Cảm phục nữ thủ khoa đạt 9,5 điểm môn Sử
(Dân trí)- Đỗ thủ khoa Học viện Hành chính quốc gia TPHCM với 22,5 điểm không phải là một điểm số quá cao. Nhưng Tôn Nữ Thùy Linh lại gây ấn tượng với điểm thi môn Lịch sử thuộc hàng cao nhất nước: 9,5 điểm. Nữ thủ khoa này cũng là một tấm gương vượt khó học giỏi.
Tôn Nữ Thùy Linh - thủ khoa Học viện Hành chính quốc gia TPHCM gây ấn tượng với 9,5 điểm môn Lịch sử.
Thủ khoa Tôn Nữ Thùy Linh thẳng thắn trải lòng: “Theo dõi thông tin trên báo chí, trước thực trạng điểm thi môn Sử thấp, em thấy đây là thực trạng cần cảnh báo. Khi mà học lịch sử chính là tìm về cội nguồn. Nhưng nhiều bạn học sinh hiện nay coi thường môn Sử. Thậm chí, thật buồn, có nhiều bạn theo học các môn tự nhiên và chê hẳn môn Sử cũng như các bạn theo chuyên môn xã hội.”. |
Phương pháp học của em là học hiểu để qua đó hệ thống hóa kiến thức theo trình tự qua các thời kỳ lịch sử. Từ đó, khắc sâu kiến thức qua tìm hiểu kỹ từng sự kiện trong hệ thống kiến thức của bộ môn.”.
Với nữ thủ khoa đạt 9,5 điểm Sử, môn Sử là một môn cần đến tư duy chứ không phải chỉ học thuộc lòng. Linh lấy ví dụ ngay trong đề thi Lịch sử năm nay: “Với câu hỏi về sự kiện hoàn thành căn bản nhiệm vụ “đánh cho Mĩ cút” (giai đoạn 1954-1975) của nhân dân Việt Nam, nếu học chưa tới, thí sinh dễ nhầm dẫn các sự kiện các trận chiến, nhưng thấu đáo sẽ xác định được đề yêu cầu kiến thức về việc ký kết Hiệp định Pari năm 1973”.
Đường đến trường còn những âu lo...
Kể về cô học trò Thùy Linh, thầy Đặng Công Thành, giáo viên bộ môn Sử, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ: “Thùy Linh là học sinh rất chịu khó tìm tòi kiến thức liên quan bên ngoài bài giảng ở trường và em có lòng đam mê, có phương pháp học tập tốt. Một điều đáng quý ở Linh là em đã vượt qua hoàn cảnh còn nhiều khó khăn để học và học rất tốt”.
Đường từ trường về đến nhà Linh (tổ 26, phường Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) xa chừng 16km. Vậy nhưng suốt 3 năm học, Linh có tiếng là học sinh chuyên cần, ngày 2 buổi đều đặn đạp xe đi về. “Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa thì đường xa lầy lội cực lắm” - chị gái Linh kể. Nhưng Linh chỉ cười hiền “Đi hoài thấy quen nên em không thấy nhọc chi. Đến học kỳ 2 năm 12, trường có chỗ cho học sinh trong ký túc xá, nên em cũng đỡ nhiều”.
Mùa hè của Linh sau những ngày miệt mài kinh sử đi thi là phụ ba mẹ việc nhà, ra ruộng, ra vườn thu hoạch vụ mùa như Linh vẫn thường tranh thủ làm giữa những buổi học. Ngoài giờ học ở trường, Linh chưa bao giờ đi học thêm.
Sau giờ học ở trường, Thùy Linh chưa bao giờ đi học thêm mà tranh thủ làm ruộng, làm vườn phụ giúp gia đình.
Nhà có 7 anh chị em. Các anh chị lớn đã trưởng thành, còn Linh và chị gái song sinh tên Ái Linh. Bác Tôn Thất Liệu, ba Linh, năm nay đã sắp 70 tuổi, do tai nạn dẫm phải mìn, bác bị thương mất một chân từ hồi còn trẻ, không lao động nặng được. Cả nhà trông vào 3 sào ruộng, một mình mẹ Linh quán xuyến. Nên từ nhỏ, chị em Linh đã ý thức tranh thủ ngoài giờ học là tất bật việc nhà phụ giúp gia đình.
Linh đỗ thủ khoa, cả nhà mừng nhưng nghe hỏi đến dự tính lo cho Linh vào Sài Gòn nhập học, mẹ em không giấu được âu lo rớt nước mắt: “Bé Linh nói ba mẹ yên tâm vì hiện nay sinh vên nghèo được vay tiền đi học. Nhưng trước mắt thì chưa biết làm sao lo hành trang cho con vào Sài Gòn nhập trường. Chị song sinh của Linh không thi đỗ đúng ngành nguyện vọng nhưng cũng xin gia đình nộp đơn đăng ký xét tuyển vào ĐH Sư phạm Huế. Hai đứa cùng đi học đại học một lần rồi ra không biết lo liệu thế nào…”.
Ba mẹ Linh không giấu được nỗi âu lo khi nghĩ đến ngày nhập trường sắp đến của con.
Trước nỗi âu lo của ba mẹ, Linh chia sẻ quyết tâm: “Nhập trường sẽ có nhiều bỡ ngỡ nên em chưa tính ngay được. Nhưng ổn định, em sẽ kiếm việc làm thêm để trang trải việc học trong thành phố. Em nghĩ mình chịu khó được”.
Cô bạn thủ khoa Học viện Hành chính quốc gia - TPHCM thực sự không chỉ gây ấn tượng với 9,5 điểm Sử mà còn khiến mọi người biết đến hoàn cảnh khó khăn của em thêm cảm phục nghị lực vượt khó đằng sau những thành tích học tập đáng nể.
Khánh Hiền