Cần một chiến lược du học

Có bao nhiêu du học sinh tự túc đang học ở các nước? Một câu hỏi rất cần thiết không chỉ với cơ quan quản lý, công ty tư vấn mà cả với đông đảo phụ huynh, học sinh. Thế nhưng tìm được số liệu đáng tin cậy thì hầu như không thể.

Câu chuyện về số liệu nêu trên chỉ là một dẫn chứng cho thấy hiện nay công tác quản lý du học hầu như đang bị thả nổi. Nhà nước chỉ quản lý mảng du học bằng tiền ngân sách hoặc theo các chương trình trao đổi, hợp tác quốc tế. Còn du học tự túc thì nằm ngoài kiểm soát.

Có thể nói việc mở rộng cánh cửa du học đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, tăng cường hội nhập quốc tế, đồng thời tạo ra một thị trường dịch vụ khá sôi động, nhất là vào thời điểm gần cuối năm học. Tuy nhiên, do còn mang tính tự phát cho nên không tránh khỏi những hiện tượng không lành mạnh như: làm hồ sơ giả, tư vấn thiếu trách nhiệm, “đem con bỏ chợ”...

Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu Nhà nước có cần đưa ra những định hướng đối với việc chọn ngành du học? Thực tế, có những ngành rất cần nhân lực lại ít người học (chẳng hạn các ngành khoa học cơ bản, môi trường, luật quốc tế...), trong khi du học sinh lại đổ xô vào học những ngành mà trong nước đã liên kết với nước ngoài để đào tạo (chẳng hạn quản trị kinh doanh, marketing...). Như vậy, tốn kém ngoại tệ rất lớn mà hiệu quả chưa tương xứng.

Theo Giáo sư Huỳnh Ngọc Phiên, cựu Hiệu trưởng trường Công nghệ cao - Viện Công nghệ châu Á (AIT, Bangkok), du học tự túc thì cá nhân tự lo là chính. Tuy nhiên, để tránh tình trạng lãng phí cho cá nhân và xã hội, Nhà nước nên có sự hướng dẫn chọn ngành, chọn trường cho những người muốn đi du học.

Nhà nước cũng nên thông báo rộng rãi nhu cầu về nhân lực của các ngành trong từng giai đoạn, như vậy sẽ giúp du học sinh cân nhắc, chọn lựa ngành học thích hợp. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tập hợp và cung cấp thông tin về học bổng du học ở các nước và cách thức tìm học bổng du học.

Một vấn đề quan trọng khác là làm thế nào để tránh tình trạng du học sinh không quay về làm việc trong nước. Bài học kinh nghiệm của Trung Quốc đã chứng minh cho điều này: từ chỗ phần lớn du học sinh ở lại nước ngoài trong buổi đầu mở cửa đến nay tỷ lệ du học sinh về nước làm việc đã lên đến khoảng 80%.

Tuy nhiên, Giáo sư Phiên cũng lưu ý rằng, trừ một số ngành đặc biệt, còn lại không nhất thiết du học sinh phải quay về làm việc ngay sau khi học. Họ cần có môi trường thích hợp để áp dụng kiến thức đã học, cần có thêm kinh nghiệm làm việc. Sau một thời gian, họ trở nên già dặn, giàu kinh nghiệm và khi đó có thể đóng góp được nhiều hơn khi về làm việc trong nước.

Nhìn xa hơn nữa, du học tự túc gắn liền với vấn đề xuất - nhập khẩu dịch vụ giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa. Từ lâu, nhiều nước xem giáo dục là một sản phẩm dịch vụ có giá trị cao, mang lại nguồn thu lớn khi được xuất khẩu. Không chỉ Mỹ, Anh, Australia, Pháp, New Zealand... mà các nước lân cận Việt Nam như Singapore, Malaysia, Thái Lan gần đây cũng điều chỉnh chính sách, nỗ lực biến mình thành những trung tâm du học quốc tế thu hút đông đảo học sinh các nước, trong đó có Việt Nam.

Malaysia chẳng hạn, hiện nay có khoảng 40.000 du học sinh các nước đến học tập tại nước này. Cho nên vấn đề là cần tính toán giữa việc đi ra nước ngoài du học và du học tại chỗ bằng việc mở cửa cho các trường quốc tế vào liên doanh hoặc mở chi nhánh ở trong nước nhằm hạn chế tình trạng chảy máu chất xám và ngoại tệ. Đó là chưa kể đến khả năng thu hút người đến học tại Việt Nam ở những ngành mà ta có lợi thế như: Việt Nam học, tiếng Việt, y học cổ truyền...

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm