Cấm lớp chọn... vẫn "chọn lớp"

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có quy định không tổ chức lớp chọn trong trường phổ thông ở tất cả các cấp học, nhưng trên thực tế các "lớp chọn" vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau.

Cái gì tồn tại ắt có lý, và nếu tồn tại lâu dài hẳn phải xuất phát từ nhu cầu thực tế nào đó. Điều quan trọng là Nhà nước cần có biện pháp quản lý hữu hiệu, phù hợp đòi hỏi của xã hội. Và hơn hết, phải vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.
 
Cấm lớp chọn... vẫn chọn lớp
Nhiều chuyên gia cho rằng không nên tổ chức lớp chọn ở cấp Tiểu học và THCS, nhưng có thể tổ chức lớp chuyên ở cấp THPT.

Lúng túng vẫn hoàn lúng túng

Rút kinh nghiệm từ những bất cập nảy sinh trong việc tổ chức các lớp chọn trong trường phổ thông trước đây, ngay từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (1996) đã nêu: Không tổ chức lớp chọn ở các cấp học, không tổ chức trường chuyên ở cấp tiểu học và THCS, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao. Tuy nhiên, từ bấy đến nay, lớp chọn vẫn cứ tồn tại, chỉ khác là trước đây "công khai" còn sau này thì "rút vào bí mật" dưới nhiều hình thức. Thời gian qua, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác, ngành giáo dục đã có những biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong tổ chức loại hình lớp chọn, nhưng chưa mấy hiệu quả.

Xóa bỏ "lớp chọn" với ý nghĩa để bảo đảm sự bình đẳng về điều kiện học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện cho học sinh (HS) là một chủ trương đúng đắn. Mặc dù quy định không được tổ chức thi tuyển, thành lập các lớp chọn trong trường phổ thông được "siết" chặt hơn, song thực tế việc mở lớp chọn vẫn diễn ra âm thầm dưới tên gọi... "lớp chuyên" hoặc nhiều cách gọi khác nhau (lớp chất lượng cao, lớp ngoại giao...). Có thể kể đến một vài trường có tổ chức các lớp dạng này tại TP Hồ Chí Minh như: Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức), THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn)... Khi chúng tôi đặt vấn đề: "Thực chất đây có phải là hình thức của lớp chọn" hay không, tất cả đều trả lời "lớp chuyên" khác "lớp chọn". Tuy nhiên, khi hỏi tiếp rằng "Khác như thế nào?" thì các trường đều chỉ... ậm ừ.

Những năm gần đây, tuy ngành GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hình thức xét tuyển vào lớp 10, nhưng để giữ chất lượng một đội ngũ "gà nòi", các trường vẫn tổ chức thi để chọn lớp. Về vấn đề này, một giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân cho biết: "Trường tổ chức thi tuyển lớp chuyên diễn ra ngay từ đầu lớp 10, những HS điểm cao nhất vào một lớp, sau khi kết thúc lớp 10 trường sẽ lọc lại những em HS giỏi khối 10 để vào lớp chọn 11, cứ như thế nhà trường lọc cho đến lớp 12. Trong quá trình học, các em sẽ được cử đi... "tỷ thí" tại các kỳ thi HS giỏi cấp quận, cấp thành phố rồi nhắm đến mục tiêu cấp quốc gia. Sau khi kết thúc lớp 12 thì mục tiêu của trường là hướng các em vào đại học ở những trường tốp trên, cao hơn nữa là thủ khoa các trường danh tiếng".

Như vậy, việc các trường này vẫn duy trì hình thức thi tuyển "lớp chuyên" cũng đều có lý do chính đáng cả. Chẳng hạn, tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn), trước đây luôn nằm trong nhóm 100 trường THPT cả nước có tỷ lệ HS đạt điểm cao trong kỳ thi đại học, thì từ năm 2007 đến nay, do phải áp dụng cả hình thức xét tuyển nên thứ hạng đã rớt xuống nhóm 200. Tương tự, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) từ khi áp dụng hình thức xét tuyển, chất lượng bình quân ngày càng giảm sút. Chính vì vậy, khi được áp dụng cả hình thức xét tuyển và thi tuyển đối với "lớp chuyên", hầu hết các trường đã lựa chọn hình thức thi tuyển, để nâng cao chất lượng học sinh và có "sân chơi" trong các kỳ thi cấp quận, cấp thành phố.

