“Cắm” sổ đỏ nuôi 3 con học đại học

(Dân trí) - Người dân xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) ai cũng tấm tắc khâm phục tinh thần vượt khó, gương hiếu học của gia đình chị Nguyễn Thị Quý. Nhà nghèo, đông con, nhưng bằng nghị lực và quyết tâm, anh chị đã nuôi 6 người con ăn học thành tài.

Để có thu nhập nuôi con ăn học, hai vợ chồng anh chị không quản vất vả, làm việc không lúc nào ngơi nghỉ. Ngoài tần tảo ruộng đồng, hai vợ chồng còn đi làm thuê làm mướn ở nhiều nơi. Vì lao động quá sức, chị Nguyễn Thị Quý đã đổ bệnh.

 

Căn bệnh đau khớp và bệnh thận đã khiến chị ngày càng yếu và phải nằm viện nên số tiền ít ỏi mà hai vợ chồng kiếm được không đủ lo viện phí và thuốc thang cho chị. Những đứa con học giỏi đành đứng trước nguy cơ thất học.

 

Trong tình thế khốn khó đó, hai vợ chồng bàn với nhau đi vay ngân hàng. “Để vay được tiền, anh Sản phải mang sổ đỏ của gia đình ra thế chấp. Ngân hàng cho vay 30 triệu, mổ thận cho tôi hết 15 triệu rồi” - chị Quý kể. Số tiền 15 triệu còn lại, anh chị đầu tư vào nuôi bò, heo để có tiền trả lãi và cho mấy đứa ăn học.

 

Không phụ lại sự sự cực nhọc và kỳ vọng của cha mẹ, cả 6 người con của anh chị đều chăm ngoan và học giỏi. Niềm vui đầu tiên đến với gia đình anh chị khi năm 1997, người con trai đầu Hoàng Đình Bình thi đỗ ngành Kế toán trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng

 

Khi Bình đang học năm 2 thì người em Hoàng Đình Hùng lại thi đỗ vào ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Một năm sau, người em kế tiếp Hoàng Đình Lập cũng đỗ vào trường này.

 

Không thua kém 3 người anh của mình, Hoàng Đình Thìn đang học lớp 12, Hoàng Thị Hồng lớp 9 và Hoàng Đình Trí lớp 8 đều là những học sinh giỏi xuất sắc.

 

Nhưng đằng niềm vui vì 6 đứa con học giỏi, khó khăn cũng ngày càng chồng chất lên vai đôi vợ chồng nghèo. Hoàn cảnh càng ngặt nghèo hơn khi bệnh khớp của chị Quý ngày càng nặng.

 

“Trong ngặt nghèo, vợ chồng lại động viên nhau cùng cố gắng. Anh Sản đi làm cửu vạn ở mãi cửa khẩu Lao Bảo, nhiều năm sang tận Lào làm thuê để kiếm tiền gửi về cho con ăn học. Tôi ở nhà lo chuyện đồng áng, chăm sóc đàn lợn và mấy con bò kiếm thêm tiền” - chị Quý kể.

 

Vượt qua rất nhiều khó khăn, đến nay, con trai đầu Hoàng Đình Bình đã ra trường làm kế toán ở Phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện Hướng Hóa; Hoàng Đình Hùng là kỹ sư cầu đường ở Huế và Hoàng Đình Lập vừa tốt nghiệp đã được Công ty Tư vấn xây dựng cầu đường ở Đông Hà nhận vào làm.

 

“Vẫn còn 3 đứa nữa chưa vô đại học, khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng chắc chắn vợ chồng tui sẽ làm được” - chị Quý nói đầy tin tưởng.

Trần Hòe - Trần Linh