Quảng Ngãi:

Cảm thương 2 học sinh khuyết tật vượt khó đến trường

(Dân trí) - Mang trên mình nỗi đau khuyết tật trí tuệ, cuộc sống biết bao khó khăn nhưng hai em Nguyễn Văn Tại và em Phạm Văn Tiến (cùng học lớp 6D, Trường THCS Nghĩa Thương (xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) vẫn bám trường, bám lớp.

Những đứa trẻ kém may mắn 

Học cùng một lớp, hai cậu bé có những điều không may khác nhau. Em Nguyễn Văn Tại (13 tuổi), thôn La Hà 4, xã Nghĩa Thương hiện sống với ông bà ngoại, ông Lê Một và bà Trần Thị Lại, ngoài 65 tuổi. Từ khi chưa sinh con, chị Lê Thị Thu - mẹ em Tài đã bị cha em phụ bạc...

Đón đứa cháu đầu tiên, ông bà ngoại em Tại vừa mừng lại vừa lo, cuộc sống với ông bà chỉ có mảnh vườn, vài sào ruộng và mấy con vịt, chẳng biết phải trông chờ vào đâu.

Chị Thu đi lấy chồng khác nhưng cuộc sống không mấy hạnh phúc. Và thêm điều không may nữa là em Tại bắt đầu có những triệu chứng không bình thường.

Ông Một kể: "Hồi thằng Tại chưa đầy 2 tuổi, chơi rồi bị chó cắn ở đùi, lại bị người ta ném đá trúng đầu. Từ đó, trí nhớ của cháu bắt đầu bất thường. Khi cháu đến trường, đến lớp, đường đi không nhớ, con chữ lại càng khó hơn. Tôi dẫn cháu đi khám, người ta bảo nó bị khuyết tật trí tuệ".

Đoạn nói rồi, ông Một chỉ biết thở dài, chị Thu chỉ làm ruộng phụ cha, chồng chị làm thợ xây, cuộc sống biết hôm nay chẳng biết ngày mai...
 
Em Nguyễn Văn Tại ngồi học
Em Nguyễn Văn Tại ngồi học.

Cùng lớp em Tại có em Phạm Văn Tiến (13 tuổi) ở thôn La Hà 2, xã Nghĩa Thương, cũng sống cùng ông bà nội, cuộc sống cũng có nhiều điều không may.

Mẹ em Tiến, chị Phạm Thị Luận (41 tuổi) bị khuyết tật vận động, đi chân thấp chân cao, còn người cha, anh Phạm Đình Vũ (43 tuổi) làm công nhân, lương không đủ cất nhà riêng. Cuối cùng, cả ông bà, con cháu sống cùng trong một căn nhà nhỏ từ thời ông cố để lại.

Em Tiến vừa sinh ra đã khuyết tật trí tuệ bẩm sinh. Ông nội em, Phạm Chí (83 tuổi) nói: "Hồi đi khám, biết nó bị như vậy, vợ chồng con Luận không dám sinh đứa thứ hai, hai vợ chồng làm không đủ ăn, người làm ruộng, đứa làm công nhân".

Nhà nuôi vài con heo, gọi là làm kinh tế, ông nội vừa cắt rau cho heo ăn vừa nói: "Kể như hai vợ chồng đi cả ngày, tôi vừa lo bữa ăn cho thằng cháu Tiến vừa lo việc học của nó. Khổ nổi lúc nó lúc nhớ lúc quên, còn tôi cũng già rồi chẳng thể giúp nó đường học nổi".

Từ ngày Tiến bước chân vào mẫu giáo, cũng là những ngày mẹ em và ông nội thay nhau chở tới trường, đón về nhà vì lo đứa cháu quên đường về.

Cứ sáng sớm, người ta lại thấy một người mẹ chân đi khập khiễng, bước cao, bước thấp, ngồi trên chiếc xe đạp, sau lưng là đứa con trai khuyết tật, cứ đùa trên lưng mẹ đến trường.

Vẫn "bám" con chữ

Lại nhắc em Nguyễn Văn Tại, nhiều người cùng thôn vẫn hay khen em có biệt tài bắt rắn mối và nhổ lông gà, vịt để kiếm tiền ăn học. Em Tại cho biết: "Hồi trước, em đi với các anh chị bắt rắn mối, nên em cũng bắt chước theo, rồi em học cả nhổ lông gà, vịt, cứ ai nhờ là em làm giúp".

Ông Một nói: "Nó biết bắt rắn mối từ lúc nó học lớp 4, cứ khoảng mặt trời mọc, nó lại mang rổ đi bắt rắn mối, nó đi bắt một buổi, học một buổi. Ngoài ra, cứ không đi bắt rắn mối nó lại đi làm ruộng cùng với tôi". Mỗi con rắn mối bán với giá 10-20 nghìn đồng, nhổ lông một con gà, vịt, người ta trả 10 nghìn đồng. Nhưng em Tại vẫn cố gắng đi bắt rắn mối và giúp hàng xóm.

Và hằng ngày, em Tại vẫn đến trường, tự mình đạp xe đi. "Em viết được chữ không", tôi hỏi, em Tại trả lời: "Em viết lại theo sách giáo khoa thì được và viết được những câu đơn giản, còn tính toán thì em làm không được".

Ước vọng chữa khỏi bệnh, ông Một vẫn mong muốn đưa cháu mình đi khám nhiều nơi. Ông nói:  "Tôi tính đặng khi nào có ít tiền, đưa nó đi Sài Gòn cho bác sĩ khám xem có giúp được gì không".

Còn em Phạm Văn Tiến bị khuyết tật trí tuệ, lúc nhớ lúc không, dù nhà cách trường chỉ 1km, nhưng em không thể nhớ được đường đi, ông Chí nói: "Mẹ nó cứ 5 giờ sáng lại chở con đến trường rồi đi làm, còn trưa về ngang qua đón, có khi tôi đến chở về".

Em Phạm Văn Tiến viết chữ
Em Phạm Văn Tiến viết chữ.

Chia sẻ về ước mơ của mình, em Tiến nhìn mãi một hồi rồi nói: "Em không biết". Còn đối với ông Chí, việc dẫn cháu đến trường chỉ với mong muốn cho cháu mình bằng bạn bè nó, hòa nhập cộng đồng.

"Tôi còn sống ngày nào, thì Tiến ở với tôi ngày đó, chuyện tương lai vẫn mù mịt lắm" - ông Chí ngậm ngùi.

Nhận xét về hai em học sinh khuyết tật, cô Lê Thị Sang - giáo viên chủ nhiệm lớp 6D, Trường THCS Nghĩa Thương cho biết: "Hai em Tiến và Tài đều khuyết tật trí tuệ, gia đình hết sức khó khăn, phải sống với ông bà, Tài đi bắt lươn để bán kiếm tiền, còn Tiến không nhớ đường đi, nên mẹ vẫn chở hằng ngày. Nhà trường, thầy cô đều cố gắng giúp đỡ các em. Hai em được miễn học phí, còn học thêm cũng không thu tiền".

Nguyễn Trang