Căng thẳng trường lớp tại nhiều khu đô thị mới

(Dân trí) - “Khi một khu đô thị mới được giao, lượng người dân chuyển về cùng lúc quá đông, việc lo trường lớp ngay lập tức rất khó khăn. Vì thế, xây dựng khu đô thị phải đồng bộ với quy hoạch trường học, nếu không sẽ rất khó khăn cho ngành giáo dục”, một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ về tình trạng căng thẳng trường lớp tại khu đô thị mới.

Mua được nhà, căng chỗ học

Năm nay, anh Tiến Hưng (Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ, quận Hoàng Mai) có con vào học tiểu học. Từ khi gia đình mua căn hộ tại khu đô thị này, anh khá lo lắng vì không biết cho con học tiểu học ở đâu. Được biết khi xây dựng đô thị, một trường mầm non công lập đồng thời được xây dựng và nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập khác cũng được mở. Tuy nhiên, với cấp tiểu học thì rất khó khăn.

Sau khi tìm hiểu, anh Hưng và một số phụ huynh khác cho biết, gần khu đô thị của mình có một trường tiểu học. Nhưng khi đến xin học cho con, anh được nhà trường cho biết cơ sở đã hết chỉ tiêu và anh phải đưa con sang Trường tiểu học Đại Từ cách đấy khá xa.

Anh Hưng lo lắng cho hay, hai vợ chồng đều làm ở Cầu Giấy. Sáng chạy xuôi đưa con đi học rồi lại chạy ngược lên cơ quan. Phải hôm nào cũng tắc đường, đi lại cả chục km nên rất mỏi mệt. Tuy nhiên, chẳng còn lựa chọn nào nên gia đình anh đành phải chấp nhận.

Cũng theo anh Hưng, việc xin vào tiểu học hoặc THCS ở khu đô thị của anh đang rất nan giải bởi cùng lúc khu này bàn giao đến 5 tòa nhà cao tầng. Có 3 tòa cao nhất 45 tầng, 2 tòa còn lại gần 40 tầng. Với số lượng học sinh đột ngột chuyển về rất đông trên tổng số hàng nghìn căn hộ như vậy, trong khi khu đó không có thêm bất cứ trường tiểu học, THCS mới nào, quả thật thảm họa.

Tương tự, tháng 6 vừa qua, chị Thùy Dung (quê Hải Phòng) cũng mới nhận nhà tại Khu đô thị Linh Đàm. Theo chị Dung, khu đô thị này cũng bàn giao đến gần chục block nhà trong vòng 1 năm, trong khi trường học xung quanh không được xây dựng thêm nên rất nhiều gia đình căng thẳng tìm chỗ học cho trẻ.

Đầu năm học này, chị Dung nộp đơn cho con vào trường mầm non ở gần đấy nhưng được hiệu trưởng nhà trường trả lời, năm nay nhà trường ưu tiên tuyển sinh các cháu sinh năm 2014. Con trai chị sinh năm 2012 hiện nay các lớp đã đủ chỉ tiêu. Lớp nào cũng học ổn định vài năm nay và đều quá tải cả rồi, trừ phi có cháu nào đó chuyển trường mới có cơ hội cho trẻ khác vào nhưng con số này rất ít.

Trước tình hình đó, chị Dung đành phải cho con vào một cơ sở mầm non ngoài công lập ở gần nhà với chi phí tổng cộng lên đến gần 3 triệu đồng/tháng.

Căng thẳng lớp học ở các khu đô thị mới khiến gia đình và cả ngành giáo dục đều lo lắng (ảnh: minh họa)
Căng thẳng lớp học ở các khu đô thị mới khiến gia đình và cả ngành giáo dục đều lo lắng (ảnh: minh họa)

Áp lực nặng nề

“Áp lực nặng nề về trường lớp học cho các cháu trong mùa tuyển sinh này” là chia sẻ của ông Trương Đức Long, Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) sau vụ đình chỉ 4 cơ sở giáo dục mầm non vì chưa cấp phép ở khu đô thị Tứ Hiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Long cho biết, sau khi sự việc một cháu bé mầm non bị cô giáo tát được báo Dân trí phản ảnh, nhiều cơ quan chức năng vào cuộc và đình chỉ tiếp 3 cơ sở giáo dục chưa được cấp phép ở khu đô thị mới Tứ Hiệp nên việc thiếu lớp học cho trẻ ở khu vực này rất nan giải.

“Hiện trường mầm non công lập của địa bàn chỉ đáp ứng được cho khoảng 200 học sinh/9 lớp. Quanh khu vực này, không có trường mầm non tư thục nào được cấp phép. Vì thế, thiếu chỗ học đang là áp lực nặng nề trong mùa tuyển sinh này”, ông Long cho hay.

Anh Hải, một cư dân có con ở khu đô thị Tứ Hiệp cho biết, sau khi phân tuyến, hiện nay học sinh mầm non ở các trường bị đóng cửa của khu đô thị Tứ Hiệp đã được Lãnh đạo địa phương có công văn hướng dẫn trẻ vào trường công lập gần đó. Một số khác được chuyển sang trường mầm non ngoài công lập thuộc quận Hoàng Mai nhưng có vị trí địa lý khá gần khu đô thị này.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lê, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho hay, cũng giống như một số khu đô thị khác, việc bàn giao nhà cho cư dân trong khi chưa có thêm trường học khiến các cháu rất thiếu chỗ.

“Phòng GD&ĐT cũng đã kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non khu khu đô thị mới Tứ Hiệp. Dự án xây dựng trường mầm non ở đây đã được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa khởi công nên mùa tuyển sinh này, địa phương rất căng thằng chỗ học. Vì vậy, sau khi rà soát danh sách đăng kí của học sinh, Phòng đã xem xét phân tuyến tuyển sinh theo địa bàn để các cháu đều có chỗ học an toàn trong năm học mới”, bà Tuyết Lê chia sẻ.

Ngoài ra, một số quận huyện khác trên địa bàn Hà Nội cũng rơi vào tình trạng thiếu lớp, thiếu trường, nhất là gần khác khu đô thị mới. Chẳng hạn quận Cầu Giấy, ngoài số học sinh của quận, các trường trên địa bàn còn “gánh thêm” học sinh của Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm do hai đơn vị này mới tách ra từ huyện Từ Liêm nên còn thiếu lớp, thiếu trường.

Việc nhiều khu đô thị bàn giao nhà nhưng không có trường học, khiến phụ huynh lao đao (ảnh: minh họa)
Việc nhiều khu đô thị bàn giao nhà nhưng không có trường học, khiến phụ huynh lao đao (ảnh: minh họa)

Trao đổi với chúng tôi về việc một số khu đô thị mới thiếu lớp, thiếu trường và gây áp lực cho ngành giáo dục như huyện Thanh Trì chẳng hạn, bà Hoàng Thị Thanh Hương, Trưởng Phòng GD mầm non (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho rằng, Thanh Trì là một trong những địa phương rất quan tâm đến giáo dục và có tỉ lệ trường chuẩn quốc gia rất cao.

“Tuy nhiên, khi một khu đô thị mới được giao, lượng người dân chuyển về cùng lúc quá đông, việc lo trường lớp ngay lập tức rất khó khăn. Việc xây dựng khu đô thị phải đồng bộ với quy hoạch trường học, nếu không sẽ rất khó khăn cho ngành giáo dục”, bà Hương cho biết.

Trước đó, trong buổi Hội nghị tuyển sinh đầu cấp do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, ông Phạm Văn Đại - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thú nhận, việc tăng trưởng không ngừng các khu đô thị mới gây căng thẳng trường lớp.

Vì thế, để tuyển sinh đầu cấp được tốt, các địa phương cần điều tra cơ bản một cách chính xác vì lượng dân ở Hà Nội và các tỉnh khác di cư, nhập khẩu tương đối nhiều. Nếu công tác điều tra này không làm rõ và không có chuẩn bị cẩn thận sẽ gây lúng túng, Chẳng hạn quận Từ Liêm, Hà Đông… lượng dân mới đổ về rất đông. Vì vậy, điều tra càng cẩn thận bao nhiêu, tuyển sinh càng đạt kết quả cao.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm