“Cần một chiến lược chấn hưng nền giáo dục nước nhà”
Đã đến lúc cần phải bình tĩnh nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những “cải cách” và “đổi mới” vừa qua để soạn thảo một chiến lược chấn hưng nền giáo dục nước nhà với một tư duy hoàn toàn mới mẻ”, GS. Chu Hảo phát biểu tại hội thảo khoa học về phát triển giáo dục.
Với mong muốn góp phần vào việc chuẩn bị cho cuộc cải cách giáo dục, một số nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã cộng tác với Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam thực hiện đề tài nghiên cứu đề xuất chủ trương, chính sách phát triển giáo dục. Nhìn một cách tổng thể, đề tài nghiên cứu này đã đi sâu vào phân tích những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng giáo dục của Việt Nam “tụt dốc” và chỉ ra rằng ngành giáo dục rất cần một cuộc cải cách mang tính cách mạng toàn diện. Vừa rồi, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học lần thứ tư tại Hà Nội về việc phát triển giáo dục Việt Nam.
Nghịch lý của giáo dục ĐH
Tập trung vào vấn đề giáo dục ĐH, GS. Lâm Quang Thiệp đã chỉ ra những nghịch lý đang tồn tại trong bậc học này. Về phát triển quy mô giáo dục ĐH, GS. Thiệp đưa ra con số thống kê sau 2 năm (2005 – 2007) đã có 97 trường ĐH, CĐ được thành lập. Tính trung bình khoảng 1 tuần có 1 trường ĐH/CĐ ra đời. Trong đó, 3/4 số lượng là trường ĐH và 1/4 là trường CĐ. GS. Thiệp kết luận tốc độ gia tăng của các trường ĐH và CĐ là quá nhanh và một bất hợp lý rất lớn là số trường ĐH lại tăng nhanh gấp 3 lần số trường CĐ, ngoài ra, số trường công tăng nhanh hơn trường tư.
Bên cạnh đó, theo Quyết định của Chính phủ số 1269/CP – KG ngày 6/9/2004 về việc tiếp tục đổi mới mạng lưới các trường ĐH, CĐ đối với 14 trường ĐH trọng điểm và 2 trường ĐH mở ( Viện ĐH Mở Hà Nội và Viện ĐH Mở TP.HCM) thì các trường ĐH trọng điểm quốc gia là các trường chuẩn mực của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ về chất lượng đào tạo, làm chỗ dựa của cả hệ thống trong phương thức đào tạo truyền thống (mặt giáp mặt). Còn hai ĐH mở được định hướng chuyên về giáo dục mở và từ xa. Thế nhưng, các trường trọng điểm không đóng vai trò làm nòng cốt về chất lượng mà vẫn theo trào lưu tăng số lượng sinh viên. Ngay cả hai ĐHQG là các trường được đầu tư của nhà nước cao hơn các trường khác để tạo nên tấm gương về chất lượng cũng không thấp hơn.
Ngược lại, hai ĐH mở là hai trường được nhà nước quy định làm chức năng đào tạo mở và đào tạo từ xa thì lại trở thành các trường ĐH truyền thống bình thường. GS. Lâm Quang Thiệp kết luận, các trường ĐH truyền thống trọng điểm thì có xu hướng muốn trở thành ĐH mở còn các ĐH mở lại trở thành ĐH truyền thống. Hai công cụ quan trọng để đào tạo cho số đông là hệ thống giáo trình tốt đểđào tạo từ xa và hệ thống đánh giá chuẩn mực bằng trắc nghiệm khách quan thì hai ĐH mở chưa xây dựng được. Chất lượng của giáo dục ĐH mới là vấn đề nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi.
GS. Thiệp cho rằng, số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao chất lượng GDĐH thì đội ngũ này của chúng ta đang có vấn đề. Số sinh viên CĐ, ĐH tăng trong hai năm 2005 – 2006 từ 1.363.167 lên 1.540.201 (11%), số lượng giảng viên ĐH, CĐ tăng từ 48.579 lên 53.518 (10%), số tiến sĩ trong đội ngũ giảng viên ĐH, CĐ giảm từ 6.037 xuống 5.882, tỷ lệ sinh viên/giảng viên tăng từ 28% lên 29%, tỷ lệ tiến sĩ/giảng viên giảm từ 10,2% xuống 9,1%. Có thể nói, số lượng sinh viên tăng lên nhưng điều kiện về giảng viên để đảm bảo chất lượng không những không tăng mà còn giảm.