Khi chúng tôi hỏi về trách nhiệm xử lý nếu các trường vẫn vi phạm, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thẳng thắn: "Nhằm bảo đảm sự công bằng về điều kiện học tập, Bộ GD-ĐT không thừa nhận bất cứ sự tồn tại của lớp chọn nào trong tất cả các cấp học, cũng như không quy định hoặc cho phép thi cử để xếp lớp chọn. Nếu trường nào vi phạm, còn để tình trạng lớp chọn tồn tại dưới mọi hình thức đều sẽ bị xử lý nghiêm. Nhân đây, tôi cũng đề nghị báo chí, tổ chức, cá nhân phát hiện vi phạm xin cung cấp thông tin để Bộ giải quyết".

Để có hiệu quả thiết thực

Quy định là vậy nhưng trên thực tế, việc thanh tra, giám sát chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Trường hợp Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ), tuyển một lớp chọn 10A2 với 35 HS (năm học 2012-2013) qua hình thức thi tuyển từ các lớp chuyên môn tự nhiên, và ngay sau đó bị Sở GD-ĐT TP Cần Thơ "tuýt còi" cũng chỉ là ngoại lệ hiếm hoi. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường có chung câu trả lời: "Không có tình trạng lớp chọn trên địa bàn".

Mặc dù mở lớp chọn là trái quy định của ngành, song phần lớn phụ huynh khi được hỏi đều rất kỳ vọng và mong muốn con em mình được học những lớp đặc biệt này. Anh Nguyễn Văn Thảo (quận 10) chia sẻ: "Nói thật, tôi hoàn toàn ủng hộ việc thành lập các lớp chuyên, lớp chọn.

Cách gọi tuy có khác nhau, song cũng đều là lớp tập hợp các HS khá, giỏi, và được các giáo viên uy tín giảng dạy. Chỉ trong những môi trường như vậy, các em mới cảm thấy rõ nhất mình còn yếu kém, cần phấn đấu nhiều hơn để theo kịp bạn bè?".

Đồng quan điểm, chị Phan Thị Bích Hạnh (một phụ huynh HS Trường TH-THCS Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội) nói: "Tôi cho rằng, đằng nào thì các lớp chọn vẫn cứ tồn tại, việc mở các lớp chọn sẽ dễ phân luồng.

Các em giỏi thì sau đó sẽ vào đại học, còn em học không giỏi thì vào các trường cao đẳng, trung cấp. Cứ lo các em bị phân biệt mà không làm thì rốt cục các em vẫn cứ ỷ lại nhau mà thôi. Em học giỏi thì chẳng muốn phấn đấu thêm vì quan niệm chẳng học cũng giỏi, còn em học không giỏi thì cứ... tàng tàng, không cần phấn đấu".

Ý kiến các phụ huynh không phải là không có lý. Nhưng thực tế, mục đích tổ chức các lớp chọn là để nhà trường chuẩn bị lực lượng "gà chọi" tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, và xa hơn là Olympic quốc tế. Như vậy, chất lượng đội ngũ "gà chọi" này phần nhiều chỉ dừng ở mức phong trào, thỏa mãn "bệnh thành tích", các HS không khác nào những "thợ giải bài".

"Nói thực, nếu không có lớp chuyên, lớp chọn thì liệu những HS có năng khiếu đặc biệt sẽ học ở đâu?

Làm sao có đủ nguồn HS giỏi thi đấu với các nước khác?... Tóm lại, khi còn tổ chức lựa chọn HS tham gia các kỳ HS giỏi, cao hơn là đấu trường quốc tế, thì không thể phủ nhận vai trò của lớp chuyên, lớp chọn" - lãnh đạo một trường THPT công lập tại Hà Nội, thẳng thắn.

Như vậy, cần xây dựng mô hình lớp chuyên, lớp chọn như thế nào, công tác kiểm tra giám sát ra sao để tránh "bệnh thành tích", tập trung nâng cao chất lượng, bồi dưỡng tài năng? Nhiều chuyên gia giáo dục gợi ý: Không nên tổ chức lớp chọn ở cấp tiểu học và THCS, nhưng có thể tổ chức lớp chuyên ở cấp THPT để phân luồng học sinh. Song, quan trọng hơn cả, để có hiệu quả thiết thực và bền vững về chất lượng đào tạo, ngành giáo dục cần sớm có những nghiên cứu, đánh giá thực chất sự tồn tại của trường chuyên, lớp chọn; sao cho đây phải là "vườn ươm" tài năng đúng nghĩa.
 
Theo Văn Thiện - Bá Lâm
Báo Nhân dân