Cảm phục những người trẻ gieo chữ giữa đại ngàn

(Dân trí) - Ở vùng biên giới xa xăm của huyện nghèo Dakrong, Quảng Trị, có những người trẻ đang hiến dâng tuổi thanh xuân mang cái chữ đến cho đồng bào dân tộc Vân Kiều. Nhờ sự tận tình của các giáo viên Trường THCS Pa Nang, giờ đây trong thôn bản đã có người học ĐH.

Pa Nang là một trong những xã nghèo nhất của huyện nghèo Dakrong, Quảng Trị. Nằm bên cạnh dãy Trường Sơn và dòng sông Dakrong hùng vĩ, Pa Nang heo hút trong cái lạnh về đêm và những cơn gió Lào chướng rát mặt buổi ngày. Ở nơi biên giới xa xăm đó, có những người trẻ đã và đang hiến dâng tuổi thanh xuân để mang cái chữ đến cho đồng bào dân tộc Vân Kiều.
 
Pả Bình, chủ tịch xã Pa Nang, cho biết: “Pa Nang là xã nghèo của huyện Dakrong nghèo nhất Quảng Trị, đa phần con em dân tộc Vân Kiều ở đây còn nghèo khổ, cái đói, cái dốt vẫn còn đeo bám quanh làng. Các thầy tình nguyện hy sinh tuổi trẻ lên giúp làng, giúp bản nên đồng bào ai ai cũng quý…” 
 
Cảm phục những người trẻ gieo chữ giữa đại ngàn - 1
Trường THCS Pa Nang nằm chênh vênh trên ngọn đồi. (Ảnh: Phạm Lê)

Câu chuyện đau lòng bên dòng A La

Người dân ở thôn A La, xã Pa Nang đến bây giờ vẫn chưa quên được buổi tối kinh hoàng tháng 10 năm 2007. Đêm đó lũ về, nước dâng ngập cầu A La. Thầy Nguyễn Tân Quang, giáo viên trường THCS Pa Nang, sau khi dạy cho các em ở thôn A La phải vượt suối để lên Tà Rẹc kịp buổi dạy ngày mai. Dân làng cản thầy vì sợ nước lũ về, không an toàn cho thầy khi vượt suối. Thế nhưng thầy Quang cùng một người đồng nghiệp nhất quyết vượt lũ. Mỗi người ôm một cái phao lấy từ ruột lốp ô tô, đi cùng một thanh niên Vân Kiều. Tối hôm đó, cả bản A La đang chìm trong giấc ngủ thì bỗng tiếng kêu cứu vang lên vọng giữa bóng tối núi rừng. Lũ làng đổ xuống suối thì thấy nước lũ từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, bóng đêm đen đặc chỉ còn nghe tiếng nước chảy ầm ầm.

Anh Hồ Văn Thịnh, Bí thư xã đoàn ngậm ngùi hồi tưởng: “Đêm đó, sau khi cứu được thầy Quảng và thằng Mới, tôi cùng anh em bám lũ men về xuôi tìm thầy Quang. Đến gần sáng, xuôi về gần cầu Đá Đỏ, cách A La khoảng 5km thì gặp thi thể thầy Quang mắc lại giữa hai tảng đá. Tôi bật khóc ngay khi vừa trông thấy thi thể thầy”.

Cảm phục những người trẻ gieo chữ giữa đại ngàn - 2
Con suối A La nơi thầy Quang mất, hàng ngày dân làng vẫn đến thắp nén nhang cho thầy. (Ảnh: Phạm Lê)

Thầy Hồ Ngọc Song, hiệu trưởng Trường THCS Pa Nang kể trong tiếng nấc: “Buổi sáng đó mình cầm tờ quyết định thăng lên hiệu phó báo mừng cho Quang thì nhận được tin Quang ra đi. Ở nơi xa xôi này, anh em người Kinh chỉ đếm trên đầu ngón tay, quý nhau hơn ruột thịt. Quang là một trong những người đầu tiên tình nguyện lên đây. Bà con ai cũng thương Quang. Cũng tội chị vợ Quang, mới lấy nhau được hai tháng, tình nguyện theo chồng lên đây, giờ thì vò võ một mình, lại còn cha mẹ già yếu ở quê…”.

