Cách học ở xứ người
Để thích nghi và thậm chí vượt trội ở môi trường học tập nước ngoài đòi hỏi du học sinh phải thật năng động, kiên trì và có kế hoạch rõ ràng.
Nhiều cựu du học sinh Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm học tập phong phú và bổ ích trong một nền giáo dục tối ưu tại các nước sở tại.
Bám sát kế hoạch tự học
Ngay từ khi học THCS ở Việt Nam, Huỳnh Tiến Minh - cựu học sinh của Trường ĐH New South Wales tại Úc đã tìm hiểu rất nhiều về phương pháp dạy và học tại nước này thông qua bạn bè và trong các buổi giao lưu với cựu du học sinh. Sau khi qua buổi phỏng vấn do nhà trường tổ chức đầu năm lớp 11, Minh đã được thầy cô định hướng học về các môn khoa học tự nhiên.
Tuy nhiên, khác với học tại Việt Nam, ở Úc các môn này được dạy theo phương pháp ứng dụng là chính, lý thuyết chỉ là bổ trợ. Ngay cả các môn xã hội, người học phải nắm kiến thức, nắm bắt cái mới và diễn đạt tốt mới được điểm cao chứ không chỉ học thuộc lòng rồi trả bài.
Vì vậy, Minh đã chủ động đọc trước bài kỹ lưỡng và chú thích những điểm cần lưu ý. Từ đó, lên lớp học sẽ dễ hiễu hơn và để dành thời gian thực hành ứng dụng. Ngoài ra, Minh dành khoảng 4 tiếng/ngày để tìm hiểu kiến thức bên ngoài, nếu thắc mắc hay góp ý gì thì bạn mạnh dạn trao đổi, thậm chí tranh luận với giáo viên để tìm ra đáp án đúng nhất.
“Cách học này không mới, cũng không khó nhưng phải lập kế hoạch rõ ràng và bắt mình phải thực hiện thì mới làm được. Nếu không có nguyên tắc học nghiêm túc thì du học sinh rất nhanh chùn bước trước muôn vàn kiến thức ở một môi trường mới” - Minh chia sẻ.
Còn Bùi Hải Việt, từng học tám năm tại Toronto, Canada kể: “Ban đầu, tôi rất nhút nhát trong lớp học. Ngoại ngữ thì khập khiễng ta Tây khiến tôi phải mất khoảng năm tháng đầu tiên chỉ lủi thủi học một mình”. Việt quyết định lập kế hoạch học: Cứ hai ngày phải vào thư viện học thêm những kiến thức ở lớp, một tuần sẽ đi tham quan và dự giao lưu với các du học sinh Việt Nam. “Do phương pháp học ở trường mang tính chủ động, thầy giảng ít, trò phải làm nhiều nên tôi bắt mình phải tự học, tự làm thầy của chính mình” - Việt nói.
Cứ thế mỗi ngày, sau mỗi bài học, Việt tự thuyết giảng, tự đặt ra những câu hỏi trái chiều và tự trả lời. Khi đến lớp, bạn mạnh dạn đưa quan điểm cá nhân để tranh luận về một vấn đề liên quan đến bài học với các bạn và cả giáo viên. Thậm chí Việt gặp riêng giáo viên để trao đổi về bài học. Từ đó, Việt đã được giáo viên chú ý, được giao những chủ điểm để nghiên cứu và báo cáo lại nên bạn đã học được rất nhiều phương pháp biến hóa kiến thức từ sách vở thành những công trình nghiên cứu của mình.
Đừng chần chờ, đừng nhút nhát - du học sinh muốn học tập tiến bộ cần tham gia ngay các hoạt động ngoại khóa..
Tham gia các hoạt động ngoại khóa
Đối với hầu hết các du học sinh, một chuyến du học thành công không chỉ là tự tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo mà còn phải lăn lộn với các hoạt động ngoại khóa. Từ đó, họ sẽ tự trở thành những người năng động, bản lĩnh và biết cách trao đổi kiến thức từ mọi người xung quanh và ở bất cứ đâu.
Đây cũng là kinh nghiệm học tập của Nguyễn Mỹ Linh - cựu du học sinh Trường ĐH Wittenberg, Mỹ. Nhờ đó, Linh đạt kết quả cao ở chuyên ngành maketing. Trước khi du học, Linh vốn là học sinh khá tiếng Anh nhưng lười học, luôn tự ti về khả năng của bản thân và quyết tâm phải thay đổi khi đặt chân lên nước Mỹ.
Trong thời gian học thiết kế đồ họa, Linh đã mạnh dạn tham gia CLB sinh viên quốc tế AIA ở bộ phận PR của ban quản trị, làm thủ quỹ cho CLB thiên văn học… Từ đó, Linh được đi nhiều, tham dự hàng chục sự kiện diễn ra trong tháng và còn hỗ trợ cho nhiều du học sinh khác.
Trong quá trình làm việc, Linh được thầy cô và mọi người giúp đỡ nhiệt tình các kỹ năng, được gặp gỡ rất nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau đã khiến bạn trở nên năng động và giàu kinh nghiệm hơn.
“Từ những buổi gặp mặt ở hai CLB ấy mà mình từ không biết gì về chứng khoán, báo cáo tài chính, giờ đã nắm kiến thức cơ bản. Mình còn được mặc đồ công sở, đi đến công ty, nghe họp báo rất chuyên nghiệp. Mình học được cách giao tiếp xã hội, nói trước công chúng, biết thể hiện quan điểm khi trình bày một sự việc… là những điều mà sách vở khó có thể dạy được. Đó là những bước đệm quý giá giúp mình thành công sau này” - Linh nói.
Vương Thái Tú - cựu du học sinh tại Anh, hiện là giám đốc kinh doanh một công ty tại TP.HCM cũng có nhiều kinh nghiệm học tập ở xứ người. Với khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh tốt nên ngay từ khi đến Anh học được khoảng hai tháng, Tú đã bắt đầu đi làm thêm, tham gia các hoạt động tình nguyện của một tổ chức phi chính phủ.
Việc Tú chọn làm là phục vụ nước uống tại khu du lịch với mục đích được gặp gỡ nhiều người nước ngoài chứ không chỉ để kiếm tiền. Trong kế hoạch vạch ra, hầu hết các buổi sáng Tú đều đến trường học và nghiên cứu tại thư viện hoặc trên Internet. Các buổi chiều, Tú đi bán nước, mỗi ngày khoảng 3 giờ đồng hồ. Riêng cuối tuần, bạn cùng các đoàn tình nguyện đi đến các vùng khó khăn để giúp đỡ học sinh nghèo.
Theo Pháp luật TPHCM