng gặp tình huống này. Hôm ấy mình được một người quen giới thiệu cho địa chỉ người cần học. Và khi nhận địa chỉ thì mình đâu có biết đó là một khách sạn. Đến nơi rồi mình băn khoăn và gọi điện lại cho người quen và họ nói đúng là anh Hàn Quốc này làm việc ở khách sạn. Mặc dù vậy khi anh ta yêu cầu lên học ở phòng riêng thì mình đã thẳng thừng từ chối.

Một giờ dạy tiếng Việt của SV khoa Hàn với người nước ngoài thường được trả 100.000đ. Với SV ngoại ngữ thì đối tượng để gia sư cũng rất đa dạng có thể là người nước ngoài học tiếng Việt hoặc những người đã đi làm ở các độ tuổi khác nhau muốn nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Và bởi thế nên nguy cơ và những bất trắc cũng lớn hơn. Mình nghĩ rằng đã có nhiều tình huống nguy hiểm xảy ra nhất là vấn đề xâm hại tình dục nhưng không hẳn bạn nào cũng dám tố cáo hoặc nói ra điều đó” - Chị Nguyễn Thị Tô Vân, trợ lý hành chính khoa Tiếng Hàn, ĐH Hà Nội.

“Cách đây một thời gian đã có một trường hợp xảy đến với một SV chuyên ngành tiếng Anh hệ tại chức. Bạn này cũng đã tự tìm công việc cho mình và tới làm gia sư cho một gia đình nọ. Đã một tháng dạy học nhưng họ không hề trả tiền lương cho cô SV này.

Ông chủ nhà đã có thái độ không tốt và tìm cách lợi dụng, xâm hại cô. SV này đã phản ứng quyết liệt trước hành động của chủ nhà nọ. Nhưng thay vì trả tiền lương cho cô gia sư của con mình ông chủ nhà đã vu cáo cô ăn cắp số tiền 10 triệu đồng.

Chủ nhà còn thuê đầu gấu doạ nạt ép cô phải làm biên bản và tự ký nhận là đã ăn cắp tiền. Cô SV đã phải đặt lại chiếc xe máy của mình để đền bù số tiền mà chủ nhà vu khống là cô lấy cắp. Phía trường chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư yêu cầu kỷ luật cô SV này. Bạn SV ấy sau đó đã đến gặp chúng tôi và thông tin toàn bộ sự việc. Chúng tôi cũng đã làm hồ sơ gửi Công an quận Đống Đa để đề nghị điều tra sự việc này” - T.S Nguyễn Danh Vu, Phó trưởng phòng Tổ chức Hành chính, ĐH Hà Nội.

Theo San Hải
Sinh viên Việt Nam