Trong bài phát biểu của mình, GS. Lâm Quang Thiệp còn chỉ ra một loạt những bất cập khác liên quan đến giáo dục ĐH như chương trình đào tạophần “cứng” thì quá lớn, phần “mềm” lại quá nhỏ hay những bất cập trong quan điểm “lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận” đối với trường tư…
Trước những hạn chế đó, GS. Thiệp đưa ra kiến nghị nên dừng chủ trương cho mở quá nhiều trường, đặc biệt là ở cấp ĐH. Nếu cho mở trường, chỉ nên cho mở CĐ theo hướng nghề nghiệp ứng dụng. Cần xây dựng và củng cố (không phá bỏ) hệ thống các trường CĐ cộng đồng với hệ thống chương trình chuyển tiếp và mảng chương trình đào tạo nghề gắn với nhu cầu nghề nghiệp của địa phương.
Bất cập và lạc hậu
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quang Kính, nguyên chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, là một trong những thành viên tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu trong bản tập hợp các ý kiến đóng góp của các nhà giáo, nhà quản lý. Ông Kính nêu: quy mô tuy có tăng nhưng cơ cấu giữa các cấp học và ngành nghề đào tạo còn hình thành một cách tự phát, chưa cân đối theo yêu cầu phát triển xã hội. Chất lượng giáo dục đại trà còn thấp, đặc biệt đáng lo ngại là những yếu kém về phẩm chất đạo đức của bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên.
GS. Chu Hảo bức xúc: Năm 2007 lại là một năm vô cùng đặc biệt. Bộ GD-ĐT đã đề xuất hàng loạt sáng kiến nào là tăng học phí, nào là đào tạo 20.000 tiến sĩ, ĐH đẳng cấp quốc tế, hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên, cổ phần hóa các ĐH công… nhưng hình như dư luận xã hội càng bức xúc hơn và có phản ứng gay gắt hơn. Nhiều ý kiến cho rằng ý nghĩa và mức độ thành công của các cuộc cải cách cũng như các đề án đổi mới kể trên cứ đuối dần, kém dần… |
Về kiến thức, kỹ năng, số đông HS-SV sau khi tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa vì chương trình, giáo trình, SGK còn nặng tính hàn lâm, thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và có khoảng cách khá xa so với thành tựu khoa học công nghệ... Bất cập đối với yêu cầu của cuộc sống hiện tại và càng bất cập đối với yêu cầu phát triển của đất nước trong tương lai. Lạc hậu khi so với mô hình giáo dục đã bị nhiều nước loại bỏ và càng lạc hậu so với mô hình giáo dục đang được các nước phát triển tạo lập hoặc hướng tới. Kết quả là, hầu như tất cả các lĩnh vực hoạt động đều thiếu nhân lực có tay nghề, thiếu chuyên gia giỏi và thiếu các nhà quản lý chuyên nghiệp.
Trong bản báo cáo của mình, ông Kính cũng đưa ra kiến nghị cần thành lập ủy ban cải cách giáo dục trực thuộc Thủ tướng Chính phủ để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc soạn thảo đề án cải cách giáo dục.
Từ những bất cập này, GS. Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ KHCN và là giám đốc NXB Trí Thức khẳng định đã đến lúc cần phải bình tĩnh nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những “cải cách” và “đổi mới” vừa qua để soạn thảo một chiến lược chấn hưng nền giáo dục nước nhà với một tư duy hoàn toàn mới mẻ.
Theo phân tích của GS. Chu Hảo, bắt đầu từ thời kỳ đổi mới cho đến nay chưa có một cuộc cải cách (giáo dục - PV) nào được chuẩn bị một cách có hệ thống và được công bố chính thức. Cuộc thử nghiệm khá bài bản trên địa bàn khá rộng của đề tài cấp nhà nước với mã số 87 – 54 – 026: “mô hình nhà trường tổ chức sự phát triển tối ưu của trẻ em Việt Nam hiện tại bằng giáo dục thực nghiệm” nhưng từ 1995, cuộc thử nghiệm này đã phải ngừng lại vì nhiều ý kiến bất đồng. Sau đó chỉ có các “đề án đổi mới” riêng rẽ được thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 14 (1979) của Bộ Chính trị, Nghị quyết 40 và 41 (2000) của Quốc hội và gần đây nhất là Nghị quyết 05 (2005) của Chính phủ. Tiếc thay, các “đề án đổi mới” này về phân ban, về chế độ thi cử, về chương trình và SGK… theo GS. Hảo đánh giá là Bộ GD-ĐT triển khai một cách vội vã, chắp vá, thiếu khoa học, kém hiệu quả và rất lãng phí.
GS. Hảo cũng cho rằng phải nhanh chóng bỏ qua giai đoạn “loay hoay cải tiến cái đèn dầu” để bước sang thời kỳ “sáng tạo ra ánh sáng điện” thì mới có thể mang lại hồng phúc cho nước nhà. Trách nhiệm này đặt nặng trên vai trí thức Việt Nam, nhất định phải hoàn thành và chỉ có thể hoàn thành bằng loại tư duy mới ấy mà thôi.