Cần Thơ: Hai học sinh chế tạo mô hình lọc nước bảo vệ môi trường
(Dân trí) - Nhận thấy chất thải hóa chất quá nhiều trong giờ học thí nghiệm tại trường làm mất vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ngầm, học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) tìm cách phát minh ra mô hình lọc nước bằng cách cải tiến bồn rửa thông thường thành bồn rửa lọc nước thải phòng thí nghiệm đa tầng.
Mới đây, Sở GD-ĐT Cần Thơ, ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) đã trao bằng khen cho hai em - Đỗ Hồng Xuân (lớp 10A11) và Nguyễn Phúc Hậu (lớp 10 A1) vì đã đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2016 tại Đồng Nai.
Cô Ngô Thị Kim Hậu, giáo viên môn Sinh học Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, người hướng dẫn các em phát minh ra mô hình thành công này chia sẻ: Mô hình lọc nước bằng cách cải tiến bồn rửa thông thường thành bồn rửa lọc nước thải PTN (phòng thí nghiệm) đa tầng của 2 em Xuân và Hậu hạn chế được các chất thải gây ô nhiễm môi trường. Mô hình lọc nước này so với mô hình lọc nước của các công ty xử lý nước thải đang áp dụng, các công ty sản xuất nước uống đóng bình hiện tại thì mô hình lọc nước này có chi phí thấp, lọc chất thải hiệu quả hơn, đặc biệt là cải tiến bồn rửa chén thông thường thành bồn lọc chất thải trong các phòng thí nghiệm.
Hiện tại chưa trường THPT nào có hệ thống lọc chất thải độc hại từ phòng thí nghiệm, thường các chất thải độc hại này được thải trực tiếp ra ao hồ, sông, rạch… mà không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước ngầm mà các hộ gia đình đang xử dụng cho việc sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cấu tạo của mô hình lọc chất thải này rất đơn giản, được sử dụng từ bồn rửa thông thường và được cải tạo một số bộ phận sau: Thay vợt lọc rác của bồn rửa bằng vải lọc để lọc kết tủa và cặn - tái sử dụng bầu xả chính của bồn rửa để làm ống chứa nước thải - hóa chất nhằm các mục đích tiếp tục cho lắng một lần nữa các chất rắn lơ lửng để nước sau khi qua ống lắng sẽ giảm được tối đa chất rắn lơ lửng - điều chỉnh lượng nước xuống lõi lọc để đảm bảo nước qua lõi lọc rất chậm để tăng hiệu quả lọc - ống chứa còn được dùng để chứa đá vôi để trung hòa axit. Lõi lọc là bộ phận quan trọng nhất và được xử dụng các loại (đá ong, than hoạt tính, sơ dừa, cát thạch anh, sỏi nhỏ).Các loại này có khả năng hấp thụ các tạp chất độc hại rất tốt và khử màu, khử mùi hiệu quả.
Các nhà máy thường cho nước thải chứa acid chảy qua tảng đá vôi để trung hòa vì nếu trung hòa bằng sút thì giá thành rất cao và tốn công. Lõi lọc được nối với ống chứa và nước thải sau khi qua lõi lọc sẽ được dẫn đến hệ thống trồng cây xanh để nước thải được tiếp tục hấp thụ một lần nữa. Tùy trường mà có thể sử dụng các dụng cụ để trồng cây khác nhau.
Cũng theo cô Hậu: Mẫu nước khi qua hệ thống xử lý này được gửi kiểm nghiệm ở Trung tâm Quan trắc Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ cho thấy mẫu nước sau lọc có các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép so với quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT đối với nước xả thải.
Cô Hậu cũng cho biết thêm, ngoài thành tích trên thì ở trường các em là những học sinh chăm ngoan, học giỏi, có tính kiên trì và học hỏi nhiều điều về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, yêu thích môn Hóa và Sinh học. Trước khi việc đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Khoa học Kỷ thuật 2016 vừa qua, các em đã giành giải Nhì cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp thành phố năm 2015.
Trần Tuyên