Các nhà nghiên cứu trẻ toàn quốc “trình làng” những đề tài chất lượng
(Dân trí) - Trong ngày 15/11 tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia các nhà nghiên cứu trẻ. Đây là diễn đàn khoa học do trường tổ chức mục đích nhằm cập nhật các xu thế mới trong nghiên cứu khoa học (NCKH) của thế giới từ các cơ sở giáo dục trên cả nước.
Với số lượng 70 bài nghiên cứu gửi đến hội thảo thuộc các lĩnh vực, có 16 bài chuyên ngành khoa học tự nhiên, 38 bài chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn, 19 bài chuyên ngành khoa học giáo dục.
Với quy trình phản biện kín, nghiêm ngặt và mang tính học thuật cao, ban tổ chức và ban biên tập kỷ yếu đã cân nhắc chọn được 55 bài xuất bản trong kỷ yếu, trong đó có 10 bài được trình bày tại phiên toàn thể của hội thảo, 8 báo cáo trình bày dưới hình thức poster.
Nhiều vấn đề mới trong NCKH đã được quan tâm như nghiên cứu liên ngành trong khoa học, vấn đề “Cái tôi cô đơn trong thơ Trương Đăng Dung, Nguyễn Bình Phương và Trần Tuấn” nhìn từ cảm thức hiện sinh của tác giả Nguyễn Đông Nghi, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế;
Đến việc gắn kết giữa NCKH với thực tiễn đời sống và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước như đề tài “Xác định hàm lượng chì và cadimi trong một số loại gạo tiêu thụ ở thành phố Huế bằng phương pháp hấp thụ nguyên tử” của nhóm tác giả Hà Thùy Trang, Nguyễn Đình Luyện, Ngô Văn Tứ, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế.
Ở lĩnh vực Khoa học giáo dục, có khá nhiều bài báo tìm hiểu các vấn đề về nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo tích hợp khoa học cơ bản và nghiệp vụ sư phạm trong đào tạo giáo viên, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá theo định hướng tiếp cận năng lực người học.
Tiêu biểu có thể kể đến “Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Đại học nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0” của tác giả Phạm Thị Kim Liên; “Một số phương tiện dạy học trong dạy học hình học ở Tiểu học nhằm phát triển năng lực cho học sinh” của tác giả Lê Thị Cẩm Nhung, trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên; “Từ khả năng vượt khó của giáo viên đến công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” của tác giả Trần Thị Kim Huệ, trường ĐH Phạm Văn Đồng.
Một nhà nghiên cứu trẻ trình bày đề tài
Bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại giao lưu và hội nhập thế giới đang được nhiều quốc gia quan tâm, đặc biệt Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, chương trình nghiên cứu cho vấn đề này. Có thể kể đến các bài báo “Tiếp biến văn hóa trong hình tượng Cao Đài Tam Thánh” của nhóm tác giả Dương Văn Hậu, Đặng Văn Chương; bài “Biến đổi văn hóa của người H’Mông di cư tự do dưới sự tác động của đạo Tin Lành tại xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng” của tác giả Phạm Hồng Hải - trường ĐH Đà Lạt…
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Luyện, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, với nhiệt huyết đổi mới sáng tạo dồi dào, năng lượng khoa học mạnh mẽ của các nhà nghiên cứu trẻ, hội thảo là tiền đề thúc đẩy cho nghiên cứu mới, để các vấn đề ý tưởng khoa học trong hôm nay sẽ trở thành thực tiễn. Quan trọng là sau hội thảo sẽ có nhiều dự án, nhiều đề tài, nhiều nhóm nghiên cứu được thành lập, nhiều mô hình sản phẩm mới sẽ ra đời.
Đại Dương