Cảm ơn Trường THCS Văn Lang với tình văn - tình đời

(Dân trí) - Mấy ngày nay, tôi miên man trong dòng cảm xúc nghẹn ngào dõi theo những bài viết trên báo Dân trí về dự án Văn học “Chuyện đời quanh em” của học sinh Trường THCS Văn Lang, TPHCM.

Cảm ơn tấm lòng của các cháu và cảm ơn quý báo đã mở ra cho chúng tôi một cách học hay, hiệu quả về một môn học lâu nay vẫn bị đánh giá là “dạy và học còn hời hợt”, “lý thuyết suông”.

Ba câu chuyện là ba lát cắt cuộc sống đầy ý nghĩa được các cháu tinh ý phát hiện giữa cuộc sống hối hả, gấp gáp và rộn ràng này. Nhận ra cái đẹp trong những mảnh đời nghèo khó, thiếu thốn, bất hạnh ấy, các cháu đã làm đẹp tâm hồn mình và khơi lên những hạt mầm thiện lương trong tâm hồn bạn đọc.

Tôi đã khóc rất nhiều khi dõi theo bài báo “Cuộc gặp đẫm nước mắt ngay trong giờ Văn”. Các cháu đã lựa chọn cô giáo Nguyễn Thị Hường cho nhân vật trong dự án của mình. Dẫu thân thể không vẹn nguyên như bao người, dẫu sóng gió cuộc đời liên tiếp ập đến, cô vẫn kiên cường trở thành một người giáo viên, một người con, một người mẹ làm bờ vai vững vàng che chở cho mẹ già và hai cô con gái. Nước mắt tôi đã rơi, nước mắt mọi người trong hội trường và nhiều bạn đọc cũng đã rơi. Sau dòng lệ ấy là một sự đồng cảm sâu sắc và niềm tin mãnh liệt về nghị lực sống của con người.


Cô Nguyễn Thị Hường - nhân vật trong dự án học Văn của học trò Trường THCS Văn Lang, TPHCM kể về chuyện đời mình trong tiết Văn sinh hoạt chuyên đề

Cô Nguyễn Thị Hường - nhân vật trong dự án học Văn của học trò Trường THCS Văn Lang, TPHCM kể về chuyện đời mình trong tiết Văn sinh hoạt chuyên đề

Rồi câu chuyện về hai bà cháu bán vé số dung dị, phúc hậu trên đường phố Sài Gòn tiếp tục thu hút sự chú ý của tôi. Một người bà chịu thương chịu khó, lam lũ bán từng tấm vé số mưu sinh cùng một cậu bé chỉ được học ở lớp tình thương. Một đôi dép lành bà nhường cho đôi chân cháu sạch sẽ và tình tươm. Một ước mơ nhỏ bé là mong những tấm vé số vơi nhanh để về nhà quây quần bên mâm cơm có ông, có bà và có cháu… Chủ đề “Hạnh phúc là gì?” với hai bà cháu ấy đã thật sự chạm vào trái tim của người đọc về những điều giản dị mà quý giá biết nhường nào!


Các em làm quen, tiếp xúc, trò chuyện, hỏi han... và biết thêm rất nhiều về mảnh đời sau những tấm vé số.

Các em làm quen, tiếp xúc, trò chuyện, hỏi han... và biết thêm rất nhiều về mảnh đời sau những tấm vé số.

Và cả “Ngôi nhà ghe” nữa, một câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn. Những người lính từng cống hiến tuổi trẻ, sức lực và một phần thân thể của mình cho hòa bình của dân tộc thì nhiều lắm. Nhưng có lẽ các cháu chỉ nghe kể chuyện, xem phóng sự truyền hình về những người anh hùng thời chiến ấy thôi. Giờ đây, người thương binh Lê Văn Đực ấy quả là một nhân chứng sống cho những giá trị cao cả: lòng yêu nước, tinh thần vượt khó, tình yêu thương con và cả sự sẻ chia với những đứa trẻ bất hạnh không được đến trường xung quanh… Tôi rất thích câu nói của con gái anh: “Có những người không tin vào siêu anh hùng, có lẽ vì học chưa gặp được cha tôi!”. Cảm ơn các cháu đã tìm thấy và giới thiệu cho mọi người một “siêu anh hùng” thật sự.


Học trò Trường THCS Văn Lang, TPHCM lăn xả xuống căn nhà ghe của chú thương binh Lê Văn Đực ở gầm cầu để học Văn

Học trò Trường THCS Văn Lang, TPHCM "lăn xả" xuống căn nhà ghe của chú thương binh Lê Văn Đực ở gầm cầu để học Văn

Một dự án học Văn quá hay đã được trường THCS Văn Lang thực hiện và đem đến hiệu quả rất thiết thực. Những câu chuyện về người thật, việc thật ấy được tái hiện qua những thước phim, hình ảnh, truyện ngắn, nhật ký sẽ để lại những dấu ấn cảm xúc chân thật trong lòng học sinh. Câu chữ tuôn ra trên đầu bút của các cháu không còn vô hồn, gượng gạo, chắp nối.

Các cháu sẽ không cần dùng trí tưởng tượng để “thêm mắm thêm muối” cho câu chuyện của mình ấn tượng. Các cháu cũng không cần tô vẽ lời lẽ thật hoa mỹ để lấy được cảm xúc của người đọc. Sự chân thật của cảm xúc qua những gì mắt thấy tai nghe sẽ dẫn dắt tâm hồn và ngòi bút!

Và đâu chỉ dừng lại trên trang giấy, những rung cảm trong tâm hồn đã đánh thức mầm nhân ái trong chính các cháu và mọi người. Cô giáo Nguyễn Thị Hường đã nhận được lời mời vào dạy hợp đồng tại Trường THCS Văn Lang. Giáo viên và học sinh Trường THPT Thủ Đức kêu gọi mở quyên góp giúp hai bà cháu bán vé số. Cô con gái của người thương binh hiền lành thì nhận được món quà từ những người bạn mới…

Những món quà dẫu nhỏ bé cũng đã thật sự kết nối những trái tim đồng cảm, sẻ chia. Văn học vẫn luôn là nhân học. Tình Văn - Tình Đời đã quyện hòa trong một dự án học Văn bổ ích và thiết thực như thế đó…

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!