Xét tuyển nguyện vọng 2:

Các trường tốp dưới bắt đầu cuộc đua

Con số hơn 80.000 chỉ tiêu cho NV 2, 3 thoạt nhìn có vẻ nhiều. Nhưng thực tế, nỗi lo về một mùa tuyển sinh “thất bát” vẫn luôn ám ảnh các trường, nhất là trường dân lập và ĐH vùng khó khăn. Công việc xét tuyển chưa diễn ra nhưng dự báo sẽ có những bước "xé rào" cần thiết...

Chưa tuyển NV2 đã lo NV3!

Ngày mai 25/8, thời gian xét tuyển NV2 mới chính thức bắt đầu nhưng nhiều trường đã rục rịch phương án cho NV3. Có thể thấy rằng sau một mùa tuyển sinh đầu tiên áp dụng điểm sàn, chất lượng đầu vào của các trường dân lập, các ĐH vùng khó khăn đã được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đó, điểm sàn cũng đã vô hình trung đẩy các trường này vào tình thế khó khăn vì không tuyển đủ chỉ tiêu. Kỳ thi tuyển sinh năm trước, mặc dù số thí sinh (TS) có điểm trên sàn nhiều hơn chỉ tiêu các trường cần tuyển nhưng cuối cùng vẫn có nhiều trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Điển hình như ĐHDL Hùng Vương, Bình Dương, An Giang, Cần Thơ, Tây nguyên, Đồng Tháp...

Năm nay, dù có gần 3.000 TS dự thi nhưng ĐHDL Kỹ thuật công nghệ TPHCM chỉ tuyển được trên 300 TS cho NV1, bằng 75% so với năm trước. Một cán bộ của trường cho biết năm rồi trường cũng tuyển đủ chỉ tiêu nhưng phải “xoay” bằng cách tuyển nhiều chỉ tiêu hệ CĐ để bù vào sự thiếu hụt của hệ ĐH. ĐH Mở - bán công TPHCM cũng nằm trong tình cảnh tương tự.

Với mức điểm chuẩn bằng điểm sàn nhưng số TS trúng tuyển NV1 chỉ được 576, trong đó ngành công tác xã hội chỉ tuyển được 10 TS, tiếng Trung khá hơn với 13 TS! Có lẽ vì vậy mà mặc dù chưa đến thời hạn xét tuyển NV2 nhưng trong thông báo xét tuyển NV2, trường đã “thòng” luôn thời gian xét tuyển NV3 với mức điểm xét tuyển bằng sàn như một cách “quảng bá” trước để thu hút TS!

Tương tự, ĐHDL Ngoại ngữ - tin học TPHCM chỉ tuyển được 479 TS cho NV1, tức khoảng 35% so với chỉ tiêu và chỉ bằng 60% so với năm ngoái. Ngay khi công bố điểm thi, trường cũng đã thông báo luôn thời gian xét tuyển NV3 dù việc xét tuyển NV2 chưa diễn ra cũng như kết quả xét tuyển vẫn còn là một ẩn số. Và để thu hút TS, trường còn cho phép TS được hoán đổi ngành học trong cùng khối thi sau khi trúng tuyển.

Trong khi đó, mặc dù là trường công lập nhưng ĐH An Giang luôn lâm vào tình thế tuyển không đủ chỉ tiêu. Với điểm chuẩn NV1 nhiều ngành bằng sàn và khoảng cách chênh lệch giữa khu vực (KV) 2 với KV3 là 2 điểm, các KV còn lại kể từ KV2 cách nhau 1 điểm. Toàn bộ tỉnh An Giang là KV2 trở xuống, nghĩa là điểm sàn chung, điểm sàn xét tuyển cũng như điểm chuẩn chỉ là 13 đối với khối A, B và 12 với khối C, D, đối tượng được hưởng điểm ưu tiên nhiều nhất chỉ cần 8 điểm là đã trúng tuyển. Nhưng trường cũng chỉ tuyển được 1.628 TS/1.980 chỉ tiêu!

Chính vì vậy mà trường đã thông báo luôn điểm xét tuyển NV2 cũng như NV3 để “tranh thủ” sự chú ý của TS. Trong khi một số ngành có điểm xét tuyển NV3 cao hơn NV2 một điểm thì hầu hết các ngành còn lại đều có mức điểm xét tuyển tối thiểu bằng điểm chuẩn NV1. “Chúng tôi thông báo luôn điểm xét tuyển NV3 vì biết dễ gì tuyển đủ bằng NV2” - ông Trần Văn Thạnh, trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng ĐH An Giang, cho biết.

Nhiều trường sẽ nhận hồ sơ trực tiếp?

Hoàn cảnh tuyển sinh vốn đã khó khăn, năm nay các trường này lại còn chịu sự cạnh tranh “thị phần” khá quyết liệt của các trường công lập. Điểm xét tuyển của những trường công lập chỉ cách sàn 1 điểm, thậm chí bằng sàn với số lượng tuyển khá lớn như một số ngành của Khoa kinh tế, ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM), ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Đà Nẵng, Quy Nhơn...

Có lẽ vì thế mà kỳ thi tuyển sinh năm 2004 đã từng xảy ra tình trạng “giành giật” TS của một số trường ĐH dân lập. Có trường đã cấp luôn giấy báo trúng tuyển cho những TS đủ điểm sàn và yêu cầu TS đóng luôn học phí nhằm giữ chân TS ở lại trường mình. Thậm chí có trường còn cấp giấy hẹn nhận giấy báo trúng tuyển khi TS đăng ký xét tuyển như một lời hứa đảm bảo đậu...

Theo qui chế tuyển sinh, thời gian nhận hồ sơ xét tuyển NV2 bắt đầu từ ngày 25/8 đến ngày 10/9; NV3 bắt đầu từ ngày 15/9 và kết thúc vào ngày 30/9. Các trường chỉ nhận hồ sơ xét tuyển của TS qua đường bưu điện mà không được nhận trực tiếp. Tuy nhiên theo các trường, qui định này quá cứng nhắc và là một thủ tục “làm khó” TS.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TPHCM, cho rằng việc nộp hồ sơ xét tuyển qua bưu điện hay trực tiếp tại trường đều như nhau nếu như việc xét tuyển được thực hiện nghiêm túc và được giám sát chặt chẽ. Cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TS.

Trong khi đó ông Nguyễn Quốc Hợp, trưởng phòng đào tạo ĐHDL Văn Hiến, cũng hết sức bức xúc: “Bộ qui định như thế là quá cứng nhắc. Tâm lý của người học là muốn đến tận nơi nhìn tận mắt nơi mình sẽ học để nộp hồ sơ. Với những TS có điều kiện đến trường thì sao lại bắt họ phải quay về gửi hồ sơ qua bưu điện?”.

Qui định về việc gửi dữ liệu, giấy báo điểm của những TS “mục 16”, qui định về việc nộp hồ sơ xét tuyển... xem ra đã không phù hợp với tình hình thực tế tuyển sinh của các trường. Và như vậy, khả năng các trường linh động “xé rào” là hoàn toàn có thể xảy ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho TS lẫn cho chính các trường trong việc xét tuyển.

Theo Minh Giảng
 Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm