Cách quản lý của Bộ GD-ĐT chặt chẽ đến nghiệt ngã!

(Dân trí) - Tỏ thái độ rất rõ ràng trước sự “giằng co” của ĐH FPT và Bộ GD-ĐT về vấn đề tự chủ, nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân cho rằng “tại sao trường phải theo cơ chế “xin - cho” khi Chính phủ không mất một đồng nào đầu tư cho trường”.

Như vậy , theo ông, việc ĐH FPT nhất định “đòi” tự chủ là một điều hoàn toàn hợp lý?

 

Tôi thấy, những vấn đề ĐH FPT đưa ra đều có lý (đề nghị được chủ động về chỉ tiêu tuyển sinh, mức học phí, nội dung chương trình, cách tuyển sinh). Hiệp hội đặc biệt quan tâm tới vụ việc này vì FPT là trường đặc thù nhưng vấn đề nêu ra lại mang tính phổ biến. 

 

Đây là trường thuộc công ty, đào tạo nhân lực cho chính mình. Tốc độ tăng trưởng, yêu cầu về nhân lực của FPT rất lớn, hiện nay là 6.000 nhưng trong vài năm tới số nhân lực họ cần sẽ là 13.000. Với “đầu ra” được đảm bảo như vậy, việc đào tạo 500 chỉ tiêu/năm chưa là gì. 

 

Ông có nhận xét gì về thái độ gay gắt của Bộ đối với việc thông báo tuyển sinh của ĐH FPT?

 

Tôi được nghe trình bày là trường FPT chưa “xé rào” mà xin được thí điểm một số chủ trương “ngoài rào”. Bộ GD-ĐT không hề sai khi yêu cầu ĐH FPT phải làm theo đúng quy trình. FPT nên chấp hành. Đồng thời FPT xin thí điểm theo cách của mình. 

 

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là một trường như FPT - với đầy đủ những yếu tố thuyết phục nhất cho một cơ chế tự chủ nếu vẫn không được tự chủ thì những trường khác có thể tự chủ thế nào? Nên cho FPT thí điểm để rút kinh nghiệm. Đây không phải là khuyến khích các trường phá rào nhưng các rào cản phải được xem xét tháo gỡ. 

 

Nếu Bộ vẫn kiên quyết không cho ĐH FPT được thủ nghiệm tự chủ thì ý kiến của ông thế nào? 

 

Hiện nay, Bộ đang quản lý chặt chẽ đến nghiệt ngã, khiến cho cái gì cũng phải “xin”. Có thể thấy, Bộ không tin các trường. Thực tế để trụ được bản thân các trường phải chịu trách nhiệm đầu tiên vì sự sống còn của chính mình. Quy mô giáo dục ĐH của ta hiện nay rất thấp, cửa vào trường ĐH quá hẹp cho giới trẻ. Giữ khư khư quy mô nhỏ chính là tạo ra sự độc quyền trong giáo dục ĐH. 

 

Vậy, nếu Bộ thực sự muốn “cởi trói” cho các trường thì cần phải thể hiện sự thiện chí này của mình ra sao?

 

Để “cởi trói” cho vấn đề này, cần phải nâng năng lực của giáo dục ĐH để “cung” tương đương với “cầu”, khi đó các trường mới tự phấn đấu để nâng cao chất lượng. Tại sao hiện tại chỉ có 20 trường được thử nghiệm chương trình của nước ngoài mà không phải là trường nào dùng được thì cứ cho dùng? 

Bộ giao quyền tự chủ rộng rãi cho các trường chính là để giải phóng cho các trường khỏi sự trói buộc nhưng vẫn cần có sự giám sát chứ không bỏ mặc. Vấn đề là kiểm soát cái gì và mức độ thế nào. Đáng lẽ Bộ nên quy định chuẩn kiến thức và căn cứ vào đó để kiểm soát “đầu ra”, còn quy trình đào tạo thì để các trường chủ động. 

 

Việc tổ chức đánh giá các trường phải tiến hành định kỳ (nhưng phải là đánh giá thực chất chứ không phải hình thức) và công bố công khai. Với vấn đề học phí, nếu các trường thu cao nhưng chi phí cho đào tạo thấp thì Bộ phải kiểm tra chứ không phải ép các trường không được thu cao. Làm vậy là đồng nghĩa với việc ép chất lượng xuống thấp, người Việt Nam vẫn có câu “tiền nào của nấy” mà. 

 

Bộ nên yêu cầu các trường tài chính công khai và khống chế tỷ lệ “lãi” để tái sản xuất là bao nhiêu, chứ không nên viện cớ vì dân mình nghèo nên học phí phải thấp. Muốn có chất lượng quốc tế thì không thể làm theo cách chỉ đầu tư vài trăm USD, trong khi người ta bỏ ra hàng chục nghìn USD/sinh viên/năm. Mặt khác cần có chính sách học bổng và tín dụng giáo dục thỏa đáng. 

 

Xin cảm ơn ông!

 

Minh Hạnh

(Thực hiện)