Hà Tĩnh:
Cảm động người thợ cơ khí hàng ngày bơm vá xe miễn phí cho học sinh
(Dân trí) - Chứng kiến cảnh các cháu nhỏ phải đi bộ giữa nắng nóng do lốp xe bị thủng, hoặc xì hơi, người thợ cơ khí rất thương, tự nguyện dựng điểm bơm, vá miễn phí để kịp thời giúp các em lúc cần kíp.
Người đàn ông tốt bụng, được các em học sinh, thầy cô và nhiều bậc phụ huynh ở xã Mai Phụ, Lộc Hà (Hà Tĩnh) hết mực trìu mến ấy là anh Từ Trọng Anh, SN 1984, trú tại thôn Hợp Tiến.
Đội nắng bơm, vá xe miễn phí cho học sinh
Theo thông tin của nhiều thầy cô giáo, gần cổng trường Trường Tiểu học Mai Phụ, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà có một người thợ cơ khí đầy tốt bụng, chuyên vá, bơm xe miễn phí cho các cháu học sinh, chúng tôi đã về tận nơi để chứng kiến việc làm đầy nhân văn của người thợ này.
10h45, trời nắng gay gắt, một nhóm học sinh gần chục em đầu đội mũ nón đang dừng xe đạp trước xưởng cơ khí nhỏ với tấm biển có dòng chữ: “Bơm xe miễn phí cho học sinh”. Giữa cái nắng chói chang, thời tiết vô cùng oi bức, người đàn ông đội mũ tai bèo đang bơm những chiếc bánh xe đã xì hơi cho các em học sinh nhỏ tuổi. Khi lốp xe đủ độ căng cần thiết, tay anh thoăn thoắt rút đầu bơm, vặn van bánh xe thật chặt.
Một chiếc, hai chiếc, rồi lần lượt những chiếc bánh xe xì hơi được người đàn ông tốt bụng bơm lại cho các em. Đổi lại những tiếng cảm ơn “cháu cảm ơn chú ạ” của các cháu nhỏ, là nụ cười hiền khô và lời dặn dò “đi cẩn thận”, hay “về nhà luôn kẻo ốm vì trời nắng nóng” của người đàn ông đầy thân thiện.
Đang đứng đợi bạn để chú Anh bơm lốp xe, em Lê Thị Xuân - học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Mai Phụ kể, nhà em ở cách trường học hơn 3km, nhiều lần xe bị xịt lốp phải dắt bộ rất xa mới đến chỗ sửa xe. Mất thời gian đẩy bộ, lại phải chờ vá săm nên có hôm em Xuân phải về nhà muộn khiến bố mẹ rất lo lắng.
“Từ hôm chú Anh dựng điểm bơm, sửa xe miễn phí này, em và các bạn đã không còn lo lắng mỗi khi xe bị xịt lốp hoặc xuống hơi như thế. Chú giúp chúng cháu mà không lấy tiền”- em Xuân nhìn người đàn ông đang bơm xe cho bạn cảm phục nói.
Gạt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, em Nguyễn Tiến Bình, học sinh lớp 5, một học sinh kể đã 2 lần ghé điểm bơm, vá xe miễn phí của chú Anh kể thêm: “Lớp cháu có nhiều bạn được chú ấy giúp đỡ. Ngoài bơm, vá xe miễn phí cho chúng cháu, có hôm chú còn còn chở bạn cháu về đến tận nhà khi nhỡ đường. Đến điểm vá xe, bạn nào khát nước, chú còn lấy nước mát trong nhà cho uống nữa”.
“Các cháu như con em thôi”
Cho đến lúc này anh Từ Trọng Anh không thể nhớ mình đã bao nhiêu lần vá, bơm xe, hay chở các em học sinh lỡ đường về nhà, bởi việc làm này đã trở thành thói quen trong nhiều năm nay.
Nói về việc làm đầy trân quý của mình, anh Anh cho biết, tất cả bắt đầu từ tình thương cho các em. “Bản thân tôi cũng có con nhỏ bằng tuổi các cháu đây, rồi tôi cũng là phụ huynh nên tôi xem các cháu cũng như chính con mình. Chứng kiến cảnh xe của các cháu bị xẹp lốp, gần cổng trường lại không có ai sửa chữa, các em phải nhọc nhằn đẩy bộ giữa thời tiết nắng nóng tôi rất thương. Sẵn có máy bơm trong nhà, tôi bỏ chút công dựng điểm bơm, vá miễn cho các cháu. Nhìn các cháu khỏi đẩy bộ mất sức, kịp về nhà khỏi bố mẹ lo lắng là tôi vui”- anh Anh nói.
Cô Đặng Thị Nhật – Giáo viên Trường Tiểu học Mai Phụ cho biết: “Học sinh đều ở xa trường, các học sinh từ khối 3 đến 5 đều phải đạp xe tới trường học. Điểm sửa xe lại cách trường khá xa nên mỗi khi xe thủng xăm, xẹp lốp các em phải dắt xe đi bộ dưới trời nắng như đổ lửa. Vì thế, từ khi có điểm bơm vá xe miễn phí của anh Anh, nhà trường đã được chia sẻ nỗi lo học sinh đi học trong mùa nắng nóng”.
Chị Nguyễn Thị Phương, một phụ huynh có con em thi thoảng ghé tiệm vá xe miễn phí cũng rất ngưỡng mộ tấm lòng của người thợ cơ khí này: “Anh Anh thật tốt bụng. Anh đã giúp đỡ cho các cháu, các phụ huynh rất nhiều. Chúng tôi luôn dành lời cảm ơn trước tấm lòng của anh ấy”.
Việc làm của anh Từ Trọng Anh thật đáng trân trọng. Càng đáng trân trọng hơn khi anh phải thường xuyên bỏ dở công việc hàn xì của mình để lo cho các cháu học sinh. Người thợ cơ khí này là một tấm gương của người làm “việc tử tế”, một người có lối sống đẹp giữa đời thường.
Văn Dũng