Các trường THPT dân lập Hà Nội “khát” học sinh
Bên cạnh đòi hỏi không cao, các trường dân lập sẵn sàng đầu tư, quảng cáo hình ảnh của trường nhằm thu hút học sinh, thông báo tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng: đài phát thanh, báo chí, bản tin của UBND phường, hay ở chính cổng các trường THPT công lập....
Tuy không đạt nguyện vọng vào các trường THPT quốc lập nhưng những học sinh còn lại vẫn còn nhiều con đường khác để lựa chọn như các trường THPT dân lập (DL), các trường dạy nghề... Các bậc phụ huynh, các em học sinh đều biết là thế nhưng đã kết thúc hai đợt tuyển sinh, nhiều trường DL vẫn trong tình trạng “khát” học sinh.
Đủ các chiêu mời gọi
Một số trường DL thuộc hàng “đỉnh” của Hà Nội mới có thể đưa ra mức điểm nguyện vọng, khống chế số lượng học sinh đăng ký vào học như: THPT Lương Thế Vinh 50 điểm, DL Marie Curie 49 điểm, Nguyễn Siêu 47 điểm…
Các trường còn lại yêu cầu đối với học sinh “đầu vào” không hề khó khăn chút nào: đỗ tốt nghiệp lớp 9 (đạt 30 điểm trở lên), học lực ở mức trung bình trở lên, hạnh kiểm khá tốt.
Bên cạnh đòi hỏi không cao, các trường DL sẵn sàng đầu tư, quảng cáo hình ảnh của trường nhằm thu hút học sinh...
Mức lương dành cho một giáo viên dạy tại trường sẽ được nâng lên 10% nếu giới thiệu được ít nhất 5 học sinh vào học trong trường; thầy cô giáo trẻ mới ra trường mong muốn tập sự giảng dạy tại trường THPT DL H.B phải vượt qua “ngưỡng cửa” tuyển sinh tối thiểu 5 học sinh cho trường…
Trường THPT DL Hà Nội (Đê La Thành) nhận hồ sơ từ ngày 15/6/2005 (thời điểm ngay sau khi học sinh THCS biết điểm tốt nghiệp).
Mặc dù lớp 10 các trường đã học ôn tập hè được 1 – 2 tuần, trường THPT DL Phạm Ngũ Lão (Đông Anh) cần tuyển 400 học sinh (8 lớp) mới tuyển được ba phần tư con số đó.
THPT DL Văn Hiến (Nguyễn Khuyến) còn trống gần 1 lớp trong số 4 lớp (tổng số tuyển là 135 học sinh), 225 học sinh (chia làm 5 lớp) vẫn là con số khát khao của THPT DL Hà Nội.
Đặc biệt, lớp chất lượng cao của các trường (học sinh có điểm đạt tối thiểu 50 – 54, không có năm học nào là học lực Trung bình) thì lại càng “khát” học sinh chất lượng tốt.
Trong mấy ngày đầu tháng 8, bất cứ trường DL nào mà chúng tôi gọi điện thoại đến đều công nhận lớp chất lượng cao của họ thiếu học sinh. Người chịu trách nhiệm tuyển sinh của trường THPT DL N.B.K khẳng định cho dù đã vượt quá chỉ tiêu tuyển nhưng trường vẫn nhận học sinh có số điểm tốt nghiệp là 52 trở lên.
Vì sao “ngại” dân lập?
Phần lớn cơ sở vật chất của hầu hết các trường THPT DL Hà Nội là đi thuê. THPT DL Hồng Bàng (Nguyễn Ngọc Vũ) có ba cơ sở học nhưng đều là cơ sở thuê mượn. THPT DL Văn Hiến không thể tuyển nhiều học sinh vì cơ sở vật chất trường thuê không được khang trang, rộng rãi.
Thuê trường, thuê thầy kéo chi phí cho việc học ở trường DL tốn kém. Đối với các gia đình khá giả, nếu con em học ở trường DL thì chi phí không phải là điều đáng bàn, nhưng với các gia đình nghèo thì quả là bài toán khó.
Chị Phương Minh, 38 tuổi, ngõ 145 phố Quan Nhân, Đống Đa, Hà Nội, có con vừa tốt nghiệp lớp 9 tâm sự: “Con tôi không đủ điểm xét tuyển vào trường quốc lập nhưng học phí ở các trường DL hơi cao nên gia đình cũng gặp nhiều khó khăn”.
Nhiều em học sinh còn mang nặng mặc cảm: Trường DL ít bạn lo học, phần nhiều lơ là với môi trường ấy, các em sẽ bị ảnh hưởng và khó tiến bộ được… khiến nỗi lo chuyển cấp, xét tuyển vào THPT trở thành gánh nặng lớn hơn cho các bậc phụ huynh, các em học sinh. Và một số phụ huynh cũng có cách nhìn chưa đúng về về môi trường học ở trường DL.
Trên thực tế, 55 trường THPT DL trải khá đều các quận, huyện Hà Nội đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm của các trường THPT DL tương đối cao, từ 92 – 98%, có trường 100%. Cần có sự nhìn nhận khách quan, sát thực tế hơn về các trường dân lập để tạo cơ hội học tập cho đông đảo học sinh.
Theo Phạm Hải Hà
Tiền Phong