Các chiêu “năng nhặt chặt bị” của du học sinh

Đi chợ đồ cũ, thậm chí lùng sục bãi rác hoặc gõ cửa từng phòng hỏi mua, xin đồ cũ hay xếp hàng từ nửa đêm để rình đồ giảm giá trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” đối với các du học sinh Việt Nam.

Tăng xin, giảm mua, tích cực nhặt nhạnh

 

Quản lý chi tiêu luôn là bài học đầu tiên mỗi du Học sinh Việt Nam thấm thía khi đặt chân đến xứ người. Một mớ rau, một cuốn sách hay một cái áo giá tiền có thể cùng con số, nhưng ở Việt Nam thì tính bằng VND, ở nước ngoài tính bằng USD, Euro… nên sờ vào là đã thấy xót xa. Vì thế, du Học sinh Việt Nam tìm đủ mọi cách giảm chi tiêu với khẩu hiệu “tăng xin, giảm mua, tích cực nhặt nhạnh”.

 

Nguyễn Ngọc Tuấn (ĐH Twente, Hà Lan): “Trong các khu nhà cho sinh viên thường có bảng thông báo. Ai có sách cũ hoặc đồ cũ cần bán thì dán lên bảng, mình có thể liên lạc trực tiếp để mua. Đầu năm học, các bảng thông báo này thường kín mít, không còn chỗ trống. Khi đồ đã được bán, người rao sẽ tự động gỡ khỏi bảng”.

 

Mua hàng theo kiểu này thường được giảm giá từ 50% trở lên và thỉnh thoảng còn được “khuyến mại” một vài vật dụng nho nhỏ, rẻ tiền vì “đồng cảnh ngộ sinh viên với nhau”. Nếu sử dụng cẩn thận, khi kết thúc khóa học, Sinh viên có thể bán lại những món đồ đó cho các du Học sinh đến sau và có thể thu hồi một phần “vốn”. Quỳnh Nga (Tây Ban Nha) còn chủ động dạo một vòng xung quanh ký túc xá, lân la dò hỏi xem có sinh viên quốc tế nào sắp về nước để lại đồ đạc gì không để xin hoặc thương lượng mua lại với giá rẻ.

 

Còn Ngọc Quang (Leicester, Vương quốc Anh) lại có sự chuẩn bị kỹ càng hơn khi chủ động liên hệ với bạn bè và các du Học sinh Việt Nam tại Leicester vài tháng trước khi sang để hỏi mua hoặc xin đồ.

 

Quang chia sẻ: “Nếu may mắn thì sẽ được cho miễn phí luôn. Mình được cho nồi cơm điện, dụng cụ làm bếp, giầy đá bóng, quần áo rét... Các “tiền bối” cũng chỉ cho mình chỗ nào bán hàng rẻ, đợt nào có đồ giảm giá”. Ở gần trường Quang, mỗi tuần có 2 phiên chợ, nông dân mang thực phẩm tới bán trực tiếp nên giá rẻ hơn rất nhiều so với trong siêu thị.

 

Trần Anh Tuấn ở Paris (Pháp) cho biết mỗi khu phố có quy định ngày dọn đồ chung để tiện cho việc... vứt rác cồng kềnh nhưng sinh viên có thể tận dụng để đi xin những đồ cũ còn dùng được về nhà. Những đồ điện tử không còn dùng được thì sẽ bị cắt hết dây, đồ còn sử dụng được thì để nguyên. Sinh viên nào bỏ lỡ ngày dọn đồ này có thể ra… bãi rác để tìm đồ còn dùng được mà chẳng sợ ai cười.

 

Ở Mỹ muốn vứt đồ ra bãi rác cũng phải mất phí khá tốn kém nên nhiều người thường thông báo rộng rãi trên “craigslist” (mạng xã hội ảo dành cho thông tin trong một cộng đồng dân cư), du học sinh chăm chỉ lên đó theo dõi thì dễ “xin” được nhiều món đồ cũ còn tốt. Thậm chí, chủ đồ còn cảm ơn rối rít và tặng thêm tiền để sinh viên mang đồ về.

 

Tiện lợi hơn, du học sinh có thể vào website của Hội Sinh viên Việt Nam ở các nước để lập chủ đề tìm mua hoặc xin đồ cũ, học hỏi kinh nghiệm quản lý chi tiêu của các “tiền bối”. Lê Hải Yến vừa chân ướt chân ráo sang Melbourn (Australia) đã mua được chiếc ti vi cũ với giá giảm một nửa nhờ gặp may trên mạng.

 

“Sale điên cuồng”

 

Vốn quen với giá cả được định sẵn quanh năm ở Việt Nam, khi đi du học, sinh viên rất hào hứng mỗi khi tới mùa sale-off (giảm giá) bởi sự giảm giá đồng loạt và “điên cuồng”. Ở đâu trên đất Mỹ cũng dễ dàng gặp những “garage sale” hay “yard sale”. Đó không phải là dịch vụ bán garage giá rẻ hay vườn giá rẻ mà là tên gọi một loại hình bán đồ cũ theo kiểu gia đình. Một gia đình hoặc một nhóm cộng đồng, nhóm Sinh viên có nhiều đồ không dùng nữa và có nhu cầu thanh lý thì họ mang ra garage hoặc vỉa hè trước cửa nhà bày bán. 

 

Minh Đức - một du học sinh vừa hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Boston cho biết: “Mặt hàng ở đây phong phú, từ cái chổi, cái ghế, đĩa CD, sách cũ đến ti vi, tủ lạnh, máy giặt... Giá cả rất rẻ, có khi chỉ vài đô la một món hàng nhưng thông thường do mọi người tự định giá và thỏa thuận với nhau”. Thông báo về các buổi “garage sale” này thường được dán ở các cửa hàng hoặc cột điện trong cộng đồng dân cư gần đó. Có sinh viên đã từng “xin” được ôtô cũ và được “khuyến mại” thêm vài chục USD để đổ xăng.

 

Ở Mỹ, ngoài ngày đại hạ giá lớn nhất trong năm là Black Friday vào mùa Giáng sinh, sinh viên còn háo hức chờ ngày “Back-to-school sale” vào tháng 8 và 9 hằng năm để chào mừng mùa khai giảng. Rất nhiều mặt hàng phục vụ cho sinh viên như quần áo, máy tính, đồ điện tử... được giảm giá mạnh.

 

Ở các nước châu Âu, Australia… cũng thường có hai mùa sale định kỳ là dịp hè và Giáng sinh. Nhưng nhiều khi sinh viên phải kiên nhẫn, xếp hàng từ sáng sớm, thậm chí nửa đêm để rình trước những cửa hàng được ưa chuộng mới mong kiếm được món đồ đã “nhắm” trước hoặc vừa ý.

 

Đặc biệt, ở nhiều nơi, hàng hóa không chỉ được giảm giá một lần mà cũng món đồ đó, nếu sau một tuần không bán được sẽ tiếp tục hạ giá, giá mới dán chồng lên giá cũ. Vì vậy, nếu kiên nhẫn và có một chút may mắn, sinh viên có thể tậu được những món hàng với giá chỉ bằng 1/10 ban đầu. Một số du học sinh đùa nhau rằng phải “bóc giá mỏi tay”, đến lớp giá cuối cùng, giá gốc, thì “sung sướng ngất ngây” khi biết mình “lời to”.

 

Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm