Quảng Bình:
Cảm động cô giáo gói cơm lên rừng “gieo chữ”
(Dân trí) - “Con đường này trời mưa trơn trượt lắm! Nhiều khi bị ngã liên tục khiến quần áo dính đầy bùn đất, cơm đổ hết ra đường nên trưa phải vào dân bản xin cơm ăn…”, cô giáo Hải kể về sự vất vả trong những năm tháng băng rừng lên “gieo chữ” ở bản ông Tú (huyện Minh Hóa, Quảng Bình).
Nếu ai từng có dịp lên công tác ở bản ông Tú, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) chắc hẳn rằng sẽ không quên con đường duy nhất dẫn vào bản dài ngoằn ngoèo hơn 2km giữa thăm thẳm núi rừng và dốc dựng đứng. Hầu như ai lên đây cũng đều phải “cuốc bộ” hơn 20 phút mới vào tới nơi. Càng khó khăn hơn cho việc vào bản nếu gặp phải những lúc trời mưa, con đường “độc đạo” gồ ghề này càng trở nên lầy lội và nếu không cẩn thận thì có thể trượt chân ngã bất cứ lúc nào.
Ấy vậy mà cứ mỗi sáng từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, cô giáo Đinh Thị Thanh Hải (SN 1984, trú tại thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa) lại vượt rừng vào bản ông Tú để dạy chữ cho các em nhỏ nơi đây.
Đường sá đi lại vô cùng khó khăn, hiểm trở nên cả bản làng chỉ có duy nhất một lớp học dành cho độ tuổi mẫu giáo (điểm trường lẻ bản ông Tú trực thuộc trường Mầm non số 1 Trọng Hóa) của cô giáo Hải, nhưng giữa núi rừng trùng điệp ấy ngày ngày lại vang vọng tiếng đọc bài, tiếng hát của cô và trò khiến cả núi rừng nơi đây như không còn u ám và hoang vu nữa.
Lớp học đơn sơ nhưng tình thương yêu luôn trải khắp
“Đi miết nên giờ cũng thấy quen rồi. Nhưng nghĩ lại những ngày đầu vào bản quả thực giống như là cực hình đối với mình vậy. Những lúc trời mưa đường trơn trượt và ngã không biết mấy lần nên đành phải cởi giày ra và đi chân đất để tiếp tục vào bản, lên đến nơi thì đôi bàn chân đã ứa máu, còn tối về đến nhà thì chân như sắp rụng ra và nhiều lúc không muốn dậy sớm để đi dạy nữa. Nhưng nghĩ lại thấy thương các em quá nên cũng không đành lòng để cho phép mình bỏ cuộc”, cô giáo Hải tâm sự.
Hình ảnh một cô giáo với dáng người nhỏ nhắn hàng ngày mang ba lô thoăn thoắt leo ngược con dốc cao để vào bản dạy chữ chắc không còn xa lạ gì với người dân bản ông Tú. Đối với họ, cô giáo Hải giống như là “của quý” của cả bản làng “khát chữ” vậy.
“Dù rất muốn cho con em đi học cái chữ nhưng vì trường trung tâm ở quá xa, dân bản chúng tôi lại không có điều kiện để đưa các em tới trường học cái chữ nhưng cô giáo Hải đã không quản ngại đường xá xa xôi về với bản nên dân bản quý lắm”, ông Hồ Chui, Trưởng bản ông Tú chia sẻ.
Bằng sự đam mê, sức trẻ và đôi bàn tay khéo léo nên căn nhà cộng đồng sơ sài ngày nào giờ đã được cô giáo Hải dọn dẹp, trang trí lại một cách gọn gàng và công phu khiến ai nhìn vào cũng tâm đắc khen ngợi. Tuy lớp chỉ có 6 học sinh nhưng là lớp ghép 3 độ tuổi (từ 3 đến 5 tuổi) nên việc truyền đạt kiến thức cho các em rất khó khăn, không những vậy học sinh nơi đây chủ yếu là người dân tộc Khùa nên muốn dạy các em thì trước hết là phải học tiếng của người dân bản để giao tiếp và ngày nào cô cũng phải soạn giáo án đủ cho cả 3 lớp.
Khó khăn chồng khó khăn khi vượt cả chặng đường gần 50km từ dưới xuôi lên đây, rồi lại phải vượt rừng để vào bản nên niềm an ủi duy nhất của cô lúc này chắc có lẽ là hình ảnh các em đang ngóng chờ trước cửa đợi cô giáo lên. “Dù trời lạnh, nhưng chỉ cần thấy cô giáo đến là các em đến lớp đầy đủ cho đến khi tan giờ học. Các em rất chăm chú tập đọc chữ cái, đọc thơ và ca hát, ai cũng tỏ ra rất ngoan ngoãn và chăm chỉ học và khi được gọi lên đọc thơ, hầu hết các em đều đọc rất to và dõng dạc”, cô giáo Hải mừng vui nói.
Trao đổi với chúng tôi, cô Đinh Thị Vinh, Hiệu trưởng trường Mầm non số 1 Trọng Hóa cho biết: “Toàn trường có 157 học sinh, 22 cô giáo với 8 điểm trường. Trong số các điểm trường lẻ thì giáo viên dạy ở điểm trường bản ông Tú vất vả nhất vì đường sá đi lại khó khăn. Cô Hải đang phải nuôi con nhỏ nên phải đi đi về về nên càng khó khăn hơn, nếu giáo viên nào lên cắm bản mà không có sự kiên trì và niềm đam mê thì chắc cũng không thể vượt qua những khó khăn ấy đâu”.
Theo cô Vinh, người dân ở đây chủ yếu là người Khùa, trình độ dân trí thấp và cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn nên nhiều khi các cô thầy gặp phải những điều dở khóc dở cười, nhất là dịp phổ cập vào đầu năm học. Nhiều em học sinh khi đã đến tuổi đi học nhưng vẫn chưa có giấy khai sinh nên các thầy cô phải chở phụ huynh ra UBND xã hoặc chở sang xã khác để khai sinh cho các cháu trước sau đó mới làm công tác vận động phụ huynh cho các cháu đến lớp.
“Có gia đình còn khai nhầm, đứa đang bế trên tay thì đã 5 tuổi, còn đứa 5 tuổi thì lại thành đứa đang bế trên tay… Khổ nhất là việc phổ cập đầu năm học. Tuy nhiên, các em học sinh ở đây rất thích học, cứ thấy cô giáo đến là vào lớp ngồi học rất nghiêm túc, kể cả trời mưa rét đến đâu cũng không em nào bỏ học”, cô Vinh nói.
Văn Lịnh - Đặng Tài