Kì thi quốc gia năm 2015:

Các trường băn khoăn trước nguy cơ thí sinh ảo tăng

(Dân trí) - Theo phương án kỳ thi quốc gia năm 2015, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được tự in giấy báo điểm để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Đa phần lãnh đạo các trường và các Sở GD-ĐT khu vực phía Nam đều băn khoăn trước khả năng khó kiểm soát được lượng thí sinh ảo.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thi-quoc-gia-thpt-2015-ty-le-hoc-sinh-truot-tot-nghiep-se-nhieu-947793.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Thi quốc gia THPT 2015: Tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp sẽ nhiều!</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dai-bieu-quoc-hoi-chi-ra-diem-yeu-cua-ki-thi-quoc-gia-thpt-2015-947442.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Đại biểu Quốc hội chỉ ra điểm yếu của kì thi quốc gia THPT 2015</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/phan-loai-cum-thi-mat-di-su-cong-bang-giua-cac-thi-sinh-947338.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Phân loại cụm thi: Mất đi sự công bằng giữa các thí sinh</b></a>

Dự báo lượng thí sinh ảo tăng đột biến

Ngày 26/9, hơn 300 đại biểu là lãnh đạo sở GD-ĐT các tỉnh và lãnh đạo các trường ĐH, CĐ khu vực phía Nam từ Bình Thuận trở vào đã tham dự Hội nghị triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015. Các đại biểu đều thống nhất việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung nhưng vẫn tỏ ra lo lắng ở khâu tổ chức và kỹ thuật để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.

Các trường băn khoăn trước nguy cơ thí sinh ảo tăng
Các trường đều lo lắng lượng thí sinh ảo tăng khi được tự in giấy báo điểm tham gia xét tuyển vào ĐH, CĐ.

TS Đỗ Văn Xê - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho rằng nếu cứ để thí sinh tự do trong việc in giấy báo điểm để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì sẽ không khống chế được số lượng thí sinh ảo. Theo đó, ông Xê kiến nghị năm nay chưa nên cho phép thí sinh xét tuyển tự do, mà ràng buộc bằng việc chỉ nên cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi.

Đồng ý kiến này, GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng trước vấn đề ảo. Năm nào chúng tôi cũng dự toán gọi thêm 30% bởi vì thực tế số lượng thí sinh vào trường không bao giờ như dự kiến của mình. Với tình hình năm nay thì trường cũng sẽ căn cứ vào lượng ảo của 3 năm tuyển sinh liên tiếp và bộ phận công nghệ thông tin của phòng đào tạo sẽ phải tính toán, dự toán số ảo để gọi thêm đảm bảo đủ đầu vào. Vì vậy trường chúng tôi cũng đồng ý với nhiều ý kiến các trường chỉ cấp 3 phiếu điểm chứ nếu cấp thoải mái thì sẽ rất khó cho các trường".

Cũng băn khoăn vấn đề này, ông Dương Thế Phương - Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương ý kiến rằng: “Bộ GD-ĐT nói sẽ tính cái ảo nhưng tổ chức như thế này thì ảo càng nhiều. Một thí sinh có thể thi 5 môn và có thể có 3 nguyện vọng thuộc 3 khối. Giả sử sau khi thi, theo nguyên tắc tổ chức của Bộ thì một học sinh lấy phiếu điểm thì phiếu điểm đó ai cấp? Sở GD-ĐT địa phương hay trường ĐH in? Nếu Sở GD in thì vừa in bằng tốt nghiệp, phiếu điểm 3 khối theo nguyện vọng của thí sinh. Vậy có lường trước khống chế bao nhiêu nguyện vọng cho học sinh không?”.

Thí sinh nộp xét tuyển online

Bên cạnh những lo lắng trước tình trạng không thể lường được số lượng thí sinh ảo, nhiều trường cũng góp ý với Bộ GD-ĐT những giải pháp riêng của mình. Phát biểu tại hội nghị, TS Nguyễn Quốc Chính - Phó trưởng Ban đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết một vấn đề nhiều trường lo lắng là thí sinh ảo năm nay rất là cao nếu cho phép thí sinh nộp tất cả cho các trường ĐH, có khả năng một em nộp cùng lúc 4-5 trường.
 
“Bộ GD-ĐT cho biêt đã có phần mềm giải quyết việc đó thì nên sớm cho các trường biết cụ thể sẽ như thế nào hoặc chúng ta quay lại cách làm thủ công như trước kia là in 2-3 giấy báo điểm. Nếu cứ để cho thí sinh nộp thoải mái hồ sơ xét tuyển thì các trường sẽ vất vả để xử lý đều này. Chúng tôi mong muốn có giải pháp càng tin học hóa thì càng tốt”, ông Chính đề xuất.

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thì đưa ra quan điểm tuyển sinh của tôi vẫn là nguyên tắc “lọt sàn xuống nia”, như nay rồi Bộ đã khẳng định trường nào lấy từ 17 điểm trở lên thì là nhóm 1, từ 15-17 điểm là nhóm 2còn những trường nào lấy từ điểm sàn thì thuộc nhóm 3. Như vậy, để giảm số lượng ảo thì đề nghị Bộ GD-ĐT năm nay cũng phân tầng như vậy tức là đợt 1 cho những trường thuộc nhóm 1 cho tuyển trước, sau khi đủ chỉ tiêu trong vòng 1 tuần chẳng hạn thì những em còn lại tiếp tục đăng ký vào những trường top 2 và phần còn lại đăng ký vào trường top 3, thì như vậy các trường yên tâm sẽ không có “ảo” nữa. Chứ bây giờ cho các em đăng ký thoải mái thì chúng tôi không thể nào lường được số đăng ký vào trường bao nhiêu.

Cũng theo ông Dũng, nhà trường sẽ tiếp tục đăng ký với Bộ GD-ĐT đề án tuyển sinh riêng của mình. Năm 2015, trường sẽ có bước đột phá trong xét tuyển theo đề án riêng là công nhận những học sinh nào có chứng nhận tiếng Anh quốc tế hoặc là những em học trường chuyên mà điểm 3 môn Toán, Lí, Hóa đạt 7,0 trở lên thì cục khảo thí cho trường chúng tôi tuyển thẳng. Ông Dũng lý giải rằng “riêng đối với học sinh trường chuyên thì những em này đã được sàn lọc từ năm lớp 10, đa phần các em học rất giỏi nên với mong muốn là cải tiến này sẽ bớt ảo đi để các trường chọn được thí sinh phù hợp hơn”.

Trước lo lắng của các đại biểu, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết việc cấp 3 hay 5 giấy chứng nhận kết quả thi là cách làm cũ, nay chúng ta phải tin học hoá việc này. Như vậy, thí sinh có thể tự do đăng ký online hoặc giấy”.

Trong khi đó, trong phần kết luận hội nghị, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng tỷ lệ thí sinh ảo trong xét tuyển ở kỳ thi này phải tăng lên để công bằng hơn cho thí sinh và giúp các trường tuyển được thí sinh chất lượng hơn. Trong đó, thí sinh thấy giải tỏa uất ức thiệt thòi vì điểm cao nhưng vẫn không đỗ ĐH.
 
“Trên tinh thần này, các trường phải chấp nhận vất vả hơn khi có nhiều thí sinh ảo trong khâu xét tuyển”, Bộ trưởng khẳng định
Lê Phương
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm