Cảm phục hai chị em đến trường trên một đôi chân

(Dân trí) - Thương em trai bị liệt hai chân, em Nguyễn Thị Cẩm xin thầy cô ở lại lớp 2 năm để học chung với em trai. Từ đó, hai chị em đến trường trên một “đôi chân” và dù gia đình khó khăn nhưng năm nào hai chị em Cẩm cũng đạt học sinh giỏi.

Lâu nay, người dân xã Bình Trưng (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã quen thuộc với hình ảnh em Nguyễn Thị Cẩm cõng em trai bị liệt hai chân Nguyễn Hữu Lai ngày hai buổi đến trường. Đến năm học cấp 2 (hiện hai chị em Cẩm đang học lớp 8A9 Trường THCS Đưỡng Điềm), cảm cảnh đến trường vất vã của hai chị em Cẩm nên một cô giáo tặng một chiếc xe đạp để hai chị em đèo nhau đến trường.

Nhớ lại chuyện trước đây, chị Lâm Thị Rơn - mẹ em Cẩm và Lai kể: “Ngay từ nhỏ, hai chân của cháu Lai không bình thường, bàn chân thường bị co giật, run rẩy và cứ teo dần… Gia đình nghèo lắm nhưng cũng chạy vay hỏi tiền đưa cháu Lai đi chữa trị nhưng “tiền mất tật mang” và cuối cùng hai chân cháu Lai bị liệt như bây giờ.”

Lớn lên, đôi chân em Lai cứ teo dần, khi di chuyển phải lết bằng đôi đầu gối và đôi tay hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác. Nhìn hai đầu gối và bàn tay của con trai xơ cứng, nhiều khi phải tóe máu vì phải bò lết, ba mẹ cháu Lai cũng đau lòng lắm nhưng vì “lực bất tòng tâm”.

Khi đến tuổi vào lớp 1, cháu Lai cứ khóc và đòi bằng được cho đi học. Để chiều lòng con, gia đình đưa em Lai đến lớp nhưng chẳng hy vọng gì cậu bé sẽ cố gắng bám trụ được. Thế nhưng càng học, cháu càng đam mê và học giỏi. Hết cấp 1, năm nào Lai cũng được xếp loại học sinh giỏi.

Thương em trai tật nguyền, em Cẩm (
Thương em trai tật nguyền, em Cẩm (đứng giữa) xin ở lại lớp để để học chung với Lai và cõng em đến trường.
 
Ba mẹ Lai suốt ngày bận rộn với công việc làm thuê nên việc đưa đón Lai đi học đều do một tay em Cẩm đưa đón. Lúc Lai học cấp 1, trường học gần nhà nên hàng ngày Cẩm thay cha mẹ cõng em đến trường. Từ đó hai chị em Cẩm đến trường trên cùng một “đôi chân”, bà con trong xóm ai cũng cảm phục tinh thần hiếu học và chịu khó của hai chị em Cẩm.
 

Sau khi bài viết được đăng trên báo điện tử Dân trí, đông đảo độc giả gửi bình luận ngỏ ý muốn động viên hai chị em Cẩm và Lai. Chúng tôi xin đăng số điện thoại của gia đình hai em để độc giá có thể chia sẻ. Số điện thoại của gia đình em Cẩm và Lai là: 073 6525 875

Đến khi lên lớp 6, trường học cách xa nhà nên việc đến trường của hai chị em ngày càng vất vả hơn. Mỗi ngày, cõng em trên lưng cả đi lẫn về hơn 10km, có khi đến lớp, mồ hôi của Cẩm vã ra như tắm.

Thấy Cẩm quá vất vã, một cô giáo trường THCS Dưỡng Điềm tặng cho hai chị em Cẩm một chiếc xe đạp, nhờ đó việc đến trường của hai chị em Cẩm có phần đỡ vất vã hơn trước. Tuy nhiên, từ cổng trường đến lớp là một quãng khá xa, Lai thì một ngày một lớn, vóc dáng con gái nhỏ bé của Cẩm như càng bé nhỏ hơn khi bị bóng Lai che khuất. Bởi vậy, 2 năm nay ngoài đôi chân của Cẩm đưa em Lai đến lớp còn nhờ bạn Phạm Minh Tuấn - học cùng lớp trợ giúp.

Nhưng điều làm bà con và thầy cô giáo cảm động nhất là việc Cẩm xin nhà trường cho mình “được” ở lại lớp, mặc dù Cẩm học rất giỏi. Chị Rơn cho biết: “Vợ chồng tui làm từ sáng đến tối mà cái ăn vẫn lo chưa xong cho mấy đứa nhỏ. Tui bàn với cha cháu cho cháu Lai nghỉ học vì không ai đưa cháu đến lớp. Lúc đó, cháu Cẩm nghe được nên cháu xin nhà trường cho ở lại lớp để học chung với cháu Lai rồi cõng em nó đến trường.”

Thương em trai tật nguyền, em Cẩm (
Hồi học cấp 1 hàng ngày Cẩm phải cõng Lai đến trường. Nhưng giờ Lai lớn hơn, Cẩm phải nhờ bạn Minh Tuấn gánh lấy việc này.

Nhận xét về hai chị em Cẩm, cô Nguyễn Thị Lan - chủ nhiệm lớp 8A9 nhận xét: “Hai chị em Cẩm, Lai rất chăm ngoan. Đặc biệt là Lai rất lạc quan, biết vượt lên bệnh tật để học tốt. Hai chị em Cẩm, Lai là tấm gương điển hình về cách cư xử và yêu thương nhau, nhất là giúp đỡ những người bị tàn tật… không chỉ cho lớp, cho trường mà còn cho cả lớp trẻ.”    

Hiện hoàn cảnh của gia đình hai chị em Cẩm gặp nhiều khó khăn, không đất đai sản xuất, gia đình có đến 7 người (gồm bà nội già yếu, một người bác bị bệnh tâm thần, cha mẹ và 3 chị em Cẩm) nhưng tất cả chi tiêu đều trông chờ vào số tiền lời từ nghề bán vé số và tiền làm thuê của ba mẹ em Cẩm.

Chị Rơn chia sẻ: “Trước cảnh khó của gia đình, vợ chồng tui chẳng mong gì hơn ngoài việc cầu trời cho mình có sức khoẻ để đi làm lo cho các cháu ăn học đàng hoàng. Mong các cháu sau này có nghề nghiệp với người ta, thoát khỏi cảnh đời làm thuê làm mướn như vợ chồng tui là mừng lắm rồi”.

Nguyễn Hành - Diệu Hiếu