Các trường Sư phạm cần xem xét lại chương trình đào tạo hiện hành

(Dân trí) - Trong chương trình môn học mới bên cạnh sự ảnh hưởng đến giáo viên, học sinh phổ thông thì các trường Sư phạm cũng chịu sự chi phối lớn trong việc đào tạo lực lượng giáo viên thích ứng với chương trình. Vậy các trường phải thay đổi như thế nào?

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM về vấn đề này.


 PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

Chương trình GDPT mới cần phải hoàn chỉnh thêm

Thưa PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, dự thảo chương trình GDPT mới do Bộ GD&ĐT ban hành thu hút sự quan tâm lớn từ xã hội. Ông đánh giá dự thảo lần này như thế nào?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Có thể khẳng định dự thảo chương trình phổ thông mới đã có sự đầu tư rất nghiêm túc, khoa học, đảm bảo tính đa chiều và tính phản biện cao.

Ưu điểm nổi trội là chương trình đã có các trụ cột cơ bản để xây dựng và phát triển. Trên bình diện khoa học, tính mục tiêu, tính kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau và liên thông với chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học được đảm bảo.

Hơn nữa, chương trình GDPT lần này được xây dựng theo hướng mở, có sự kết nối giữa tính hiện đại của thế giới và tính truyền thống, tính phổ quát và tính địa phương, tính ổn định và khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu của thực tế là những ưu điểm nổi bật...

Tất nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần phải hoàn chỉnh thêm. Chẳng hạn như, tên một vài môn học cần xem xét, cụ thể Giáo dục lối sống là tên môn học khá phổ biến ở nhiều quốc gia ngay từ lần dự thảo đầu đã có, dự thảo lần này quay lại thành tên Đạo đức là chưa thật sự mới và phù hợp; một vài cấu trúc nội dung trong từng môn cần đảm bảo quan điểm ứng dụng nhiều hơn nữa; hoạt động trải nghiệm cần được trải dọc và ngang khoa học theo ma trận; tính xoáy trôn óc ở kỹ năng cần được đan cài logic hơn theo biên độ ở một số môn kéo dài 12 năm cũng cần chú trọng hơn...

So với chương trình hiện hành thì dự thảo lần này có những sự tiến bộ nào, thưa ông?

Tôi cho rằng so sánh với chương trình cũ là điều không nên vì chúng ta cần nhìn sự phát triển theo dòng chảy, đặt chương trình học theo mục tiêu phát triển, nhu cầu của thời cuộc. Hơn nữa, những thành quả đã qua là nền tảng quan trọng để phát triển và giáo dục không nằm ngoài quy luật chung.

Rõ ràng trong dự thảo chương trình mới nhiều ưu điểm của chương trình hiện hành vẫn được đảm bảo và khai thác, một số hạn chế đã được khắc phục như: xác định được năng lực cốt lõi của con người trong và sau đào tạo, làm rõ giai đoạn định hướng nghề nghiệp khá sớm, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn được thể chế hóa khá rõ ràng, một số môn học và hoạt động giáo dục hòa nhập với xu thế chung của thế giới

Cụ thể như ở tiểu học, việc giúp trẻ làm quen với Tin học và Công nghệ được đảm bảo; Lịch sử và Địa lý (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); ở cấp THCS việc tích hợp khoa học xã hội thành môn học là điều thú vị, hay Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thiết kế thành các chủ đề; Học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường...

Tất cả điều này minh chứng cho tính logic trong tầm nhìn và nhận thức của những người thực hiện chương trình. Sự tiến bộ ấy còn được thể hiện ở việc có các minh chứng cụ thể bước đầu trong một số luận điểm khoa học, các tri thức tiên tiến được cập nhật và sử dụng...

Các trường sư phạm phải chuyển mình

Để đáp ứng được các yêu cầu của chương trình GDPT mới, theo ông, việc đào tạo giáo viên của các trường Sư phạm cần thay đổi ra sao?

Việc định hướng trách nhiệm của các trường sư phạm đã được Bộ GD&ĐT quán triệt rất cụ thể và chính mỗi trường sư phạm cũng đã có hướng chuẩn bị bài bản và hệ thống. Tuy nhiên, để có thể thực sự chuyển mình trong đào tạo sinh viên theo định hướng của chương trình phổ thông mới, theo tôi, các trường sư phạm cần có những hành động cụ thể.

