Siết chặt tình trạng HS, SV chơi game online:
Cả xã hội phải chung sức chống tác hại của game online
(Dân trí) - Học sinh, sinh viên chơi game ngày càng nhiều, nhiều trường hợp phải đi cai nghiện… Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều vụ bạo lực học đường trong thời gian qua. Đã đến lúc cả xã hội phải chung sức chống lại tác hại của game.
Học sinh nghiện game, thầy cô phát hoảng
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, số HS nghiện game của toàn TP là 2.850 em (trong đó có 668 HS nữ). Việc chơi game không những tiêu tốn tiền bạc, sức khỏe mà các em còn bị sa sút học hành, đạo đức bị ảnh hưởng. Nhiều câu chuyện đau lòng về tác hại của game online được đưa ra, cảnh báo hậu quả khôn lường.
Nhiều hoạt động vui chơi, sinh hoạt giải trí ở nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội đã được TP đẩy mạnh để kéo các em ra khỏi trò chơi trực tuyến. Nhưng lãnh đạo nhiều trường cho rằng, các hoạt động giải trí không có sự "mê hoặc chết người" như game. “Tổ chức các hoạt động ngoại khóa ở trường, các em nói ở nhà “bấm” game” còn sướng hơn”, bà Nguyễn Phạm Minh Thu, phó hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương ( Q.1) nói.
Bà Nguyễn Phạm Minh Thu, phó hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương ( Q.1, TPHCM) lo ngại nghiện game khiến nhiều HS đang rời xa các mối quan hệ trong đời sống cũng như việc rèn luyện sức khỏe và trí tuệ.
Bà Thu nói, giờ ra chơi bây giờ rất đông các em HS không còn bay nhảy, vui đùa mà nằm rạp trên bàn học với tinh thần mệt mỏi, lờ đờ. Hỏi ra mới hay, các em mất ngủ vì thức chơi game. Trực tiếp nhìn những hình ảnh đó, người này thắng thắn bộc bạch lo ngại không chỉ với vai trò của người quản lý trường học mà còn với tâm tư của một người mẹ: “Các em đang rời xa thế giới thật, những mối quan hệ trong cuộc sống, việc rèn luyện sức khỏe và trí tuệ".
Thầy Nguyễn Anh Phượng, phó hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa (Bình Thạnh) đồng tình cho rằng các vụ việc xử lý HS bỏ học, học hành sa sút vì nghiện game tại trường ngày càng nhiều. Phụ huynh nhiều em cắt internet thì các em dành tiền ăn sáng, làm mọi cách để được chơi.
“Khi đã chơi game rồi thì rất khó dứt ra. Game có chất gây nghiện, hỏi đầu óc, sức khỏe tập trung hết cho chơi game thì làm sao các em học?’, thầy Phượng nói.
Cần nhiều bên kết hợp
Ông Dương Văn Bá, Vụ trưởng Vụ Công tác HS, SV cho biết năm học 2011 - 2012 sẽ thực hiện mục tiêu nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, HS,SV về tác hại của của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, không lành mạnh, 100% HS, SV sẽ cam kết với nhà trường và các tổ chức đoàn thể không tham gia trò chơi bạo lực. Đồng thời ngăn chặn kịp thời những tác động xấu của trò chơi trực tuyến có nội dung không lành mạnh.
Chương trình đặt ra mục tiêu cán bộ, giáo viên, HS, SV và phụ huynh sẽ được tuyên truyền về tác hại của các trò chơi trực tuyến không lành mạnh.
Theo đó, vai trò của ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại của game online; tiếp tục tăng cường các CLB, các hoạt động văn hóa, văn nghệ… tạo sân chơi lành mạnh cho HS; lồng ghép việc phổ biến giáo dục về tác hại của game vào các môn học, các hoạt động ngoại khóa giúp HS nhận thức được giá trị sống, nâng cao kỹ năng sống, định hướng hành vi và nhận thức được giá trị sống
Vai trò của phụ huynh được đưa ra mổ xẻ và đây được xem là yếu tố quan trọng nhất để ngăn chặn việc các em chơi game không lành mạnh. Theo ông Bá, chính phụ huynh cũng cần được tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của game để làm tốt hơn công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình.
Ông Bá cho rằng khó khăn hiện nay của ngành giáo dục là tiếu thông tin tài liệu tuyên truyền, cần phía Sở Thông tin - Truyền thông đưa ra ngững tiêu chí rõ ràng thế nào là bạo lực, thế nào là không lành mạnh, việc quả lý theo độ tuổi để đưa ra cách thức quản lý phù hợp.
Đồng tình với các phương án nhưng theo ông Nguyễn Anh Phượng - phó hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa việc thực hiện cần phải quyết liệt hơn nữa. Ông nói: “Game có đấm đá, có súng kiếm là bạo lực. Có từ lâu lắm rồi mà sao phải chờ tiêu chí? Cần cắt ngay các trò chơi này”.
Về phía vai trò của ngành công an cần giám sát các tụ điểm kinh doanh trò chơi trên Internet, tìm những phương án để quản lý chặt hoạt động này một cách hiệu quả, ông Phượng đặt câu hỏi: “Chính quyền đã xử lý được bao nhiêu điểm Internet kinh doanh không đúng danh mục trò chơi, thời gian? Mình cấp phép được thì mình phải xử lý được”. Ông Phượng cho rằng các bên cần phải “mạnh tay” nếu không việc tổ chức các hội thảo chỉ mang tính hô hào chứ sẽ không hiệu quả.
Hoài Nam