Cách nào kiểm soát hành vi của trẻ tự kỷ khi học ở trường mầm non?
(Dân trí) - Dư luận đang có những đánh giá trái chiều về hình thức các cô giáo mầm non buộc dây bé trai 4 tuổi vào cửa sổ vì có nhiều hành vi gây hại cho bản thân bé và ảnh hưởng đến các bạn trong lớp. Theo đánh giá của giới chuyên môn, bé P. bị tự kỷ phổ rộng và chính họ cũng gặp khó khi hỗ trợ giáo dục những trẻ như thế này.
Theo thông tin từ Trường Mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, Nam Định), bé trai N.T.P. (SN 2014) có giấy chứng nhận của Bệnh viện Nhi Trung ương về việc bị rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ.
Trên thực tế, bé P. đã từng được can thiệp và điều trị nhiều đợt tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong quá trình điều trị, chính các chuyên viên can thiệp trực tiếp cho bé P. cũng gặp rất nhiều khó khăn trong kiểm soát hành vi của bé.
Trong khi đó, mặc dù có khoảng 1,5 triệu trẻ em khuyết tật trên cả nước (theo ước tính tại Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về giáo dục trẻ rối loạn phát triển, đánh giá, can thiệp và xây dựng môi trường giáo dục phù hợp tổ chức ngày 30/10/2017) nhưng chuyên đề giáo dục đặc biệt trong chương trình đào tạo giáo viên không được coi trọng. Do là môn tự chọn nên gần như không có cô giáo tương lai nào chọn. Ngay cả cấp độ quản lý cũng không được học.
Do đó, theo TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên của Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam (VAPE), cần có những giải pháp trước mắt để hỗ trợ giáo viên giáo dục những học sinh có khuyết tật trí tuệ như thế này. Đó là những vấn đề hành vi của em cần được phân tích bởi các nhà chuyên môn (nhà tâm lý lâm sàng, chuyên gia về giáo dục đặc biệt) sau khi được tiếp cận và quan sát em trực tiếp.
TS Thành Nam phân tích: Đầu tiên cần xác định hiện tại học sinh này đang có những vấn đề hành vi nào? Theo các thông tin thu được và quan sát đoạn clip, học sinh này đang có hành vi bột phát mang tính xâm kích (chạy quanh lớp, nhảy nhót phát ra tiếng động, dậm mạnh chân xuống sàn…); hành vi tự gây hại cho bản thân (tự đập đầu vào tường, cắn bản thân…) và hành vi phá hủy đồ đạc (ném đồ ra sàn hoặc ném đồ vào người khác gây hỏng hóc, gẫy vỡ…).
Thứ hai, cần xác định lại xem trong những hoàn cảnh nào thì hành vi xuất hiện. Ví dụ như khi người khác không làm theo ý mình, khi phải chờ đợi lâu, khi bị bắt ngồi vào bàn ăn hoặc nằm xuống đi ngủ. Nếu hành vi tăng động và phá phách trầm trọng hơn trong một vài tháng thì cần phải hỏi xem có những thay đổi gì mới xảy ra hay không (ví dụ như trẻ mới đổi thuốc; trẻ mệt mỏi do thiếu ngủ; người chăm sóc bị bệnh hay bận việc nên không con tương tác với trẻ…). Loại trừ những yếu tố làm xuất hiện hành vi nếu có thể.
Cũng cần tìm hiểu xem những gì học sinh thích để sử dụng làm phần thưởng khi trẻ có hành vi phù hợp. Ví dụ như cho phép đi dạo ở sân chơi, được ăn kẹo, được tô màu, được ngồi chơi với đồ chơi ưa thích… Sử dụng chúng như những phần thưởng để khuyến khích trẻ có hành vi phù hợp.
Thứ ba, cần phân tích xem hành vi của học sinh có mục tiêu gì? Ví dụ hành vi chạy nhảy phát ra tiếng động có mục tiêu để thu hút sự chú ý của người khác và để giải tỏa cảm giác bồn chồn. Hành vi tự gây hại cho bản thân và phá hủy đồ đạc là để gây áp lực bắt người khác phải làm theo ý mình và để giải tỏa những cảm giác khó chịu khi bị giới hạn hành vi hoặc phải làm gì đó mà trẻ không muốn. Từ đó đề xuất những hành vi thay thế dễ được chấp nhận hơn.
Ví dụ như cô sẽ báo trước thời gian phải chờ đợi, phải ngồi ăn hoặc đi ngủ cho trẻ và nhắc về phần thưởng mà trẻ thích nếu trẻ thực hiện theo lời cô. Cô giáo sẽ chú ý và khen bằng lời khi trẻ bình tĩnh hoặc hạn chế được hoạt động của mình. Cô giáo cũng có thể huấn luyện trẻ hít thở sâu, thổi bong bóng để thư giãn hoặc bóp vặn 1 quả bóng cao su như một cách để giải tỏa các cảm giác bồn chồn khó chịu. Bất cứ khi nào trẻ trở nên mất kiểm soát hoặc ồn ào, trẻ sẽ được nhắc sử dụng các kỹ thuật thư giãn hoặc bóp vặn bóng.
Và để có thể phân tích được hành vi của trẻ và đưa ra những chiến lược huấn luyện, hỗ trợ, quản lý hành vi học sinh, TS Trần Thành Nam cho rằng: “Nhà trường nên liên kết với các chuyên gia tâm lý, giáo dục đặc biệt tại các trường đại học uy tín để họ thực hiện công tác đánh giá ban đầu, lên kế hoạch chương trình và huấn luyện cho giáo viên phụ trách các lớp có học sinh hòa nhập (nếu không có giáo viên giáo dục đặc biệt chuyên trách). Mỗi nhà tâm lý có thể hỗ trợ đánh giá và lên chương trình cho một cụm trường để tiết kiệm nguồn nhân lực”.
Trần Phương