Trước hết, cần xem xét chương trình đào tạo hiện hành để cập nhật ngay các kiến thức, kỹ năng cần đáp ứng trong chương trình phổ thông mới. Vận dụng khoa học và hiệu quả quy chế đào tạo trong khi triển khai quy trình đào tạo để đảm bảo đào tạo hiệu quả và thích ứng.

Bổ sung các chuyên đề đáp ứng chương trình phổ thông mới trên bình diện chung để sinh viên toàn trường có thể làm chủ và thích nghi chương trình giáo dục phổ thông mới. Đơn cử như hoạt động trải nghiệm, tích hợp hoạt động hướng nghiệp, dạy học tích hợp và dạy học phân hóa.

Xem xét chương trình chi tiết các học phần nghiệp vụ đặc biệt là nhóm học phần phương pháp để đảm bảo tính cập nhật nhằm đảm bảo đào tạo hiệu quả và ứng dụng với thực tiễn mới. Đồng thời, xây dựng tính tích hợp trong đào tạo nhóm khoa nhằm chuẩn bị cho việc đào tạo thực hành theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các trường sư phạm cần chuyển mình ngay trong những khóa đào tạo đã bắt đầu 1, 2 và 3 năm để có thể thích ứng ngay với chương trình giáo dục mới. Mặt khác, phải đầu tư bồi dưỡng giáo viên cũng như đầu tư trí tuệ và tâm sức để có thể xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo đội ngũ giáo viên cho các khóa mới.

Hiện tại, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã có những sự chuẩn bị gì cho việc đào tạo giáo viên phục vụ chương trình GDPT mới, thưa ông?

Các biện pháp tôi đề cập ở trên đã được Trường ĐH Sư phạm TPHCM áp dụng ngay cho khóa sinh viên vừa ra trường năm 2017. Làm được điều này là do nhà trường có nhiều nhà khoa học là chuyên gia xây dựng chương trình của Bộ đã cập nhật và chuyển giao ý tưởng sớm.

Hiện nay, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình phổ thông mới của khóa đào tạo mới 2018 - 2022 đang được thực hiện nghiêm túc, sáng tạo để đảm bảo tính thích ứng.

Ngoài ra, Trường ĐH Sự phạm TPHCM cũng đã đồng bộ việc tập huấn, hội thảo, truyền thông cho quản lý bộ phận, giảng viên, giảng viên trẻ và sinh viên toàn trường về chương trình GDPT mới trong suốt năm 2017 với các chuyên đề, các tọa đàm chuỗi, cuộc thi... nhằm lan tỏa tinh thần của chương trình từ nhận thức đến thái độ và hành động.

Trong năm 2018, khi các giải pháp đã đồng bộ, trường sẽ tiếp tục thực hiện các chuyên đề trọng điểm, chuỗi đề tài NCKH của giảng viên, sinh viên, các dự án ứng dụng có liên quan đến chương trình phổ thông mới sẽ được thực thi

Nhà trường cũng đang tích cực tham gia các đề án, dự án của Bộ và sáng tạo chủ động thêm các nhóm nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo giáo viên THCS, giáo viên phụ trách hoạt động giáo dục thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài, cam kết có sản phẩm như chiến lược đột phá.

Trường ĐH Sư phạm TPHCM đang sẵn sàng đón khóa sinh viên mới với sự lạc quan và tiếp tục điều chỉnh có định hướng nội dung đào tạo các khóa sinh viên hiện tại để có thể thích nghi và thực hiện chương trình GDPT mới. Quan điểm của chúng tôi là sẽ làm hết sức mình để chuẩn bị cho sinh viên kỹ năng quản lý sự thay đổi và làm chủ để thích ứng với sự thay đổi.

Với cách tiếp cận mới là phát triển năng lực của sinh viên sư phạm nên việc thích nghi chương trình mới phát triển năng lực người học là điều khả thi. Và nếu sản phẩm đào tạo của nhà trường là nhà giáo dục mà không phải chỉ là người dạy thì chắc chắn đáp ứng được thách thức này.

Xin cám ơn PGS.TS Huỳnh Văn Sơn.

H.Chương (Thực hiện)