Cần chuẩn bị gì nếu lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc năm 2025?

Mỹ Hà

(Dân trí) - Theo Bộ GD&ĐT, dự kiến lịch sử sẽ là môn bắt buộc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Nhiều người ủng hộ phương án này và cho rằng, phải cải tổ từ dạy học đến xét tuyển đại học.

Cải tổ phương pháp dạy

Trao đổi với PV Dân trí ngày 20/2, thầy Phạm Văn Giềng, giáo viên môn lịch sử, Trường phổ thông liên cấp Phenikaa ủng hộ việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến đưa môn lịch sử vào làm môn thi bắt buộc ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025 và sẽ có một số vấn đề cần lưu tâm. 

Thứ nhất những năm gần đây, điểm thi của môn lịch sử chưa được tốt lắm. Mặc dù một năm qua, kết quả đã có cải thiện nhưng để đánh giá thực chất, theo thầy Giềng, cần thời gian mới xác định được. Và do đó, việc đánh giá kết quả cũng như ra đề thi trong thời gian tới phải khác.

Cần chuẩn bị gì nếu lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc năm 2025? - 1

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Cụ thể, hiện Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, học sinh sẽ thi để đánh giá 3 năng lực cụ thể. Nhưng để đánh giá 3 năng lực cụ thể đó, không thể bằng phương pháp thi trắc nghiệm. Như vậy, dạng đề thi đưa ra vừa trắc nghiệm vừa phải có cả tự luận.

"Đối với học sinh học khối tự nhiên có thể giải quyết được vấn đề trắc nghiệm nhưng để giải quyết được vấn đề tự luận ở mức độ cao thì sẽ khó khăn.

Nên tôi cho rằng việc phân hóa khi ra đề thi phải khác, đồng thời yêu cầu thầy cô phải thay đổi cách dạy.

Chẳng hạn ở trường tôi hiện nay có 3 bộ sách giáo khoa. Một mặt giáo viên bám vào tư liệu của các bộ sách, mặt khác có thể tìm kiếm cả tư liệu bên ngoài nên vai trò của cá nhân giáo viên rất quan trọng.

Thầy cô có năng lực, học sinh có lợi và ngược lại. Điều đó đặt lên vai người dạy trách nhiệm cập nhật kiến thức thì học sinh mới tốt hơn", thầy Giềng cho hay.

Cần chuẩn bị gì nếu lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc năm 2025? - 2

Học sinh phổ thông tại Hà Nội (Ảnh: Đình Cường).

Cần thêm nhiều tổ hợp có môn sử khi xét tuyển

Chia sẻ với PV Dân trí, Hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, ở trường mình hiện nay có nhiều học sinh lựa chọn tổ hợp có môn sử nên nếu môn này đưa vào thi chính thức thì học sinh không quá bất ngờ.

Điều hiệu trưởng này quan tâm nhất là việc xét tuyển đại học sẽ thêm tổ hợp có môn sử hay không? Như vậy mới công bằng với học sinh, để các em có thêm nhiều cơ hội xét tuyển giống các môn học khác.

Còn theo thầy Giềng, hiện ở Trường Phenikaa chưa có khối 12 nhưng ở khối 10, khoảng 50% học sinh lựa chọn học sử và khá tự tin.

Điểm thi sử của học sinh thời gian vừa qua rất tốt, nhất là ở chương trình phổ thông mới, môn sử có cách tiếp cận rất phù hợp nên học sinh khá thích thú.

Về việc xét tuyển đại học, thầy giáo này cho hay, hiện có nhiều trường đại học có tổ hợp môn lịch sử để xét tuyển, chiếm khoảng 1/6 các môn thi.

"Theo xu hướng, các trường cũng sẽ mở rộng việc xét tuyển. Khi môn sử được thay đổi cách tiếp cận, bộ môn này sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề nên có thể không lo lắng việc thiếu tổ hợp xét tuyển có môn sử", thầy Giềng nói.

Trao đổi thêm với PV Dân trí ngày 21/2, PGS.TS sử học Nghiêm Đình Vỳ, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thành viên nhóm biên soạn Chương trình SGK mới cũng rất ủng hộ phương án dự kiến đưa lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Theo chuyên gia này, thời gian qua nhiều người đã chỉ ra những điểm quan trọng của môn lịch sử. Bản thân ông cũng rất hoan nghênh phương án này.

Điều chuyên gia mong muốn là việc thay đổi môn thi cũng nên đi kèm với việc thay đổi trong xét tuyển đại học, nghĩa là cần có thêm nhiều tổ hợp có môn lịch sử để học sinh lựa chọn, nếu không sẽ không tương thích với tầm quan trọng của môn học.