Thi tốt nghiệp THPT 2012:
Cách ôn tập để đạt điểm cao môn Toán
(Dân trí) - Ôn luyện môn Toán cần phải học thật cơ bản, nắm vững kiến thức sách giáo khoa (SGK). Không sử dụng quá nhiều kiến thức từ các tài liệu tham khảo mà ở đó có thể có những điều nằm ngoài chương trình SGK.
Đó là những chia sẻ của Thạc sỹ Toán Phạm Đình Chuẩn, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), với các bạn thí sinh tham dự các kì thì năm nay.
Với kinh nghiệm của bản thân cộng với nhiểu năm công tác trong nghề, thầy Chuẩn không chỉ chia sẻ với các học sinh (HS) về việc học toán chỉ để thi đạt điểm cao mà cần học toán thế nào để có hiệu quả cao và thi điểm cao đương nhiên là hệ quả của điều đó.
Thạc sỹ Chuẩn cho rằng, người học môn học nào cũng vậy và đặc biệt là việc học toán thì điều đầu tiên cần học thật cơ bản, nắm vững kiến thức SGK kể cả nguời học theo chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, tránh việc học chỉ biết công thức học thuộc định lý một cách máy móc.
Không được xem thường SGK để chỉ thích những bài toán không chính tắc, mẹo mực vì khi đó dễ bị sẽ mất đi một cái nền tư duy logic cần thiết, mất đi sự cân đối trong nếp nghĩ.
Rất nhiều học sinh khi đã học xong chương trình toán phổ thông có thể vẫn chưa hiểu hết các khái niệm của toán học phổ thông, ví dụ như khái niệm hàm số, giới hạn, giới hạn hàm số… và nhiều khái niệm khác.
Nên xây dựng các “bản đồ tư duy” cho các đơn vị kiến thức để có một bức tranh tổng thể về một mảng kiến thức hay một hệ thống các kiến thức của một môn học. Dưa trên bản đồ tư duy đó, HS có thể tự “đắp thịt” vào cái khung xương đó bằng những hiểu biết của mình và bổ sung mỗi lần nghiên cứu lại. Có thể tự xây dựng hệ thống bài tập tương ứng cho mỗi phần.
Không sử dụng quá nhiều kiến thức từ các tài liệu tham khảo mà ở đó có thể có những điều không có trong chương trình SGK (nếu dùng phải hiểu bản chất khái nệm, những kết quả liên quan và chứng minh được chúng - điều này thường dành cho các học sinh khá giỏi).
Đứng trước một bài toán luôn cần đọc kỹ đầu bài để hiểu rõ yêu cầu của bài toán. Chỉ ra được cái gì là cần tìm, thông tin cho trước là gì, tìm mối quan hệ giữa điều cần tìm và điều đã biết để tạo ra những biểu thức, công thức gắn kết chúng với nhau mà người ta thường gọi là phương trình.
Cần rèn luyện kỹ năng tính toán, kỹ năng trình bầy lời giải, tránh làm tắt trong khi trình bầy lời giải các bài toán. Sau khi giải xong một bài toán nên xem lại kỹ (trong quá trình học) một phần là để tìm ra những lỗi có thể mắc, một phần là để tìm hiểu nhũng cách tiếp cận khác của bài toán với những lời giải khác nếu có.
Khi vẽ đồ thị hàm số bậc ba, các em thường tìm cả điểm uốn nhưng không hiểu ý nghĩa của điểm uốn là gì trong khi thực hiện vẽ đồ thị hàm số bậc ba. Bài toán tích phân được đánh giá là bài dễ trong đề thi nhưng khi tính tích phân bằng phương pháp đổi biến các em thường quên đổi cận nên dẫn đến kết quả không đúng.
Nên ôn tập các vấn đề theo hệ thống từ các vấn đề dễ đến khó. Các bài hình học tổng hợp có thể nghĩ cách giải bằng phương pháp vec tơ hoặc tọa độ.
Nguyễn Hùng (ghi)