Tìm về nhà thầy Quang ở Cam Lộ, Quảng Trị, chúng tôi gặp được bố thầy. Nhìn bức ảnh cưới của con trai, ông bùi ngùi: “Không ngờ ảnh cưới cũng là bức di ảnh của nó. Cả đời lặn lội trên rừng núi, mãi mới cưới vợ được hai tháng thì…”.

Chuyện đời cõng chữ lên non

Quanh câu chuyện về thầy Quang, chúng tôi thêm đồng cảm với những người giáo viên tình nguyện dâng tuổi thanh xuân mang cái chữ đến chốn núi rừng biên giới. Thầy Trần Văn Triều - tổng phụ trách đội, giáo viên thôn Tà Rẹc, người gắn bó hơn 10 năm với mảnh đất này, kể mới cách đây mấy năm, để đến trường dạy học, các thầy phải ôm phao vượt sông, vượt suối. Những ngày lũ hay mùa giáp hạt, các thầy phải đến từng nhà, vận động bà con cho con em đi học. Có nhà thiếu ăn các thầy phải gom góp giúp đỡ để cái bụng dân được no, dân làng mới tin, mới cho con đến lớp.

Trẻ con Vân Kiều từ nhỏ đã quen với cái rựa, tấm lưới, bắt chúng cầm cây bút, viết cái chữ mà chúng chưa bao giờ được nghe thật khó vô cùng. Để hiểu bà con, để được dân tin dân quý, phải ăn ở, phải sống theo phong tục của người trên này.

Cảm phục những người trẻ gieo chữ giữa đại ngàn - 3
Lớp học luôn vắng dù các thầy đã đến từng nhà vận động các em đi học. (Ảnh: Phạm Lê)

Khi nhắc đến chuyện gia đình, các thầy ai nấy đều im lặng, đôi mắt xa xăm nhìn vào khoảng không đại ngàn. Thầy Triều chỉ vào cánh cửa, nơi một sợi dây buộc vào chiếc điện thoại di động: “Đó là vị trí duy nhất có sóng Viettel của cả cái thôn này, tuy nhiên cũng chập chờn. Mọi người thay nhau buộc điện thoại một buổi. Ở đây chỉ toàn giáo viên nam, con gái Vân Kiều thì mới 13 - 14 tuổi đã lấy chồng, suốt ngày ở trên nương rẫy. Nhiều khi có đoàn dưới xuôi lên thăm, thấy các cô mà muốn ôm chầm lấy, cái ôm vì thiếu tình bạn, thiếu tình người”, thầy cười buồn.

Hồ Văn Hòa, phó bí thư xã Pa Nang kiêm chức danh nhân viên hỗ trợ giáo viên, ngậm ngùi hồi tưởng: “Những ngày đầu các thầy mới lên, một tiếng Vân Kiều bẻ đôi cũng không biết, không những lũ trẻ con mà ngay cả người lớn cũng không dám đến gần các thầy. Mình vừa đi vận động cho bà con, vừa lên rẫy, xuống suối kéo tụi nhỏ vô lớp. Vậy mà giờ đây trong thôn đã có người học đại học...”

Đêm giữa đại ngàn cả bầu trời sao như lơ lửng trên đầu. Các thầy bảo chỉ cần xuôi hết dòng Dakrong về đồng bằng thì sẽ chẳng tìm thấy bầu trời đêm nào đẹp hơn ở đây nữa. Đêm Trường Sơn chỉ còn tiếng guitar là món ăn tinh thần duy nhất, day dứt và cồn cào những người giáo viên trẻ tuổi xa nhà. Những bài hát lẫn lộn tiếng Kinh và tiếng Vân Kiều, như sự hoà trộn tấm lòng của hai miền xuôi - ngược.

Phạm Lê

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm